> Tạm giữ ô tô 7 chỗ chở 300kg thịt bẩn
> Chất độc trong thực phẩm nhiều do... không có cán bộ!
Thịt, lòng, phụ phẩm nhầy nhụa dưới nền nhà
Thống kê của cơ quan chức năng, tại Hà Nội có khoảng 3.000 cơ sở, điểm giết mổ nhỏ lẻ dạng “chọc chết, cạo lông” dưới sàn nhà bẩn. Hầu hết các lò mổ trên nằm trong khu dân cư, thậm chí mổ tại hộ chăn nuôi, chưa thực hiện quy trình về kiểm dịch tận gốc; kiểm tra, kiểm soát giết mổ theo đúng quy định.
Hà Nội từng có 7 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm với dây chuyền hiện đại, nhưng hiện chỉ có 2 cơ sở hoạt động (công suất chỉ đạt từ 10-20%). Như vậy, có thể hiểu, đa số người dân Thủ đô đang tiêu thụ thịt từ các lò mổ thủ công (phần nhiều không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm).
Theo ông Nguyễn Đình Đảng- Phó Chi cục Thú y Hà Nội, các cơ sở, điểm giết mổ trên đa phần không nằm trong quy hoạch xây dựng của chính quyền các cấp; khu vực giết mổ, đồ nghề, nước, chất thải, môi trường... đều không đáp ứng được các tiêu chuẩn của một cơ sở giết mổ theo quy định.
Thông tin từ Chi cục Thú y Hà Nội, ngay tại cơ sở giết mổ tập trung ở Vạn Phúc (Thanh Trì, Hà Nội), nơi giết mổ khoảng 1.200 con lợn/ngày do Cty CP Thịnh An quản lý, vẫn còn tình trạng giết mổ, sơ chế lòng, phụ phẩm trên nền gạch, nhầy nhụa lẫn tiết, lông. Sau khi giết mổ xong, các tiểu thương chở 2-3 con lợn trần trụi, thậm chí 4-5 con trên mỗi xe máy, chạy khắp ngả đường về các chợ.
Theo ông Nguyễn Như Tiệp- Cục trưởng Quản lý chất lượng Nông lâm và Thủy sản, qua đánh giá cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm (từ 31 tỉnh, thành), tỷ lệ các cơ sở đánh giá lần đầu xếp loại C (không đạt tiêu chuẩn) vẫn còn cao (gần 45%).
Còn kiểm tra định kỳ xếp loại C tới 60% và tái kiểm tra (180 cơ sở), có 52 cơ sở được lên B (28,9%), còn lại 128 cơ sở vẫn xếp loại C (71%). Hiện các cơ sở này, tạm thời bị đình chỉ cho đến khi kết quả kiểm tra đạt yêu cầu mới được hoạt động trở lại. Theo ông Tiệp, hiện việc công khai các cơ sở xếp loại C và việc tái kiểm tra cơ sở loại C chưa được triển khai nhiều, việc kiểm tra định kỳ còn rất chậm, chưa đầy đủ theo quy định.
Ông Tiệp cho hay, đợt kiểm tra ATTP ở 9 tỉnh thành vừa qua cho thấy, trong 25 bếp ăn tập thể, siêu thị và cơ sở chế biến nông sản, có 17 cơ sở còn chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về ATTP. Trong đó, chủ yếu là thiếu bảo hộ lao động, nền còn đọng nước, nhà kho chung nhà vệ sinh, nguyên liệu để dưới sàn nhà, sử dụng thịt không dấu kiểm dịch, ghi chép không rõ ràng, nguyên liệu không có nguồn gốc.
Khó quản chất độc hại
Mới đây, Sở NN&PTNT Đồng Nai (nơi phát hiện người nuôi có sử dụng chất cấm giúp lợn “bung đùi”, “nở vai” năm 2012) công bố, qua phân tích 50 mẫu nước tiểu, 50 mẫu thức ăn chăn nuôi trên thị trường, không phát hiện ra chất cấm tạo nạc trong nhóm beta agonist (Ractopamine, Sabultamol, Clenbuterol). Tuy nhiên, do chưa đảm bảo trong khâu giết mổ, vận chuyển, bán ở chợ, nên các loại thịt ra sạp bị nhiễm nhiều vi sinh vật rất đáng lo ngại.
Ông Lê Bá Lịch- Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho biết, việc kiểm soát chất lượng thịt có dư chất kháng sinh, chất độc hại hiện rất khó. Theo ông, Việt Nam gần như chưa sản xuất được các loại chất phụ gia, bổ sung trong thức ăn chăn nuôi, giúp gia súc, gia cầm tăng trọng nhanh, nên phải nhập khẩu. Hiện cả nước có gần 200 các doanh nghiệp nhập các chất phụ gia, bổ sung nói trên (nhiều loại từ Trung Quốc) và đều không thông qua hiệp hội. Còn các cơ quan chức năng rất khó quản khâu này.
Theo ông Lịch, những loại chất bổ sung này rất đắt, vài chục đến cả trăm triệu đồng/kg, liều lượng pha chế chỉ 0,5-1 kg chất phụ gia/tấn thức ăn chăn nuôi. “Có nhóm chất cấm beta agonist hay không trong chăn nuôi cũng từ chỗ này mà ra”- ông Lịch nói.
Ông Lịch cho hay, những doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn họ không dại gì cho chất cấm vào, vì nếu phát hiện sẽ “sập tiệm”. Chủ yếu các công ty nhỏ nhập qua đường tiểu ngạch tiếp thị chất cấm đến tận các trại chăn nuôi. Hiện nay, tình trạng mổ lợn bán nhưng lượng kháng sinh, các chất bổ sung chưa “tiêu” hết vẫn phổ biến.