Thợ săn thành phố - bài cuối: Thân lươn bao quản lấm đầu…

TP - Cũng sống nhờ vào nghề săn bắt trên dòng sông, lềnh đềnh theo con nước, với hơn trăm chiếc ống trắm đánh lươn. Cứ trưa hôm trước đi đặt, trưa hôm sau đi thu, có ngày vợ chồng anh Nam kiếm được vài triệu đồng, nhưng có những ngày chỉ kiếm được vài ba con.

Lươn đánh được chị Tuyết đem ra lề đường bán với giá 200 nghìn/kg

Đi dọc bờ kênh, những khu chợ tự phát bên đường trên địa bàn quận 2, TPHCM, khi hỏi đến vợ chồng anh Nguyễn Văn Nam (42 tuổi) và chị Lê Thị Tuyết (39 tuổi, quê Tây Ninh) đánh lươn, hầu như ai cũng biết.

Hai vợ chồng anh và đứa con nhỏ chưa đầy 2 tuổi ngày nào cũng trên chiếc ghe nhỏ đi khắp các con kênh, dọc bờ sông để đặt ống trúm bẫy lươn. Anh làm nghề này từ khi còn trẻ đến nay cũng đã hơn 20 năm. Hầu hết kênh, rạch ở Sài Gòn anh cũng đã từng đặt chân đến.

Hằng ngày, anh chị đi từ sáng, đến xế chiều mới đặt xong hơn trăm cái ống lươn. Đặt ống lươn xong hai vợ chồng cùng đứa con nhỏ lại dong ghe đi thả lưới, bắt cá. Đối với vợ chồng anh thì săn lươn mới là nghề chính, thả lưới bắt cá chỉ là phụ và chủ yếu để lấy cá về làm mồi săn lươn.

Theo anh Nam, thời gian đầu chủ yếu anh dùng trùn (giun đất) làm mồi. Ngày nào anh cũng đều đi đãi trùn chỉ ở sông. Tuy nhiên, dùng trùn làm mồi không lươn không thích nên mỗi ngày đặt mấy chục chiếc ống bẫy cũng chả kiếm được bao nhiêu.

“Hồi đó nhiều người đi đánh lươn cũng dùng trùn làm mồi nhử nên mình học theo. Ngày nào cũng trầm mình dưới sông, lấy rổ đãi một mớ trùn về làm mồi. Đãi trùn vất vả thế nhưng về đánh, lươn không ăn nhiều nên mỗi ngày chỉ kiếm được vài kí là cùng”, anh Nam nói.

Nhiều lần gặp nhau trên sông nói chuyện mới biết cô ấy cũng cùng quê và đến đây làm cùng nghề nên thấy hợp nhau. Quen nhau được khoảng hơn một năm thì cưới, rồi hai vợ chồng chuyển ra ở trên chiếc ghe đến nay luôn”.

Anh Nguyễn Văn Nam

Một thời gian dài dùng trùn làm mồi nhưng không hiệu quả, anh Nam tìm nhiều cách chế mồi cho lươn dễ phát hiện và làm sao thu hút được lươn vào trong ống.

“Nhiều lần mình mua các loại mồi câu ở các tiệm câu cá về đánh nhưng vẫn không hiệu quả. Nghĩ đi nghĩ lại thì đồ ăn thiên nhiên vẫn thích hợp hơn. Mình đi bắt cá về luộc lên rồi bóc thịt làm mồi. Không ngờ lươn lại thích ăn cá luộc”.

Sau khi phát hiện ra cá luộc có sức hấp dẫn đối với lươn, anh Nam sắm thêm bộ chài lưới để đi bắt cá. Hằng ngày, khi đặt ống lươn xong, anh đem lưới đến những khu vực khác thả. Một mặt kiếm thêm thu nhập, mặt khác, anh bắt cá về làm mồi bẫy lươn.

Mỗi ngày anh Nam đặt ống lươn vào buổi trưa, chiều hôm sau đi thu lại

Anh Nam cho biết, làm mồi săn lươn cũng rất công phu vì nếu không đạt thì khó thu hút lươn, còn nếu không cẩn thận thì mồi tan vào nước rất nhanh. Để có đủ mồi cho 100 ống lươn, mỗi lần làm anh phải luộc hơn 2kg cá rô phi. Sau đó lột lấy thịt rồi bóp nát, trộn với đất bùn có độ ẩm vừa phải.

