Thời của triển lãm ảo

TP - Độc đáo và hấp dẫn là cảm giác mà các triển lãm thực tế ảo tại bảo tàng đem đến cho công chúng. Những năm gần đây, công nghệ số được áp dụng tại các bảo tàng, nhờ thế những câu chuyện lịch sử trở nên lôi cuốn hơn nhờ cách kể mới.

Những trải nghiệm chân thực

Dịp kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô, UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp với Trung tâm Lưu trữ quốc gia I khai mạc triển lãm 3D trực tuyến Hỡi đồng bào Thủ đô giới thiệu một số tư liệu tiêu biểu lần đầu được công bố về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Hình thức 3D trực tuyến đưa người xem vào không gian Thủ đô trong cuộc kháng chiến chống Pháp ở mọi lúc, mọi nơi chỉ với thiết bị di động có kết nối Internet. Ngoài những thông tin từ tài liệu lưu trữ, triển lãm dựng lên không gian 3D về Hà Nội “khói lửa rợp trời” với những địa danh nổi tiếng như khu quảng trường trước Nhà hát Lớn Hà Nội, Hồ Gươm, tuyến phố Hàng Đào, Hàng Ngang, Cột cờ Hà Nội…

Người xem triển lãm trải nghiệm màn hình tương tác tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam,

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho ra mắt không gian triển lãm mỹ thuật trực tuyến từ khá sớm. Đó cũng là giải pháp để trẻ hóa diện mạo của bảo tàng. Năm 2023, sau hai năm triển khai, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam giới thiệu công nghệ tham quan trực tuyến 3D, tích hợp trên trang web của bảo tàng. Bằng điện thoại thông minh hoặc máy tính có kết nối Internet, người xem chỉ cần truy cập trang web để khám phá không gian trưng bày thường xuyên của bảo tàng, nghe thuyết minh về các chủ đề trưng bày. Ngay bên trái trang chủ hiển thị 10 không gian trưng bày với nhiều chủ đề phong phú như Sắc xuân, Con đường độc lập, Ký họa kháng chiến miền Nam, Khoảnh khắc… để người xem lựa chọn. Bảo tàng cũng nghiên cứu phong cách của các họa sĩ Việt Nam để xây dựng không gian triển lãm phù hợp.

Cũng với hướng đi này, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế triển khai định danh số và triển lãm số các cổ vật triều Nguyễn. 10 cổ vật được định danh đã ra mắt công chúng tháng 5/2024. Khách tham quan có thể dùng điện thoại thông minh quét chip gắn trên cổ vật, tương tác đa chiều với toàn bộ thông tin lịch sử, nguồn gốc, ý nghĩa văn hóa, ảnh 3D cổ vật.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia cũng đã ứng dụng công nghệ thực tế ảo 3D trong trưng bày chuyên đề, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam giới thiệu các trưng bày trực tuyến ngay tại trang web.

Giải bài toán về không gian trưng bày

Bảo tàng không thể đứng ngoài guồng quay chuyển đổi số.

Nhiều bảo tàng có số lượng hiện vật lớn, giá trị và ý nghĩa lịch sử quan trọng nhưng trưng bày truyền thống chưa hấp dẫn. Những triển lãm ảo, số hóa hiện vật giải quyết phần nào bài toán đầu tư cho không gian trưng bày.

TS Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ, khi dịch COVID-19 bùng phát, bảo tàng ra mắt tua 3D, khách tham quan có thể trải nghiệm 360 độ hệ thống trưng bày dù ở bất kỳ đâu. “Chỉ trong một tuần, tua 3D thu hút gần 70.000 lượt trải nghiệm. Đó cũng là số lượng khách mà Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ước tính đón trong cả năm. Từ đó, chúng tôi có ý tưởng làm không gian triển lãm mỹ thuật trực tuyến, thiết kế các phòng trưng bày khác nhau, đăng ký đưa triển lãm lên không gian mạng, thay vì chỉ tổ chức tại phòng triển lãm thực”, ông Nguyễn Anh Minh nói.

Các triển lãm trực tuyến được coi như bước “trở mình” lớn của bảo tàng - thiết chế văn hóa nhiều người cho là khô khan, già cỗi. Các chuyên gia cũng khẳng định số hóa bảo tàng là xu hướng tất yếu. Bà Lê Thị Lan Anh, Phó Trưởng phòng Hành chính - Tổng hợp, Bảo tàng Lịch sử quốc gia khẳng định, bảo tàng đã triển khai trưng bày bảo tàng ảo 3D, trưng bày 3D sưu tập Bảo vật quốc gia và đang phối hợp xây dựng phần mềm, cơ sở dữ liệu quản lý hiện vật của bảo tàng. Cơ sở dữ liệu đi vào hoạt động sẽ hỗ trợ bảo tàng các chức năng quản lý sưu tập, cung cấp nguồn thông tin phong phú, xác thực cho các nhà nghiên cứu, công chúng.

Đầu tháng 10/2024, khi Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế được vinh danh tại giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2024, ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế bày tỏ mong muốn đưa thêm nhiều nội dung mới, ứng dụng những công nghệ mới để phát huy hơn tối đa giá trị của di sản và chuyển hóa thành những giá trị kinh tế. Điều này không chỉ giúp việc tra cứu, tham khảo, nghiên cứu diễn ra thuận tiện mà còn thúc đẩy thế hệ trẻ tìm hiểu về di sản.

UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 294/KH-UBND về việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đến năm 2025 và các năm tiếp theo, trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác chuyên môn và quản lý trong lĩnh vực bảo tàng, di tích, di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu, bảo đảm 100% các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn thành phố được số hóa và ứng dụng trên nền tảng số.