Hà Nội:
Thiếu thiết bị chữa cháy cho hàng trăm nhà cao tầng
Theo Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) Hà Nội, qua kiểm tra hơn 100 tòa nhà cao tầng vừa qua, phát hiện hầu hết tòa nhà đều có vi phạm, điển hình là vi phạm về lối thoát nạn. Nhiều tòa nhà có hệ thống báo cháy nhưng không duy tu, bảo dưỡng thường xuyên, nên khi xảy ra cháy, hệ thống này như vô hiệu. Lực lượng PCCC ứng trực tại chỗ quá mỏng. Ở nhiều khu chung cư, có nơi chỉ một vài người nên không đủ khả năng vận hành hệ thống PCCC, xử lý cháy khi hỏa hoạn xảy ra.
“Hiện thành phố có hơn 400 tòa nhà cao từ 7 tầng trở lên, nhưng nhiều tòa nhà bộc lộ bất cập trong PCCC. Chẳng hạn, việc lắp đặt điều áp buồng thang thoát nạn trong nhiều toà nhà không đạt chuẩn, không có khả năng ngăn khói xâm nhập khi hỏa hoạn xảy ra. Chưa hết, ở nhiều khu chung cư, tỷ lệ căn hộ cho thuê làm văn phòng cao nên làm mật độ người trong tòa nhà quá tải, ảnh hưởng đến việc thoát nạn khi có cháy xảy ra”, đại diện Sở Cảnh sát PCCC nói.
Sau các vụ cháy nhà cao tầng gần đây, một số bất cập mới trong PCCC được phát hiện. Vụ cháy tại tầng 12 tòa chung cư 34 tầng ở khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính trưa 25-3 được dập tắt sau 40 phút. Chiếc xe thang cứu hộ hiện đại nặng hơn 50 tấn, có thể cứu hộ ở độ cao 56m (tương đương độ cao tòa nhà 16 tầng), không tiếp cận được hiện trường. Nguyên nhân là do tòa nhà có hệ thống tầng hầm dưới mặt sân chung. Hệ thống tầng hầm chung này chỉ chịu được tải trọng khoảng 25 tấn, trong khi xe thang nặng hơn 50 tấn. Nếu xe tiếp cận hiện trường thì tầng hầm chung cư sẽ bị sập.
Trước đó, trong vụ cháy tòa tháp EVN của Tập đoàn Điện lực Việt Nam tại số 11 phố Cửa Bắc (Ba Đình), hàng trăm chiến sĩ cảnh sát PCCC cũng rất vất vả khi mà toàn bộ mặt ngoài của tòa nhà 33 tầng này được lắp kính cường lực. Do không có dụng cụ phá kính cường lực nên lực lượng cứu hỏa đã rất vất vả khi tiếp cận hiện trường.
Khó khăn chữa cháy nhà cao tầng
Lý giải về việc xe thang cứu hộ 50 tấn không tiếp cận được tòa nhà 34 tầng khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, ông Phạm Chí Sơn, Chánh văn phòng Tổng Cty Vinaconex (chủ đầu tư toà nhà) cho biết: “Việc thi công toà nhà được thực hiện theo đúng thiết kế phê duyệt và được cơ quan cảnh sát PCCC chấp thuận.
Tòa nhà 34T được hoàn thành đưa vào sử dụng từ năm 2007..., khu vực mặt trước tòa nhà 34T (mái tầng hầm) giới hạn cho xe chữa cháy có tải trọng 25 tấn hoạt động. Thiết kế này đã được Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) thẩm duyệt”. Ông Sơn cũng cho rằng, tại thời điểm thiết kế, thi công nhà 34 tầng trên thì lực lượng PCCC Công an TP Hà Nội cũng chưa được trang bị xe thang cứu hộ loại 50 tấn.
Đại tá Tô Xuân Thiều, Phó giám đốc Sở cảnh sát PCCC cho biết, theo lực lượng PCCC, việc xe thang không tiếp cận được hiện trường do quá trọng tải và thiết kế tòa nhà bằng kính cường lực là những bất cập mới được phát hiện sau những vụ cháy nhà cao tầng gần đây.
Thời gian tới sẽ phát triển, hiện đại hóa lực lượng PCCC, trong đó mua sắm các thiết bị chữa cháy hiện đại như thang cứu hộ cao tầng, thậm chí máy bay chuyên dụng. Tuy nhiên, theo ông Thiều, việc sử dụng máy bay trong công tác cứu hộ ở Hà Nội không đơn giản, bởi nhiều nhà cao thấp tầng xen kẽ không được thiết kế tổng thể, chưa kể vị trí nơi đỗ đáp cho máy bay. “Nhiều người thắc mắc sao không sắm nhiều xe thang đủ cao vươn tới những ngôi nhà cao tầng, nhưng có thực tế không phải tất cả xe thang lên cao được. Vì lên đến độ cao quá 52m thì sẽ có gió rung lắc, nên biện pháp quan trọng nhất là các tòa nhà phải thiết kế đáp ứng được việc thoát nạn khi xảy ra sự cố”, ông Thiều nói.
Cháy ở nhà cao tầng, làm sao thoát hiểm?
Theo các chiến sỹ PCCC, về nguyên tắc, khi xảy ra sự cố cháy ở nhà cao tầng, mọi người cần cố gắng thoát ra ở các lối thoát hiểm vì cầu thang thoát hiểm ở các nhà cao tầng kín, có điều áp. Nếu không thể thoát qua cầu thang thoát hiểm được thì nên thoát qua các hành lang, ban công và cuối cùng mới là tìm cách thoát lên cao nơi có độ thoáng, nhưng khi cháy, khói sẽ bốc lên cao. Đặc biệt, khi xảy ra sự cố, người dân nên bình tĩnh, dùng khăn ướt bịt miệng tránh ngạt, sau đó tìm cửa thoát nạn và bằng mọi cách cứu báo cho người ở dưới biết mình đang ở vị trí nào.