“Số lượng bùn và cá phải phù hợp, nếu nhiều bùn mà ít cá thì sẽ không có mùi, ít bùn nhiều cá thì mồi tan rất nhanh. Trộn cá với đất xong nắm thành từng viên nhỏ sao cho chắc, khi xuống nước lâu bị tan thì mồi mới đạt. Khi cắm ống xuống nước, mồi sẽ ngấm nước và tan từ từ, lan tỏa ra ngoài, lươn đánh mùi được sẽ tìm đến chui vào ăn”.

Hàng chục năm săn lươn, từ khi giá lươn chỉ có mấy chục ngàn một kg, đến nay, anh chị bán dọc đường cũng trên 200 nghìn/kg. Ngày nào gặp may, vợ chồng anh đánh được cả chục kí lươn, kiếm được cả triệu đồng. Tuy nhiên, bình thường, mỗi ngày anh chị chỉ đánh được vài kí, trừ tiền xăng, ăn uống sinh hoạt chỉ còn dư chút ít. 

Đặt nhiều nơi, nhiều chỗ, nhiều khi cũng làm mất ống lươn vì không nhớ hết vị trí. Anh Nam nói: “Ngày trước, một mình đi chỉ đặt dăm chục cái là cùng, nhiều lúc không nhớ chính xác vị trí đặt nên khi nước lớn không tìm ra, phải đợi đến khi thủy triều xuống, nước rút hết thì mới đến tìm. Nhiều khi bị nước cuốn hoặc bùn vùi lấp coi như mất luôn”. 

Để không bị mất ống lươn, anh Nam tìm cách đánh dấu từng vị trí đặt làm sao cho dễ nhớ. “Ban đầu mình lấy sợi dây cước dài, có màu buộc vào để nước lên thì sợi dây vẫn nổi mình dễ nhìn thấy. Nhưng buộc dây như vậy tàu bè chạy qua nhiều khi bị cuốn vào chân vịt rồi kéo cả ống đi mất, nên sau này cứ đặt ống ở đâu là mình bẻ gập một cành cây ở sát bên đó làm dấu”. Anh Nam nói thêm, ngày xưa tập tễnh vào nghề thường hay bị mất, nhưng nay mất ống lươn là hi hữu.

Anh Nam kể, vợ chồng anh bén duyên cũng nhờ vào nghề săn lươn này. Khoảng năm 2007, trong một lần đặt ống lươn trên kênh ở quận 2 thì gặp chị cũng đang đi đặt ống lươn.

“Lúc đó mình gặp vợ đang một mình chèo ghe đi giống mình nên chạy lại gần bắt chuyện. Nhiều lần gặp nhau trên sông nói chuyện mới biết cô ấy cũng cùng quê và đến đây làm cùng nghề nên thấy hợp nhau. Quen nhau được khoảng hơn một năm thì cưới, rồi hai vợ chồng chuyển ra ở trên chiếc ghe đến nay luôn”.

Cả gia đình sống trên ghe từ ngày này qua ngày khác. Mỗi ngày chỉ lên bờ một lần vào tầm xế chiều, sau khi thu được lươn mới lên để đi bán. Lúc này, đứa con trai nhỏ của anh chị cũng mới được lên bờ. Trò chơi duy nhất của bé là bốc cát, chạy chơi xung quanh bãi đất trống trong lúc mẹ bán hàng ngoài đường. Đến chập tối cả gia đình quay về với chiếc ghe, lấy nước sông tắm.

Câu cá trên vỉa hè

Thay vì xách cần câu ra sông, hồ câu cá, một số người dân Sài Gòn chọn cách ngồi câu ngay trước cửa nhà, trên vỉa hè nhưng vẫn được rất nhiều cá, đặc biệt là cá trê và cá rô đồng. Mỗi ngày ngồi bên miệng cống, anh Hải kiếm được vài kí cá rô đồng, cá trê, lâu lâu gặp may, cá tra vài kí cũng dính câu.

