Lên núi săn cua đá

0:00 / 0:00
0:00
TP - Khi màn đêm buông xuống, trên các khe suối ở vùng cao Nghệ An mùa này có rất nhiều cua đá sinh sống. Để bắt được cua đá, người săn cua dùng mắm tôm để nhử chúng ra khỏi hang...

Đêm dần buông, anh Hà Thủy (SN 1989, trú ở xóm Khe Thần, xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) cùng 2 người bạn đi săn cua đá. Mỗi người một đèn pin, cả đoàn lội rừng, quần xắn ngang gối để men theo những con suối ngoằn ngoèo tìm kiếm những con cua ẩn trong các hang hốc, kẽ đá. Cua đá có đặc điểm giống cua đồng nhưng càng cái to hơn, yếm cua màu tím rất đẹp. Vì trú ngụ trong khe suối nên cua có màu sắc đa dạng và thường thay đổi theo màu nước.

Lên núi săn cua đá ảnh 1

Anh Hà Thủy soi đèn bắt cua đá

Cua đá thường đi ăn vào ban đêm mát trời, nhất là những đêm mưa rả rích chúng kéo nhau từng đàn đi kiếm ăn. Thức ăn chính là lá, cây cỏ, rong rêu... mọc tự nhiên. Để săn được cua đá đòi hỏi người đi bắt phải tinh mắt và nhanh tay dùng que, chặn túm lấy trước khi con vật này lẩn trốn nhanh vào sâu trong kẽ đá. “Để bắt cua, ngoài thức đêm thì còn phải chịu khó đi dọc các bờ vách đá tìm kiếm. Bởi, màu vỏ của cua với đá rất giống nhau. Cua đá giờ cũng rất khôn, chỉ cần thấy ánh đèn loáng qua là tìm chỗ ẩn nấp ngay”, anh Thủy chia sẻ.

Với kinh nghiệm của người dân vùng cao, mắm tôm là mồi nhử hiệu quả nhất đối với loài cua đá. Ở những hang sâu, khi xác định có cua ẩn nấp, người săn dùng que nhỏ chấm mắm tôm hoặc rắc trực tiếp một ít vào trước cửa hang, khoảng 20-30 phút, cua sẽ bắt mùi, tự bò ra. “Vì cua đá sống ở các khe núi, hốc đá trong rừng nên muốn bắt được chúng không hề đơn giản. Bí quyết để bắt được con “8 cẳng 2 càng” này dùng mắm tôm làm mồi nhử sau đó nhanh tay chộp lấy cua và cho vào xô đựng”, chàng trai 8X nói.

Trung bình mỗi đêm, anh Thủy “săn” được khoảng 2 - 3kg cua đá, hôm may mắn có thể săn được 5 - 6kg. Với giá bán dao động từ 120.000 - 150.000 đồng/kg, anh kiếm được khoảng 500.000 đồng. So với công việc khác thì nghề đi bắt cua đá, theo anh, cũng không hề đơn giản vì hay gặp rủi ro. “Mặc dù đây là công việc gặp không ít nguy hiểm, vì thường đi đêm, dễ ngã hay bị rắn cắn... nhưng chỉ cần tranh thủ, chịu khó cũng có thêm thu nhập”, anh cho hay. Về cách chế biến cua đá, anh Thủy cho biết, đem rang me là ngon nhất, bởi cái vị chua ngọt hòa lẫn với chất thịt cua thơm ngon khiến thực khách không thể nào quên. Đơn giản hơn, người ta cho cua vào nồi luộc rồi chấm muối ớt cũng ngon “bá cháy”!

Thịt cua núi vừa thơm, vừa béo, nhất là phần yếm rất ngon, chắc thịt, giòn và mềm, hòa lẫn vị mặn mòi, cay nồng của chén muối ớt sẽ khiến người thưởng thức thích thú với hương vị dân dã, đậm chất núi rừng này.

MỚI - NÓNG