Viết tên mình ở Văn Miếu

Chen nhau thể hiện tinh thần hiếu học tại Văn Miếu. Ảnh: N.M.Hà
Chen nhau thể hiện tinh thần hiếu học tại Văn Miếu. Ảnh: N.M.Hà
TP - Người ta đến Văn Miếu (Hà Nội) đầu xuân không chỉ để xin hoặc mua chữ, mà còn để âm thầm viết tên mình trong một góc tranh tối tranh sáng. Biết đâu rồi đây cái tên ấy rạng danh bốn biển năm châu...

Bức ảnh chụp hàng người có vẻ trật tự xếp hàng trên sân nhà Thái Học, Văn Miếu đợi xin chữ vào ngày Một Tết đã lôi kéo tôi đến với Văn Miếu chiều mùng Hai. Xông đất Văn Miếu vào những ngày đầu tiên của năm mới là một ý tưởng không tồi, nhất là với những người làm công việc viết lách. Tuy nhiên thành phần đông đảo nhất vẫn là các bé học sinh được cha mẹ dẫn đi xin chữ để cầu giỏi giang, đỗ đạt.

Vừa đỗ xuống đường Nguyễn Thái Học, cảm giác đầu tiên của tôi là muốn... đi về. Thấy vỉa hè để đầy xe máy, tiền gửi xe mất 20 nghìn đã hơi ngại. Nhưng thôi, đã đến nơi thì phải cố mà chen lấy may năm sớm. Vào trong khuôn viên, tuy phải dắt xa một chút nhưng cũng đỡ được 10 nghìn gửi xe. Lần đầu tiên thấy cảnh mọi người xếp hàng dài và trật tự để mua vé, 20 nghìn một người lớn.

Vượt qua hàng người tấp nập cầu cúng, mới vào được sân Thái Học. Phải nói là dân mình rất thích cầu cúng. Cứ chỗ nào có bàn thờ là xì xụp thắp hương, cứ thấy tượng là đặt tiền, dù nhiều khi chả biết tượng này tạc vị nào. Đi trên đường thỉnh thoảng lại gặp một đồng tiền lẻ lên đến hàng nghìn nằm lắt lay. 

Trên mái mấy tòa nhà ở Văn Miếu cũng lác đác tiền. Gần đó là tấm biển cấm mọi người vứt tiền lên mái nhà. Tôi không hiểu lắm tâm lý vứt tiền của người Việt. Nếu thực sự họ muốn “của đi thay người” thì thà đem tiền đó đi làm từ thiện còn hơn. Vứt tiền hình như theo nguyên lý của phong thủy sẽ gây khó cho việc kiếm tiền, chưa kể còn là hành vi phạm pháp: hủy hoại đồng tiền quốc gia.

Còn tâm lý thích cầu cúng, xin xỏ các thế lực vô hình thì khỏi phải nói. Ngay bên tường rào Văn Miếu chỗ Nguyễn Thái Học tiếp giáp Tôn Đức Thắng có một cái bàn thờ ngày rằm mùng một nghi ngút khói hương, vàng mã cháy rừng rực một thời gian dài, gần đây mới tạm được dẹp yên. 

Đáp ứng tâm lý thích cầu xin của du khách, các gian nhà mới xây trong khu Văn Miếu dựng lên rất nhiều bàn thờ và tượng. Tôi nghĩ cũng không sao, có cầu thì tất có cung. Nhưng giá mà các tượng và bàn thờ nhỏ nhắn hơn chút nữa thì sẽ cân đối về tỷ lệ không gian và dân tình cũng đỡ phải chen nhau lách qua những khe kẽ một người đi nghiêng mới lọt.

Một thứ nhiều nữa là hàng hóa, chủ yếu là đồ lưu niệm. Nhiều thêm chút nữa khéo Văn Miếu trở thành hội chợ xuân. Món hàng đặc sản của Văn Miếu vẫn là chữ và chữ. Nếu bạn không muốn xếp hàng mất công để chờ tới lượt được xin một chữ theo ý mình, có thể chọn những chữ viết sẵn để bán.

Trong nhà bia, tôi đọc được những dòng trích dẫn văn bia khoa thi năm 1583, đóng khung trong khung kính: “Một khi đã được khắc tên lên tấm đá này, người đời sau đến xem sẽ chỉ tên và bảo nhau: người này được, người kia hỏng; người này hay kẻ kia dở, nhờ đó mà kẻ thiện biết tự khuyến khích, kẻ ác biết tự răn đe. Thế thì tấm đá này dựng lên, há chỉ chuộng hư danh làm cho đẹp mắt mà thôi đâu! Ý nghĩa sâu xa của sự khuyến khích răn đe chính gửi ở trong đó”. 

Người viết những câu này đâu ngờ Hán Nôm nay đã gần trở thành một ngoại ngữ đối với con cháu Việt, còn Tiến sĩ thì được người đời sánh với “lợn con” về độ nhiều. Bia đá may mà vẫn được coi là một thứ linh vật chỉ để cho con cháu sờ lấy khước dù chẳng hiểu những nội dung các cụ gửi gắm trên đó.

Cũng như vậy là các tác phẩm thư pháp, không chỉ không đọc được chữ mà dân tình cũng chẳng mấy ai biết thế nào là đẹp, là đẳng cấp, là nghệ thuật, cũng như chẳng cần quan tâm người cho chữ là ai. Cho nên mới có kiểu bán đổ đồng như một bức hình trang trí. Vấn đề là cái ý thức xin chữ, xin tri thức đầu năm vẫn có. Đó mới là điều đáng nói, đáng trân trọng.

Mỗi góc của một tòa nhà sâu trong Văn Miếu lại có một tấm bảng sơn son thếp vàng. Nhiều bạn trẻ đang dùng ngón trỏ di di lên đó như kiểu để đọc chữ. Tôi lại gần, bảng trống không. Vậy mà nhiều người, chủ yếu là các em nhỏ vẫn liên tục len vào để di tay. Có em còn lấy đồng tiền mệnh giá nhỏ xoa lên như kiểu lau bảng, rồi để lại phía dưới. Hỏi một bậc phụ huynh mới biết đó là phong tục lâu đời: Học sinh vạch tên mình lên tấm bảng để thể hiện tinh thần hiếu học. Vậy mà giờ mình mới biết, quả là biển... phong tục rộng lớn thay!

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.