Thờ máu

TP - Sau một hồi bị dư luận phản đối, lễ hội chém lợn của làng Ném Thượng (Bắc Ninh) đã có điều chỉnh.
Lễ hội Chém lợn ở Bắc Ninh

Con lợn không bị chém đứt đôi thân mà chỉ bị khía vào cổ. Theo miêu tả của báo chí thì dân làng tranh nhau lấy tiền quết máu lợn đem về thờ! Thường người ta thờ những gì được kính trọng, tôn sùng. Phải chăng một số người thực sự sùng bái tiền và máu?

Người dân ở đây gọi con lợn bị chém là Ông Ỉ. Ông được rước quanh làng cùng nhiều linh vật khác đến sân đình để hành quyết. Bỗng thấy trình tự tư duy kiểu này có cái lạ. Nếu một số dân tộc khác coi voi, bò, khỉ và kể cả lợn là con vật thiêng, người ta sẽ không dám giết, nói gì đến ăn thịt. 

Ở ta thì khác. Thịt con trâu vô địch hội chọi trâu Đồ Sơn có giá cao nhất. Xem chương trình thế giới động vật trên tivi, nhiều người chỉ thấy... tiết dịch vị. Hình như xứ nông nghiệp thiếu thịt nên người ta lại càng thèm? Thực ra tự cho mình cái quyền tàn sát những loài khác là một đặc điểm của con người. Đan Mạch vẫn tồn tại lễ hội tàn sát cá heo dù bị cả thế giới phản đối.

Tục chém lợn được biết để tưởng nhớ một sự kiện trong dã sử khi một vị tướng chạy giặc đến làng Ném Thượng gặp nhiều lợn rừng, chọc tiết không xuể nên đã chém lợn nuôi quân. Cùng một sự kiện, có nhiều cách ứng xử. 

Có thể người xứ khác sẽ biết ơn con lợn cứu quân mà từ đó không ăn thịt nó nữa. Chứ nếu tái diễn lễ hội như để nhắc nhở rằng lợn là để ăn thịt, thiết nghĩ chẳng có gì đặc sắc. Thậm chí nó còn đi ngược tinh thần thượng võ, vì lợn vốn là vật nuôi thuộc dạng ì ạch.

Trước đây vì nghèo đói, có một con lợn mà ăn quả là ngày hội với cả vùng. Giờ có của ăn của để, người ta bắt đầu nhìn lại phong tục. Nhưng đổ xô vào kêu dân làng Ném Thượng man rợ thì cũng nên nghĩ lại. Thịt lợn chả vẫn là khẩu phần chủ đạo của dân ta sao. Giống lợn vẫn phải hàng ngày đổ máu vì chúng ta, chỉ có điều khuất mắt trông coi. 

Còn hội làng Ném Thượng thì bày cảnh đó ra. Để nhắc chúng ta rằng con vật đã phải trải qua những gì trước khi trở thành miếng thịt nuôi người.