Sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nhiều hộ dân ở xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau đã trở lại với công việc săn bắt cua đá trên biển Tây để kiếm tiền trang trải cuộc sống.
Ông Hai Sồi (tức Phan Văn Sồi ở xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) được xem là người tiên phong làm nghề săn cua đá ở vùng ven biển Cà Mau.
Đều đặn mỗi ngày, khoảng 15h hàng ngày, vợ chồng ông Hai Sồi bắt đầu ra quân để đi săn cua đá. Dụng cụ chính là những cái rập đặt cua có kèm thêm gạch đá để ổn định rập. Mồi dụ cua chính là các loài cá tạp.
Khi hoàn tất công việc, vợ chồng ông Sồi và gần chục hộ làm nghề săn cua đá tìm đến những căn chòi tạm ven rừng phòng hộ để nghỉ ngơi và đi thăm rập cua khi trời vừa tờ mờ sáng.
Cua đá thường có màu tím sậm và màu xám đen. Càng cua thường có màu tím đen hoặc xám trắng.
Với 100 cái rập cua, mỗi ngày ông Hai Sồi bắt được khoảng 5-7 kg cua đá. Cua đá có giá từ 80.000 đến 100.000 đồng tuỳ loại lớn nhỏ.
“Tôi vừa bán hơn 5 kg cua đá mới đặt được nên cũng bỏ túi gần 500.000 đồng. Cua đá ở trong kẻ đá, bờ kè nhưng khi nghe mùi tanh của cá móc rập thì chúng sẽ bò ra ăn” – ông Sồi nói.
Nhờ nghề săn con cua đá mà ông Hai Sồi đã nuôi được 7 người con ăn học, cất được nhà cửa và có đến 3 người con của ông quay lại làm nghề săn cua như cha mình.
Cua đá được nhiều thực khách ưa chuộng và chế biến thành nhiều món ngon, độc đáo như: Cua đá rang muối, cua nướng, đặc biệt là cua đá hấp bia cùng với sả rất thơm ngon.
Đê biển Tây thích hợp cho cua đá trú ngụ và sinh sống.
Công việc săn cua đá đã và đang là nghề mang lại thu nhập từ 300.000 đến 500.000 đồng/ngày cho một bộ phận người dân sống ven biển.
Người dân buộc thêm cục gạch vào rập cua để hạn chế bị sóng biển cuốn trôi.
Clip: Nghề săn cua đá trên biển Tây.
Tân Lộc