Thống kê từ Sở LĐTB&XH Đồng Nai, đến cuối tháng 1 - 2010, gần 150 doanh nghiệp báo cáo về tình hình lao động có đơn xin nghỉ việc sau Tết, mỗi doanh nghiệp có từ 200 – 400 lao động xin nghỉ việc.
Năm nay, doanh nghiệp ngành may mặc ở Đồng Nai dự báo tiếp tục thiếu hụt lao động
Lo ngay ngáy
Theo công ty Taekwang Vina tại KCN Biên Hòa 2 (TP Biên Hòa) đến ngày 31-1 công ty nhận được 500 đơn xin nghỉ việc, điều này tạo khó khăn đối với doanh nghiệp nhất là dịp xuất hàng vào quý I-2010.
Trước đó nhiều tháng liền công ty liên tục tuyển dụng 1.500 người vừa để đảm bảo nhu cầu công việc vừa bù lại số thiếu hụt sẽ nghỉ việc sau Tết, tuy nhiên trong khi nhu cầu tuyển dụng chưa đủ thì lại có hàng trăm công nhân đưa đơn nghỉ việc.
Công ty Shing Mark Vina, chuyên sản xuất chế biến gỗ xuất khẩu tại KCN Bàu Xéo (Trảng Bom) báo cáo dịp Tết Nguyên đán năm nay, doanh nghiệp nhận được trên 400 đơn xin nghỉ việc.
“Vốn đã khó khăn trong tìm nguồn lao động, nay cùng lúc một lượng lao động xin nghỉ việc thực sự gây cho công ty nhiều khó khăn cho sản xuất đầu năm” - một cán bộ phụ trách nhân sự của công ty này nói.
Ngay như công ty Changshin Việt Nam (huyện Vĩnh Cửu) vốn có nhiều chính sách để giữ chân người lao động gắn bó với công ty nhưng cũng có 600 lao động xin nghỉ việc.
Dù chỉ có 200 công nhân xin nghỉ, nhưng với công ty Mabuchi Motor điều này sẽ gây không ít khó khăn cho các vị trí sản xuất hiện tại trong doanh nghiệp, bởi lao động xin nghỉ việc chủ yếu là những công nhân đã thạo việc, không phải lo đào tạo lại tay nghề, hơn nữa việc tìm nguồn lao động mới thay thế cho đội ngũ này trong thời điểm hiện nay không dễ dàng.
Người lao động nhắm bến đỗ mới
Trong dòng người đổ ra đón xe về miền Trung, miền Bắc trong những ngày trước Tết, có nhiều cảnh chia tay bịn rịn của những nhóm công nhân.
Chia tay với người bạn ở cùng công ty, chị Lê Thị Thanh quê ở Hải Dương cho biết kỳ này chị cùng hai người bạn cùng quê sẽ về quê luôn. Chị Thanh nói: “Ba mẹ em kêu về quê từ nửa năm nay, nhưng ráng làm đến cuối năm lấy tiền thưởng rồi xin nghỉ việc luôn, ở quê cũng đã có nhiều KCN đang tuyển công nhân”.
Chị Đỗ Thanh Mai quê ở Ninh Bình cho biết: “Đã 10 năm vào làm công nhân ở Đồng Nai rồi, giờ về quê làm việc dù lương thấp hơn trong này, nhưng được cái ở gần nhà không phải mất nhiều chi phí và còn phải lấy chồng”.
Ngày 26 Tết, anh Nguyễn Thành Hải quê ở Quảng Ngãi thu xếp hết hành lý và trả luôn phòng cho chủ nhà trọ. Anh Hải cho hay, về quê ăn Tết đã, có vô Nam lại hay không thì tính sau. Trong năm 2009, Hải đã nhảy việc qua ba công ty, ở nơi làm lâu nhất cũng chỉ có ba tháng.
Nguyên nhân người lao động quê ở miền Trung hay miền Bắc xin nghỉ hẳn việc về quê được cho là do có nhiều KCN mở ra ở các tỉnh miền Trung và miền Bắc. Xu hướng tự điều chỉnh lao động theo vùng, miền cũng là điều dễ hiểu.
Theo Sở LĐTB&XH Đồng Nai, điều quan trọng là các doanh nghiệp cần có chính sách đãi ngộ đủ sức để giữ chân người lao động gắn bó lâu dài.
Bài toán 50 ngàn lao động
Theo kế hoạch mà các doanh nghiệp báo về Sở LĐTB&XH Đồng Nai thì năm 2010, nhu cầu tuyển mới sẽ là trên 50.000 lao động, trong đó, một lượng không nhỏ để bù đắp nguồn lao động thiếu hụt do xin nghỉ việc.
Ông Lâm Duy Tín, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH cho biết, Sở sẽ tiếp tục đẩy mạnh thông tin tuyển dụng lao động thông qua sàn giao dịch việc làm được tổ chức hàng tháng; liên kết với các tỉnh lân cận để tuyển dụng lao động, đồng thời sẽ giới thiệu các doanh nghiệp đầu tư vào các KCN, cụm công nghiệp ở các huyện để tận dụng nguồn lao động tại chỗ.
Các phòng LĐTB&XH, các Trung tâm dạy nghề sẽ làm thêm chức năng giới thiệu việc làm. Các xã, phường, thị trấn sẽ thông báo rộng rãi về chế độ tuyển dụng, ưu đãi của các doanh nghiệp đến các khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Ông Tín cho rằng ở khu vực nông thôn trong tỉnh hiện nay, tỷ lệ lao động chưa có việc làm ổn định còn khá nhiều, đây là nguồn có thể khai thác phục vụ cho việc dịch chuyển về các KCN rất thuận lợi.