Theo chân dân cội tìm trầm

TP - Nghề báo cho tôi nhiều chuyến đi, nhiều trải nghiệm. Gian khổ nhớ lâu, và chuyến đạp rừng tìm trầm cùng những phu trầm chuyên nghiệp cách đây 5 năm là chuyến đi khó có thể phai mờ.

Nhập môn

Nguyễn Văn Sang, người bạn nối khố, là một “dân cội” chuyên nghiệp đồng ý cho tôi “bám càng” trong một chuyến tìm trầm. Để thuyết phục được hai đồng đội của Sang đồng ý, tôi phải cam kết, sinh hoạt và làm việc như một phu trầm thực thụ. Họ miễn cưỡng đồng ý, nhưng kèm theo cảnh báo: “Xem có qua được 3 ngày tẩy trần không đã rồi tính tiếp”.

Chiếc xe đò ì ạch xuất phát từ TP. Đồng Hới đưa chúng tôi ngược đường Hồ Chí Minh lên miền Tây huyện Lệ Thủy, thuộc địa phận của Lâm trường Khe Giữa. Xuống xe cũng là lúc trời vừa nhà nhem tối, Sang ra lệnh vào rừng ngay, nếu không sẽ bị bộ đội Biên phòng, Kiểm lâm, hay bảo vệ lâm trường phát hiện, tịch thu hết đồ đạc mang theo và đuổi về.

PV Tiền Phong phải làm việc như một phu trầm thực thụ 

Là người ngoại đạo, tôi được ưu ái cõng trên vai chiếc gùi chừng 25 kg, còn những thành viên khác, chiếc gùi của họ không dưới 50kg. Chiếc đèn pin trong tay, chúng tôi men theo con suối để tiến sâu vào rừng. Đi chừng 3 giờ đồng hồ, Sang cho nhóm dừng lại, tìm củi khô nhóm lửa, ăn vội thức ăn khô mang theo, rồi mỗi người tự tìm cho mình nơi mắc võng để ngủ qua đêm, sáng mai tiếp tục lên đường.

Mới ngoài 40 tuổi nhưng Sang có thâm niên hơn 20 năm tìm trầm. Gần như cả dãy Trường Sơn sừng sững kia không nơi nào là không có dấu chân của Sang, thậm chí cả rừng của Lào và Campuchia. Có lúc trúng đậm nhưng cũng không ít lần trắng tay, bệnh tật, vợ con Sang vẫn nheo nhóc trong căn nhà cấp 4 lụp xụp do cha mẹ để lại bên mé sông. Với Sang, rừng là cuộc sống, là hi vọng. Mỗi năm Sang chỉ về nhà chừng mươi ngày, thời gian còn lại là lang bạt khắp các cánh rừng đạp cội tìm trầm.

Sản vật kiếm được sau một lần thăm bẫy 

Sang nói, giữa rừng thiêng nước độc muốn tồn tại thì ngoài kỹ năng phải hành xử với nhau bằng “luật rừng”, nếu không hiểm họa sẽ ập xuống ngay tức thì. Đã vào đến cửa rừng, ngay cả lời ăn tiếng nói cũng phải kiêng kỵ; không bừa bãi trong sinh hoạt; không xâm phạm lãnh địa của nhóm khác nếu đã được đánh đấu; không trộm cắp vật tư, vật liệu, sản vật mà họ làm được…

Gà rừng vừa gáy sáng, Sang đã í ới gọi mọi người. Người xuống suối lấy nước, người vo gạo, người thêm củi vào bếp… chuẩn bị cho bữa sáng đầu tiên ở rừng. Dưới sự chỉ huy của Sang, sau bữa sáng nhóm chúng tôi tiếp tục tiến sâu vào rừng. Đi chừng 7 giờ đồng hồ, vượt qua hàng chục vách đá dựng đứng, Sang quyết định dừng chân đóng lán. Ở đây là một khu rừng núi đất vẫn còn nguyên sinh nhiều cây cổ thụ, tán lá che kín cả mặt trời. Sang nói, đi chừng 1 giờ đồng hồ nữa sẽ sang biên giới nước bạn Lào.

Lạc rừng

Những ngày đầu tiên của dân cội sau khi đóng lán, là chia nhau đi đạp cội (tìm địa điểm khai thác trầm) và chọn nơi đặt bẫy để tìm kiếm nguồn thực phẩm nhằm duy trì cuộc sống dài ngày ở trong rừng. Việc “đạp cội” diễn ra nhanh thì một ngày, có khi mất cả tuần mới tìm thấy vị trí hi vọng có trầm.

