Thí sinh hệ giáo dục thường xuyên 'rụng' thê thảm

Kết quả tốt nghiệp giảm hẳn so với năm trước. Điều này dường như đang kéo kỳ thi gần lại với kết quả thực chất hơn?

> Năm bí mật của nữ thủ khoa nội trú

Thống kê sơ bộ của Bộ GD-ĐT, toàn quốc có tỷ lệ tốt nghiệp ở hệ THPT là 97,49 (giảm 1,45% so với năm 2012), ở hệ giáo dục thường xuyên (GDTX) là 78,08% (giảm 7,39).

Cả nước chỉ có khoảng 6% học sinh đăng ký thi ĐH khối C nên số lượng thí sinh đầu tư cho môn địa thi tốt nghiệp rất ít - Ảnh: T.N.

Đỗ thấp hơn là... bình thường

Đứng đầu tỷ lệ tốt nghiệp hệ GDTX năm nay giảm mạnh là tỉnh Phú Yên, chỉ đạt 24,3%, giảm hơn 64% so với năm 2012 (88,71%).

Ở phía bắc, cũng có những tỉnh miền núi năm ngoái được dư luận đặc biệt chú ý vì tỷ lệ tốt nghiệp của hệ GDTX cao đột biến, thậm chí cao hơn cả hệ THPT thì năm nay đã đồng loạt giảm. Bắc Kạn giảm gần 30%, Điện Biên giảm hơn 20%, Bắc Giang giảm hơn 10%. Tuyên Quang năm ngoái GDTX đạt tới 100% thì năm nay cũng đã giảm, dù vẫn đỗ ở mức cao (92%).

Về quy định mới trong quá trình chấm thi năm nay (chấm kiểm tra 5% bài thi tự luận theo tiến độ chấm), ông Trần Văn Kiên, Phó cục trưởng Cục Khảo thí, Bộ GD-ĐT cho hay: chưa có phản ánh lên Bộ về những hiện tượng tiêu cực hay bất thường phải xử lý. Còn Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết năm nay Bộ sẽ tiếp tục thành lập hội đồng chấm thẩm định bài thi tự luận đối với những địa phương có dấu hiệu bất thường về kết quả tốt nghiệp. Kết quả chấm thẩm định sẽ được thông báo cho lãnh đạo các địa phương và sẽ công bố công khai.

Một loạt các tỉnh từ miền Trung trở vào có tỷ lệ tốt nghiệp hệ GDTX giảm từ gần 20-30% so với năm 2012 như: Thanh Hóa, Quảng Bình, Bình Phước, Kon Tum, Tiền Giang...

Trao đổi với PV Thanh Niên, Vụ trưởng Vụ GDTX Bộ GD-ĐT Nguyễn Công Hinh tỏ ra không hề ngạc nhiên về tỷ lệ tốt nghiệp hệ GDTX giảm mạnh như vậy. Ông Hinh khẳng định: “Giảm hoàn toàn không phải là do chất lượng đi xuống mà là do nhiều nguyên nhân khác nhau”. Theo ông Hinh, việc quy định không cho phép trung tâm GDTX tổ chức riêng một hội đồng thi như trước cũng là một trong những biện pháp khiến việc tổ chức thi của hệ này nghiêm túc và bài bản hơn, chịu sự giám sát tốt hơn.

Một nguyên nhân vốn được xem là tất yếu đối với hệ GDTX, đó là do chất lượng đầu vào của học sinh hệ này đa phần là rất thấp. Thêm vào đó, đối tượng thí sinh tự do thi cùng hệ này thì chất lượng lại càng yếu hơn. Kinh nghiệm cho thấy ở đâu nhiều thí sinh tự do dự thi thì ở đó tỷ lệ trượt càng nhiều. Trong khi đó, đề thi của hệ này không phải dễ hơn so với hệ THPT. “Vì vậy, nếu tỷ lệ đỗ tốt nghiệp hệ này cao hơn THPT mới là bất thường, còn thấp hơn thì hoàn toàn bình thường”, ông Hinh nói.

Buồn cho môn học không thi đại học

Trong số 6 môn thi tốt nghiệp THPT, kết quả môn địa ở nhiều địa phương là thấp nhất và thấp hơn đáng kể so với các năm trước. Mức điểm môn này chỉ từ 5 - 6,5 chiếm số đông. Nhiều học sinh khá, giỏi nhưng chỉ được bằng tốt nghiệp hạng trung bình hoặc khá vì bị điểm môn địa “kéo” xuống.

Trước khi phân tích về đề thi và cách chấm thi môn địa, nhiều ý kiến cũng cho rằng điểm môn địa thấp là thuộc nguyên nhân chủ quan của học sinh. 4 năm liền môn này được chọn là môn thi tốt nghiệp THPT nên đến năm nay rất nhiều học sinh phỏng đoán và “ngầm” loại trừ môn địa ra khỏi các môn thi. Chính vì vậy, việc môn địa được chọn trong kỳ thi năm nay là 5 năm liên tiếp đã khiến học sinh rất bất ngờ.

Hơn nữa, môn địa cũng chỉ xuất hiện duy nhất trong kỳ thi ĐH ở khối C. Trong khi đó, theo thống kê của Bộ, cả nước chỉ có khoảng 6% học sinh đăng ký thi khối C, nên số lượng thí sinh “đầu tư” cho môn địa chắc chắn chiếm tỷ lệ rất ít.

“Tâm lý học gì thi nấy, coi thường những môn học không thi từ bao lâu nay đã thể hiện rõ trong kết quả môn địa”, ông Vũ Quốc Lịch, giáo viên dạy địa Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam chia sẻ.

Bàn sâu về bài làm của môn địa, ông Vũ Quốc Lịch cho rằng: “Năm nay nhiều thí sinh có vẻ bị lúng túng ở câu hỏi vẽ biểu đồ. Do thiếu kỹ năng nên các em thường vẽ sai quy trình, lẽ ra vẽ cột trước rồi mới vẽ đường thì nhiều em làm ngược lại. Có em cho biết loay hoay tới hơn 20 phút chưa vẽ xong”.

Một giáo viên khác ở Hà Nội thì phàn nàn về hướng dẫn và đáp án chấm thi đối với câu hỏi mở trong đề thi môn địa còn “đóng quá”, khiến người chấm phải “đếm ý, cho điểm”. Nhiều khi đọc những bài làm học sinh viết về câu hỏi biển, đảo rất hay nhưng giám khảo không dám cho điểm cao vì các em viết không đủ ý so với đáp án.

Theo Tuệ Nguyễn
Thanh Niên

Theo Đăng lại