Không kể ngày làm hay nghỉ, cứ mỗi khi có thời gian rảnh là anh Nguyễn Tuấn Hải (22 tuổi, ngụ quận 2, TPHCM) lại xách cần câu đi dọc các tuyến đường gần bờ sông, kênh rạch để tìm địa điểm câu cá. Vị trí ưa thích của anh không phải là bờ sông, hồ nuôi mà là những miệng cống.

Anh Hải cho biết, cứ đến mùa mưa là các loại cá thường ngược nước đi tìm chỗ đẻ, đa số là cá rô, trê, cá lóc, kể cả cá tra cũng hay men theo các cống thoát nước để đẻ. Vì vậy, cứ đến mùa mưa là hầu như ngày nào anh cũng xách cần đi câu, và lần nào cũng nặng cần.

Theo anh Hải, khó nhất là làm sao để tìm được miệng cống có nhiều cá đến ăn. “Các miệng cống mà người ta mới mở lên để bơm nước hay có người bơm nước xả xuống là thích hợp nhất. Tìm được những miệng cống như thế này chỉ cần lấy khúc cây quấy thật mạnh cho động nước, sục bùn lên, khi đó cá trê sẽ tìm đến kiếm mồi. Chỉ cần móc mồi thả câu là cá sẽ dính ngay”.

Cá sống trong cống thoát nước chủ yếu là loài tạp ăn nên mồi câu của anh Hải cũng khá đơn giản, chỉ một bịch trùn và ít dế đất. Mỗi khi tìm được miệng cống ưng ý, anh dùng hai cần câu để săn cá. Tuy nhiên, nhiều lúc cá ăn liên tục khiến anh không kịp giật nên phải cất một cần.

“Câu cá miệng cống không cần cầu kì, chỉ cần một đoạn dây cước vừa đủ dài, cần càng ngắn càng dễ câu vì không phải giật mạnh. Cá ăn mồi chỉ cần cầm cần câu nhấc lên, túm dây cước kéo là được”.

Nhóm của Toàn câu cá trên đường Nguyễn Tất Thành, quận 4

Anh Hải cho biết, nếu tìm được miệng cống tụ đủ yêu cầu, một tiếng anh có thể câu được vài kí cá. “Câu cá trên miệng cống cũng có cái thú riêng. Nhiều khi ngồi câu miệng cống được nhiều cá hơn ngoài sông.

Vào hồ dịch vụ thì tốn tiền mà có khi ngồi cả buổi cũng không được con nào. Tuy nhiên, nếu không may mở phải nắp cống lâu ngày không thoát nước thì khó mà chịu được. Mùi từ dưới cống xộc thẳng lên, nếu hít phải có khi ói luôn”.

Cũng như anh Hải, mỗi khi triều cường lên hay trời mưa lớn người dân sống hai bên đường Nguyễn Tất Thành, quận 4, TPHCM lại xách xô ra miệng cống ngồi câu cá. Nhiều nắp cống nằm giữa lòng đường cũng bị trưng dụng. Trẻ con câu, người lớn câu, những người làm việc ngay bên đường hễ có thời gian rảnh cũng tranh thủ ngồi câu cá ngay trước cửa hàng.

Đồ nghề của những người câu cá ở miệng cống trên đường Nguyễn Tất Thành, quận 4 rất đơn giản, chỉ cần một sợi dây cước gắn lưỡi, một bịch dế là ngồi suốt buổi. “Cần câu” của họ là những lon bia, vỏ chai nước ngọt. Tìm đến nắp cống bằng sắt hoặc có lỗ thoát nước lớn là luồn dây câu qua khe hở là có thể có mồi nhậu.

Em Nguyễn Văn Toàn (12 tuổi) chiều nào đi học về cũng rủ bạn ra ngồi câu. Nhiều người lớn thấy em câu được cũng ra câu chung. “Cá bọn em câu chủ yếu là cá rô, cá trê nhỏ cỡ hai ngón tay. Còn mấy người lớn câu có khi được cá trê lớn, phải nhấc nắp cống lên mới bắt được cá”.