Thiết bị tín hiệu đèn giao thông trở thành mồi ngon của trộm

Thời gian gần đây, hiện tượng trộm cắp các linh kiện, thiết bị tại các nút đèn tín hiệu giao thông xảy ra trên địa bàn thành phố Hà Nội khá phổ biến. Trước tình hình đó, Giám đốc CATP đã yêu cầu Phòng CSHS và Công an cơ sở phối hợp với các đơn vị chức năng quyết liệt triển khai biện pháp đấu tranh, phòng ngừa.
Ông Ngô Quang Tiến: "Nếu tủ điều khiển bị đối tượng cắt nhầm dây, bảng mạch điều khiển dễ bị chập cháy, gây hư hỏng và thiệt hại có thể lên tới cả trăm triệu đồng"

Chưa kịp bàn giao đã bị... trộm!

Hệ thống linh kiện, thiết bị của các nút đèn giao thông do Ban quản lý (BQL) dự án Duy tu hạ tầng giao thông (thuộc Sở GTVT Hà Nội) làm đại diện chủ đầu tư. Trao đổi với phóng viên Báo ANTĐ, ông Ngô Quang Tiến - Phó giám đốc BQL dự án cho biết, trước kia, do việc cấp điện cho các nút đèn tín hiệu giao thông chưa được quan tâm, nên khi mất điện, đèn không hoạt động đã gây nên tình trạng ùn ứ giao thông. Nhưng từ năm 2011, liên ngành CATP và Sở GTVT đã đề xuất cần có hệ thống lưu điện với thời gian tối thiểu từ 4-6 giờ để khi mất điện các nút đèn giao thông vẫn hoạt động bình thường. Theo đó, BQL dự án được giao là đơn vị đại diện chủ đầu tư lắp đặt bộ lưu điện UPS có công suất 1.400VA, với giá thành hơn 13 triệu đồng một bộ.

Tuy nhiên, sau khi các đơn vị nhà thầu của BQL dự án lắp đặt các thiết bị và cho chạy thử trong thời gian 6 tháng, chưa kịp bàn giao thì đã xảy ra tình trạng tủ điện và các thiết bị bị đối tượng xấu phá hoại, trộm cắp, trong đó có bộ lưu điện UPS, dù đã được thiết kế nằm trong tủ điều khiển, được khóa bằng hai hệ thống khóa (bên ngoài và bên trong).

Thiết bị lưu kích phát điện tự động mỗi khi có sự cố 

Trực tiếp đến hiện trường một vụ kẻ gian trộm cắp thiết bị trong tủ điều khiển đèn tín hiệu giao thông được lắp đặt ở ngã tư Cầu Dậu - Nghiêm Xuân Yêm (thuộc địa bàn huyện Thanh Trì), theo quan sát của phóng viên, chiếc tủ điều khiển được lắp khá chắc chắn trên ụ bê tông, với 2 lần khóa. Tuy nhiên, hầu hết vị trí các tủ điều khiển được lắp ở góc khuất trên vỉa hè, nên người qua lại thường không chú ý, khiến cho những đối tượng xấu dễ ra tay trộm cắp. Mặc dù hệ thống tủ điều khiển được bảo vệ bằng 2 lần khóa nhưng chỉ cần một đoạn sắt hoặc cây xà beng là có thể phá được.

Hậu quả lớn từ hành vi trộm cắp

Giá trị không quá lớn, nhưng khi những mạch điện điều khiển đèn tín hiệu bị phá hoại, trộm cắp sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác điều hành giao thông. Thiếu tá Phạm Quang Minh - Đội phó đội Điều khiển Đèn tín hiệu giao thông (Phòng CSGT ĐB-ĐS Hà Nội) cho biết: Nếu tín hiệu đèn bị mất mà lực lượng chức năng không có mặt ở đó, chắc chắn xảy ra hỗn loạn giao thông.

Trước tình hình trên, Giám đốc CATP đã yêu cầu Phòng CSHS phối hợp với các lực lượng Công an cơ sở khẩn trương vào cuộc điều tra, đấu tranh, phòng ngừa. Công an cơ sở chú trọng đẩy mạnh phong trào tố giác tội phạm, kịp thời phát hiện, cung cấp đến các cơ quan chức năng thông tin về đối tượng có hành vi hủy hoại, làm hư hỏng; các đối tượng có biểu hiện trộm cắp linh kiện, thiết bị tại các nút đèn giao thông để bắt giữ, xử lý nghiêm. Trong thời gian tới, phải tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, đặc biệt vào ban đêm ở các tuyến, khu vực có hệ thống đèn tín hiệu giao thông thường xuyên bị các đối tượng trộm cắp linh kiện, thiết bị.

Bên cạnh đó, cần khẩn trương điều tra cơ bản, rà soát, xác định số lượng, vị trí các nút tín hiệu đèn giao thông trên địa bàn; các nút đèn giao thông thường xuyên bị các đối tượng phá hoại, trộm cắp; từ đó chỉ đạo Công an cơ sở tập trung xây dựng phương án phòng ngừa tội phạm. Đối với những vụ việc xảy ra, cần tập trung điều tra khám phá, xác định đối tượng và đầu mối tiêu thụ. Công tác phối hợp trao đổi thông tin tội phạm giữa các đơn vị cũng phải được thực hiện tốt để nâng cao hiệu quả phát hiện, đấu tranh với các ổ nhóm, đối tượng có hành vi hủy hoại, làm hư hỏng, trộm cắp các linh kiện thiết bị tại các nút đèn tín hiệu giao thông; không để tội phạm tiếp tục hoạt động phạm tội.

Theo An ninh thủ đô