> Bốn bộ trưởng trả lời về đất đai, quản lý tập đoàn...
Trên 70% khiếu kiện đất đai
Báo cáo nhanh trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cho biết, tính đến 17h ngày 12 – 6, Bộ này nhận được 12 chất vấn về các vấn đề nóng trong thời gian hiện nay, như quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, ô nhiễm môi trường.
Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, quản lý đất đai hiện nay còn nhiều bất cập, gây nhiều khiếu kiện, tố cáo kéo dài.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang đặt vấn đề, theo thống kê trên 70% đơn thư tố cáo thuộc về lĩnh vực đất đai, giải phóng mặt bằng. Nhiều vụ việc dẫn đến khiếu kiện đông người.
Ông Huỳnh Phong Tranh, Tổng thanh tra Chính phủ cho biết, từ tháng 9 – 2011 đến nay, số vụ khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến đất đai tăng lên, chiếm 79% tổng số đơn thư khiếu nại, khiếu kiện, trong đó, tới hơn 50% về các nội dung bồi thường tái định cư, giải phóng mặt bằng, còn lại là các vấn đề như đòi lại đất cũ, tranh chấp nội bộ giữa người dân qua các thời kỳ, đòi lại đất cho thuê, mượn…
Cũng theo ông Tranh, tới đầu tháng sáu năm nay, qua thanh tra, rà soát 63 tỉnh thành trên cả nước, 55 tỉnh còn tồn đọng, 904 vụ việc chưa giải quyết, trong đó, cấp trung ương là 380 vụ; tỉnh, địa phương chiếm 524 vụ.
"Với vai trò tham mưu cho Chính phủ, Bộ cũng đã giải quyết được nhiều, theo báo cáo đạt trên 90% mà người dân vẫn khiếu kiện rất nhiều là sao?" - Đại biểu Bé nêu câu hỏi.
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho rằng, lĩnh vực đất đai rất phức tạp, đặc biệt từ khi thực hiện cơ chế thị trường, có luật đất đai 2003.
Theo người đứng đầu Bộ Tài nguyên và Môi trường, có nhiều diễn biến phức tạp trong việc thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư, đặc biệt là tại những địa bàn đô thị có các khu công nghiệp.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang, tình hình đơn thư khiếu nại, tố cáo đã được tập trung giải quyết nhưng còn khá nhiều.
“Nguyên nhân trước hết là việc chúng ta bồi thường, hỗ trợ ở một số dự án chưa đảm bảo được dân chủ, công khai, bình đẳng trong việc thu hồi đất” – Bộ trưởng Quang nói.
Ngoài ra, theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, nguyên nhân còn ở chỗ chưa xử lý một cách kiên quyết, xung đột lợi ích giữa nhà nước và người dân bị thu hồi đất, giá bồi thường đất còn thấp, chưa chú trọng đến những quy định xây dựng khu tái định cư trước khi thu hồi, đào tạo nghề cho nhường dân bị thu hồi đất…
“Nhiều vụ khiếu kiện về đất đai đã kéo dài nhiều năm, đặc biệt có vụ kéo dài từ 2003 đến nay” – Ông Quang cho biết.
"Vụ Tiên Lãng là bài học sâu sắc"
Nói về giải pháp, theo người đứng đầu cơ quan quản lý tài nguyên môi trường, qua nghiên cứu thực tiễn, Chính phủ có nghị định 69, từ đó, công tác này có tiến triển đáng kể về giá đất, bồi thường, hỗ trợ…
Theo ông Quang, hiện có nhiều ý kiến xung quanh nghị định này cả mặt được và chưa được, đặc biệt là giữa các tỉnh, thành phố với khu vực nông thôn. Từ đó, ông Quang cho biết, sẽ đánh giá lại nghị định 69, xem xét kiến nghị, sửa chữa cho phù hợp.
“Chúng tôi sẽ tập trung xử lý dứt điểm vụ việc kéo dài này. Hướng xử lý là như vậy. Từng sự việc như thế nào, liên quan đến trách nhiệm của địa phương, chúng tôi sẽ tham mưu” – Ông Quang nói.
Trước những câu hỏi của đại biểu về kết quả những vụ việc ở Tiên Lãng, Văn Giang, Cần Thơ, Nam Định..., ông Nguyễn Minh Quang cho rằng, đây là những vụ việc hết sức đáng tiếc.
Việc xảy ra tại Tiên Lãng là bài học kinh nghiệm rất sâu sắc với những người làm công tác quản lý đất đai chúng tôi, nhưng không lo sự việc sẽ lan tràn ra nhiều địa phương – Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang nói.
“Chúng tôi cũng thấy rõ trách nhiệm của chúng tôi, của địa phương. Thái độ chung của chúng tôi là các vụ việc sẽ được xử lý theo quy định của pháp luật, làm rõ trách nhiệm của từng thành phần.” – Ông Quang nói.
