“Vẽ” Thị Nở giống y tác phẩm là một thách thức. Đến Thị Nở kinh điển của Đức Lưu cũng chỉ là gần giống mà thôi. Không phải không có lý khi lâu nay nhiều người vẫn phê bình cố nhà văn hơi “ác” khi nhặt hết nét xấu của đàn bà trong nhân gian gắn vào Thị Nở. Không cần thế và cũng không nên thế. Có lẽ, ưu điểm đáng nói của “Hết thương cạn nhớ” là đã giúp Thị Nở bớt xấu hơn. Song đó cũng là áp lực của người “gánh” vai Thị Nở, Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh.
Nếu không có sự góp mặt của Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh (vai Thị Nở), NSND Hoàng Dũng vai Bá Kiến, diễn viên Kiều Minh Tuấn (vai Chí Phèo)… thì chắc gì “Hết thương cạn nhớ” đã tung hoành, chễm chệ top 1 trending Youtube, vượt mặt MV của “sư phụ” Mỹ Tâm? Song Nam Cao không viết “Chí Phèo” như Đức Phúc và ê kip “biến tấu” trong “Hết thương cạn nhớ”?
Nhà văn lớn không rảnh để sáng tác ngôn tình. Tác phẩm của Nam Cao thuộc dòng hiện thực phê phán, chẳng có gì mơ màng, lóng lánh, đến yêu nhau cũng diễn ra ngay trong vườn chuối và túp lều ven sông ẩm thấp, lắm muỗi. Nam Cao không lấy chuyện tình làm trọng. Mối tình Thị Nở - Chí Phèo cũng chỉ nhằm cho người ta thấy sự tuyệt vọng của Chí Phèo trong khát khao được hòa vào với mọi người. Lý Cường, con trai Bá Kiến được Nam Cao khắc họa “nổi tiếng hách dịch, coi người như rơm rác”…
Thế mà, Lý Cường do Đức Phúc thủ vai lại đẹp trai ngời ngời, chẳng quát, chẳng mắng ai, tâm hồn dễ rung rinh, xao động, thầm thương trộm nhớ đơn phương nàng Thị Nở, dẫu biết rằng Thị Nở đã dành trái tim cho Chí Phèo. Thị Nở được cả người có quyền thế, lẫn kẻ cùng đinh yêu, bởi lẽ Thị Nở trong “Hết thương cạn nhớ” không hề “ngẩn ngơ như những người đần trong cổ tích và xấu ma chê quỉ hờn”. Nhiều khán giả khen: “Thị Nở xinh quá”, “Gợi cảm quá” khi xem MV của Đức Phúc. Một người xinh thì lắm kẻ yêu là lẽ thường tình. Lý Cường yêu Thị Nở cũng không đáng ngạc nhiên. Có thể nói, Đức Phúc và ê-kip chỉ “dựa hơi” Chí Phèo của Nam Cao và tung hoành theo ý của họ.
“Phản bội” tác phẩm văn học?
MV “Anh ơi Anh ở lại” của Chi Pu được khơi nguồn từ Tấm Cám, truyện cổ tích. Hoàng Thùy Linh muốn thâu tóm cả bầu trời văn học nhưng lấy Mị (“Vợ chồng A Phủ”- Tô Hoài) làm trọng tâm trong MV “Để Mị nói cho mà nghe”. Bùi Lan Hương đưa hình tượng Mị Châu - Trọng Thủy vào MV “Mặt trăng”… Bây giờ, Đức Phúc lại đưa Bá Kiến - Lý Cường-Thị Nở - Chí Phèo vào MV “Hết thương cạn nhớ”.
Như anh đã chia sẻ, không “đu” theo trào lưu, mà mong muốn bằng cách “tận dụng nguồn tài nguyên văn học” để sản phẩm tới gần khán giả hơn. (Tất nhiên đối tượng khán giả Đức Phúc ưu tiên là khán giả trẻ, vì phần lớn fan của Đức Phúc là những người trẻ tuổi). Đức Phúc đã thành công. Hoàng Thùy Linh rất thành công. Chi Pu cũng thành công khi dựa vào gia tài văn học nước nhà. Nhưng thử xem những nghệ sỹ đưa hình tượng văn học nổi tiếng vào MV của mình có giúp ích gì cho tình yêu văn học của người trẻ?
Hoàng Thùy Linh có công khai sinh một câu mang tính “xu hướng”: “Để Mị nói cho mà nghe”, còn không giúp người trẻ gắn bó và hiểu biết hơn tác phẩm của Tô Hoài. Chí Phèo của Nam Cao thì bị “bóp méo” thành câu chuyện ngôn tình, có khi chính Nam Cao cũng không thể tưởng tượng người đời sau lại “xào xáo” tác phẩm của mình thành “món ăn” như vậy.
Hiện nay, trào lưu làm MV dựa trên tài nguyên văn học chưa có dấu hiệu đi xuống… Có thể rồi những đứa con của Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố… cũng có dịp tái xuất theo kiểu Chí Phèo - Thị Nở của Nam Cao. Một điều băn khoăn: Khi đưa Mị hay Chí Phèo, Thị Nở, Lý Cường... vào sản phẩm ca nhạc, các nghệ sỹ trẻ đã được sự đồng ý của cha đẻ tác phẩm hoặc đại diện của nhà văn hay chưa? Nếu chưa được đồng ý, liệu có vấn đề vi phạm bản quyền? Chúng tôi trao đổi với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam
Theo ông, sử dụng hình ảnh, tên, thương hiệu, nội dung… hay phóng tác bất kỳ tác phẩm nào ngoài văn bản văn học thì phải trả tiền bản quyền: “Không thể tùy tiện sử dụng”. Ông nhấn mạnh: “Đặc biệt nguy hiểm, khi sử dụng lại biến toàn bộ nội dung, câu chuyện văn học trở thành một thứ khác, đôi khi ngược nghĩa. Chuyển thể từ tác phẩm văn học sang kịch, điện ảnh, âm nhạc… thế giới đã làm. Nhưng sự chuyển thể chỉ có nghĩa diễn đạt bằng một hình thức ngôn ngữ khác song vẫn đảm bảo tính tư tưởng, câu chuyện không thay đổi…
Một tác phẩm văn học có sức sống lâu dài chứng tỏ tính nghệ thuật, tư tưởng của nó rất cao. Nếu dùng nó để làm những câu chuyện tếu táo, làm những chuyện ngoài vấn đề văn học đặt ra, phá vỡ tư tưởng tác phẩm, ý nghĩa và vẻ đẹp nhân bản, nhân tính của tác phẩm lại là phản bội tác phẩm đó. Thậm chí nó có thể bôi đen tác phẩm theo một nghĩa nào đó, một khía cạnh nào đó”.
Đức Phúc trong vai Lý Cường, con trai Bá Kiến