Ngày thứ ba đạp cội, như thường lệ tôi và Sang rời lán. Khi đi chừng hơn 1 giờ đồng hồ thì chúng tôi đi ngang qua một nhóm lâm tặc đang khai thác gỗ. Tôi đề nghị tiếp cận họ để tôi quay phim, chụp ảnh. Hiện trường là một cây gỗ gõ đường kính hơn 1m. Nhóm lâm tặc 3 người đang dùng cưa máy để hạ cây gỗ. Dân sơn tràng với nhau nên khá thân thiện, mời nhau thuốc nước, hỏi chuyện làm nghề. Khi chia tay, một người trong nhóm lâm tặc hỏi lán chúng tôi đóng ở đâu, Sang chỉ về hướng Nam, trong lúc đóng ở hướng Bắc. Sang nói với tôi, nói dối để đánh lạc hướng, đề phòng bất trắc.

Đi thêm chừng hơn 1 giờ đồng hồ nữa, giữa một đám cây lá um tùm không có gì khác biệt, nhưng sau khi làm một nhát cuốc, lấy nắm đất lên nghiên cứu, Sang nói chúng ta sẽ vét xái ở đây. Sang làm thủ tục đánh dấu lãnh địa, chúng tôi quay về lán. Không hiểu sao lối đi mỗi lúc mỗi khác lạ. Hướng về lán vẫn xác định được, nhưng đường đi toàn bị dây leo, bụi rậm ngăn lối. Sang dẫn tôi men theo một con suối để tìm đường về, nhưng càng đi con suối cảng hiểm trở. Có những vách đá dựng đứng cao vài chục mét, rong rêu trơn tuột. Tụt xuống được vách đá này thì lại gặp vách đá khác hiểm trở hơn.

Đảo bạt cả một mái rừng để tìm trầm

Vừa đói, vừa lạnh, người tôi bủn rủn, chân đứng không vững, hai đầu gối run bần bật, một chút sơ sẩy, có thể bỏ mạng dưới vực thẳm. Trời nhá nhem tối, ngồi nghỉ trên một vách đá, tôi nói với Sang là không thể đi thêm được nữa. Tôi sẽ ngồi ở đây, còn Sang tìm đường về lán, mang cơm nước lên ăn, may ra mới có sức đi tiếp. Sang động viên tôi, cố thêm chút nữa, lán đã ở trước mặt rồi. Cứ thế, tôi mò mẫm theo Sang hết xuôi con suối này, lại ngược con suối khác, vượt qua hàng chục vách đá dựng đứng trơn như mỡ, hơn 1 giờ sáng ngày hôm sau mới về tới lán. Mọi người gặp lại nhau, mừng mừng, tủi tủi. Sang nói nguyên nhân lạc rừng là do chúng tôi nói dối với những lâm tặc đã gặp về vị trí đóng lán của mình.

Sáng hôm sau, trong bữa sáng, Sang thông báo với mọi người là đã tìm thấy vị trí vét xái, thống nhất với nhau sẽ tìm trầm ở đó. Riêng tôi, do dư âm của hơn một ngày lạc rừng, được phân công ở nhà lo cơm nước cho mọi người. Cứ thế, ngày qua ngày, sau khi cơm nước thật no, khoảng 7 giờ sáng là chúng tôi lên đường đến vị trí tìm trầm, người cuốc, người thuổng, người xà beng đào bới. Buổi trưa, ăn vội những thứ mang theo, khoảng 15 giờ chiều kết thúc công việc.

Trên đường về lán, mọi người tạt đi các hướng thăm bẫy, khi thì con chim rừng, khi thì con chồn núi, thi thoảng gặp may còn bẫy được lợn rừng. Có hôm không bẫy được con thú nào, mọi người lại mang lưới xuống thả ở con suối cạnh lán, bắt cá làm thực phẩm. Với kỹ năng sinh tồn của những phu trầm chuyên nghiệp, họ có thể tồn tại trong rừng hàng tháng trời, chỉ lúc nào hết gạo họ mới chịu ra khỏi rừng...

Đêm đầu tiên ở rừng, tôi không tài nào ngủ được. Muỗi rừng bắt được hơi người, chúng xông vào tấn công như vãi trấu. Nằm bên bếp lửa bập bùng, tiếng côn trùng kêu rả rích, lá rừng xào xạc khi mỗi cơn gió đi qua, Sang kể về những chuyến đi của mình, như một cách truyền đạt kỹ năng sinh tồn cho tôi nơi rừng thiêng nước độc.

Đến ngày thứ 15, nhóm của chúng tôi chỉ tìm được vài mụn trầm nhỏ. Không quen thổ nhưỡng, tôi bắt đầu ăn không tiêu, bụng chướng lên khó chịu. Sau khi “thăm khám”, Sang quyết định cho tôi xuống núi vì đây là dấu hiệu của tiền sốt rét.