Riêng về vụ việc ở Văn Giang, ông Quang cho biết, đã cử đoàn công tác xuống tận nơi để tìm hiểu sự việc, và hiện nay, người dân không còn phàn nàn gì về chính sách, đền bù, hỗ trợ gì cả, mà chỉ kiến nghị nên thu hẹp dự án lại một chút, và khu vực dịch vụ - phần mà người dân được hưởng – nên nằm trong khu đô thị.
Dự án chậm tiến độ: Sẽ thu hồi và không bồi thường
Liên quan đến trách nhiệm của mình trong việc đền bù giải phóng mặt bằng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết, các quy định cụ thể đều có trong luật.
Theo ông Huệ, việc xảy ra tình trạng người dân không đồng tình, xảy ra khiếu kiện, chống đối do nhiều nguyên nhân, thứ nhất là không tuân thủ nguyên tắc theo quy định của pháp luật, thứ hai là chưa đảm bảo tính công khai, minh bạch, dân chủ
Nhiều đại biểu Quốc hội đặt vấn đề, trong khi nhiều người dân thất nghiệp, nghèo đói do bị mất đất do giải phóng mặt bằng cho các khu công nghiệp, tuy nhiên, sau khi có mặt bằng, các chủ đầu tư lại không xây dựng, sử dụng hiệu quả số đất đó, bỏ hoang, gây tình trạng lãng phí tài nguyên đất đai.
“Nhiều nơi nhân dân tiếc của, tấc đất tấc vàng, đã tự ý vượt rào vào các khu công nghiệp, khu dự án để khai hoang, sản xuất” – Đại biểu Lê Đình Khanh (Hải Dương) nêu thực trạng.
Trả lời vấn đề này, ông Quang cho rằng, hiện tượng rào đất, bỏ hoang diễn ra ở khá nhiều địa phương. “Chúng tôi đang tổng hợp ở các địa phương, sau đó sẽ tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ để giải quyết” – Ông Quang cho biết.
Trước nghi vấn của nhiều đại biểu về việc cấp giấy phép đầu tư cho các dự án thì dễ nhưng thu hồi thì lại rất khó, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết, hiện, luật có quy định nếu quá thời gian quy định mà không đầu tư, xây dựng thì nhà nước có thể thu hồi và đền bù những cơ sở vật chất của chủ dự án đã đầu tư trên đó.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Quang cũng cho biết, theo quan điểm của ông, trong luật mới sẽ không bồi thường.
“Các nhà đầu tư nhận đất rồi, mà không làm, quá thời gian quy định, nhà nước thu hồi và sẽ không đền bù” – Ông Quang nói.
* Cũng liên quan đến vấn đề đền bù giải phóng mặt bằng, xây dựng khu tái định cư, nhiều đại biểu nêu thực trạng, việc xây dựng một số nhà máy thủy điện gây nhiều hậu quả nghiêm trọng như quỹ đất sản xuất mất nhiều, đời sống nhân dân khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo tăng lên, rừng bị mất nhiều, khu tái định cư còn yếu kém, không đủ điều kiện để người dân định canh, định cư…
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho rằng, đây là vấn đề hết sức quan trọng vì nó liên quan đến vấn đề năng lượng quốc gia. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Quang, thủy điện thường xây dựng ở khu vực miền núi, vùng sâu, xa, liên quan đến vấn đề rừng. Và các mức đền bù đối với các dự án do nhà nước, EVN, các nhà đầu tư khác cũng khác nhau.
Theo ông Quang, thời gian gần đây, việc đền bù ở các công trình thủy điện cũng tương đối thỏa đáng. Tuy nhiên, do phải xa rời quê hương, bản quán, nơi sinh hoạt, làm ăn cũ, nên cuộc sống còn rất nhiều khó khăn.
Từ đó, Bộ trưởng Quang cho biết, sẽ phải có những quy định, không hẳn chỉ riêng đối với nhà nước mà với các nhà đầu tư cũng phải nâng cao đời sống của người dân tái định cư ở các dự án thủy điện phải làm sao tốt hơn nơi ở cũ.
* Về việc sắp hết thời hạn giao đất nông nghiệp, đại biểu Phạm Xuân Thường ở Thái Bình băn khoăn rằng, nếu không điều chỉnh lại ruộng đất sau năm 2013 thì những người sinh sau năm 1993 sẽ không có đất để sản xuất, Bộ trưởng Quang cho rằng, theo ý kiến tham mưu của Bộ Tài nguyên và môi trường, để ổn định thì không nên chia lại ruộng đất.
Lý giải về điều này, ông Quang cho rằng, hiện nay, chúng ta đang phát triển theo hướng lao động sản xuất trong nông nghiệp sẽ ngày càng giảm đi, đến năm 2020, chỉ chiếm khoảng 35%, do đó, nhu cầu sử dụng đất nông nghiệp cũng sẽ không còn bức thiết như hiện nay nữa.
Ông Quang cũng mở ra hướng giải quyết tình trạng này. “Hiện, có hướng mở như thế này. Trong quá trình dồn điền đổi thửa để xây dựng nông thôn mới, những gia đình không còn lao động sẽ tự chuyển dịch với những người cần ruộng đất”.