Vứt xó sau 2 tháng
Từ thông tin phản ánh của lực lượng chức năng tại nhiều địa phương, sau quá trình tìm hiểu của phóng viên cho thấy, những thông tin phản ánh trên là hoàn toàn có cơ sở.
Trung tá Đỗ Mạnh Ninh - Đội trưởng Đội CSGT số 8 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) cho biết: Năm 2013, đơn vị được Phòng CSGT cấp phát cho bộ thiết bị cân tải, chúng tôi nhận thấy đây là chủ trương đúng đắn của ngành giao thông nhằm ngăn chặn các phương tiện quá tải để giảm nguy cơ đường sá hỏng hóc và giảm tai nạn giao thông.
Chính vì thế, khi nhận được thiết bị cân tải, chúng tôi đã nỗ lực kiểm tra. Tuy nhiên khi đưa vào triển khai được vài ngày, kiểm tra được vài xe thì bị hỏng đành bỏ xó. Trung tá Ninh cũng không biết ở đâu, đơn vị nào bảo hành, sau đó đã tìm đến 1 nơi sửa chữa tại khu vực Cầu Giấy (Hà Nội), tuy nhiên khi sửa xong người ta đòi 28 triệu đồng.
Trung tá Ninh than, vừa kiểm tra được mấy xe đã phải bỏ ra 28 triệu để sửa chữa thì lấy tiền đâu. “Chúng tôi đã đề xuất lên Phòng CSGT để xin kinh phí sửa chữa nhưng chưa thấy ý kiến gì. Chính vì thế chúng tôi đề nghị đơn vị sửa chữa trả lại hiện trạng ban đầu vì không có tiền chi trả. Kể từ đó đến nay đã 7, 8 tháng chiếc cân đành vứt gầm ghế” - trung tá Ninh nói.
Cùng về nội dung trên, đại tá Trần Văn Luân - Trưởng phòng CSGT tỉnh Nam Định cho biết: Kể từ khi triển khai việc cân tải tới nay, lực lượng liên ngành trên địa bàn gặp không ít khó khăn. Các thiết bị được Tổng cục Đường bộ Việt Nam cung cấp hoạt động rất chập chờn, lúc được lúc không, có lúc phải chờ vài tiếng thiết bị mới hoạt động trở lại.
“Chúng tôi muốn làm nghiêm, thực hiện cân tải 24/24, nhưng thiết bị cân tải trục trặc thì chịu. Ngoài ra thiết bị cân tải rất khó tính, nếu đặt ở nền đường không bằng phẳng, hoặc chỉ vướng vào một hòn đá nhỏ là cân không hoạt động hoặc không chính xác” – ông Luân nói.
Mặc dù có đường dây nóng tư vấn về việc khắc phục sự cố của thiết bị cân tải, song theo các CSGT không phải lúc nào cũng gọi được. Ví như, thiết bị cân tải hỏng hóc lúc nửa đêm thì biết gọi cho ai, hoặc có gọi được nhưng phải vài tiếng sau mới khắc phục xong. Nếu thiết bị cân tải ngừng hoạt động một tiếng đồng hồ đã có hàng trăm xe ứ đọng, trong khi chưa thể có bãi đỗ xe để tập kết cho những xe có nghi vấn quá tải.
“Trường hợp dừng nhiều phương tiện, mà thiết bị vẫn không hoạt động trở lại sẽ gây ách tắc giao thông, lúc đó đành phải cho các phương tiện lưu thông trở lại. Như vậy sẽ nảy sinh tình trạng xe quá tải vượt trạm cân là lẽ đương nhiên” - đại tá Luân chia sẻ.
Ông Hà Anh Ngọc (Chánh Thanh tra, Sở GTVT tỉnh Lào Cai) cho biết: Các thiết bị phục vụ cho việc kiểm tra trọng tải xe chỉ hoạt động được khi trời khô ráo, gặp trời mưa thì phải dọn dẹp ngay. Không chỉ thế, hiện nay đường truyền dữ liệu cũng rất chập chờn lúc được lúc không.
Tại trạm cân tải Dốc Xây (Thị xã Tam Điệp, Ninh Bình) một cán bộ làm việc tại đây nói, thiết bị cân tải hoạt động chập chờn, gặp thời tiết ẩm ướt là tê liệt không hoạt động được. Lúc mới triển khai việc cân tải, tấm bảng điện tử hiển thị trọng tải xe còn nhảy loạn, không chính xác.
700 triệu đồng/bộ cân tải
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Xuân Cường (Phó Tổng cục trưởng Đường bộ Việt Nam) cho biết, thiết bị cân tải là do Cty THHH Một thành viên Hanel (Hanel) cung cấp. Tổng cục Đường bộ nhập 63 bộ cung cấp cho 63 tỉnh, thành. Mỗi bộ cân có giá 700 triệu đồng và được bảo hành trong 2 năm.
Ông Cường cũng cho rằng, những chi tiết nào là lỗi của nhà sản xuất thì Hanel phải có trách nhiệm bảo hành sửa chữa. Tuy nhiên thực tế cho thấy, thiết bị cân tải của Đội CSGT số 8 mới dùng 2 tháng đã hỏng nhưng không được bảo hành. Ông Cường hứa khi nào đi công tác về sẽ cung cấp hồ sơ về các thiết bị cân tải mà đơn vị này đã cung cấp cho các tỉnh/thành.