Ngã Bảy là vùng đất có lịch sử lâu đời, giàu truyền thống cách mạng; là mảnh đất thơ ca, nơi khơi nguồn bài vọng cổ Tình anh bán chiếu của cố soạn giả, Nghệ sĩ nhân dân Viễn Châu đã đi vào lòng người Nam bộ và cả nước. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, địa danh Ngã Bảy có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển của tỉnh và vùng Đồng bằng sông Cửu Long, là nơi hội ngộ của bảy dòng sông, nét độc đáo được thiên nhiên ban tặng.
Ngã Bảy không chỉ là điểm giao thương đủ các mặt hàng nông sản miền Tây sông nước mà nơi đây còn có nhiều làng nghề truyền thống lâu đời như: đóng ghe, xuồng, đan lưới,...và hơn hết chính là con người nơi đây hiền hòa, chân chất, nghĩa tình và giàu lòng mến khách.
Ông Lữ Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang cho biết, trong 16 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Ngã Bảy đã chủ động, sáng tạo, đổi mới, khắc phục khó khăn, nhất là hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, nguồn lực đầu tư hạn chế,... để xây dựng thị xã trở thành thành phố. Ngã Bảy đã tập trung mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng thương mại - dịch vụ - du lịch - công nghiệp - nông nghiệp; hoàn thành Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tiến tới xây dựng nông thôn mới nâng cao; xây dựng phường văn minh đô thị.
Với những thành quả đã đạt được, năm 2015 thị xã Ngã Bảy là đơn vị cấp huyện đầu tiên của vùng ĐBSCL được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Ngày 10/01/2020, Ngã Bảy được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về thành lập phường Hiệp Lợi thuộc thị xã Ngã Bảy và thành lập thành phố Ngã Bảy thuộc tỉnh Hậu Giang.
"Đây là sự kiện có ý nghĩa lớn, niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Ngã Bảy cũng như của tỉnh, đánh dấu sự phát triển mới, là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước với sự nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Ngã Bảy trong quá trình xây dựng và phát triển đô thị", Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang nhấn mạnh.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Uông Chu Lưu, Phó chủ tịch Quốc hội cho rằng, trải qua hơn 16 năm tái lập, từ một tỉnh thuần nông có xuất phát điểm thấp nhất ở khu vực ĐBSCL, nhưng với truyền thống người Hậu Giang “đoàn kết - nghĩa tình - thủy chung - năng động”, được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Trung ương, cùng sự nỗ lực và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, nhân dân tỉnh Hậu Giang đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, từ phát triển kinh tế đến công tác giáo dục, đào tạo, văn hóa, y tế, giải quyết việc làm, chăm lo gia đình chính sách.
Đến nay, Hậu Giang đã trở thành tỉnh có mức phát triển trung bình, là địa phương đi đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long về xây dựng trường chuẩn quốc gia, xây dựng nông thôn mới; bộ mặt đô thị và nông thôn có nhiều đổi mới. Cùng với đó, tình hình quốc phòng được đảm bảo, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; khối đại đoàn kết toàn dân tiếp tục được củng cố vững chắc.