THẾ GIỚI 24H: Trung Quốc yêu cầu các hãng truyền thông Mỹ nộp báo cáo hoạt động

TPO - Reuters nhận định, động thái này của Bắc Kinh là nhằm đáp trả việc Washington coi sáu cơ quan truyền thông của Trung Quốc là các phái bộ nước ngoài.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên. Ảnh: AP

Trong thông cáo đưa ra hôm 26/10, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã yêu cầu các hãng tin của Mỹ gồm American Broadcasting Corporation (ABC), the Los Angeles Times, Newsweek, Feature Story News, the Bureau of National Affairs và Minnesota Public Radio phải nộp báo cáo bằng văn bản về nhân viên, tài chính, hoạt động và các bất động sản tại Trung Quốc trong vòng một tuần. “Phía Mỹ hoàn toàn không quan tâm tới yêu cầu hợp pháp và chính đáng cùng lời cảnh báo nghiêm túc của Trung Quốc, khi họ tăng cường ‘đàn áp’ chính trị cũng như bêu xấu các cơ quan truyền thông và nhân viên Trung Quốc”, Reuters dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói hôm 26/10. “Chúng tôi kêu gọi Mỹ hãy dừng sự ‘đàn áp’ chính trị và áp lệnh hạn chế tùy tiện đối với các tổ chức truyền thông của Trung Quốc. Nếu Mỹ tiếp tục đi sâu vào vấn đề này, thì Trung Quốc sẽ có thêm nhiều biện pháp đáp trả”, ông nói thêm.

Lực lượng đặc nhiệm Hải quân Anh đã đột kích một tàu chở dầu đăng ký của Liberia sau khi một nhóm người đi lậu theo tàu có ý đồ gây bạo loạnCuộc đột kích diễn ra ngày 25/10 trên Kênh đào Anh. Công ty Navios Tanker - đơn vị vận hành con tàu trên, cho biết đã có 7 người bị bắt giữ trong cuộc đột kích. Toàn bộ thủy thủ đều an toàn trong vụ việc.

Trung Quốc tuyên bố sẽ giáng đòn trừng phạt lên 3 công ty Mỹ gồm Lockheed Martin, Boeing Defense, Space & Security (BDS) và Raytheon vì đã tham gia thương vụ bán vũ khí cho Đài Loan. Phát biểu trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm nay (26/10), phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết Bắc Kinh sẽ áp lệnh trừng phạt các công ty của Mỹ tham gia vào thương vụ bán vũ khí cho Đài Loan.

Ngày 26/10, các lực lượng Nhật Bản và Mỹ đã bắt đầu các cuộc tập trận trên không, trên biển và trên bộ tại khu vực xung quanh Nhật Bản. Cuộc tập trận này dự kiến sẽ kéo dài đến ngày 5/11 tới. Tại sự kiện này năm nay, Mỹ và Nhật Bản triển khai hàng chục tàu chiến, hàng trăm máy bay và 46.000 binh sỹ, thủy thủ và thủy quân lục chiến. Cuộc tập trận này cũng sẽ lần đầu tiên bao gồm hoạt động huấn luyện tác chiến điện tử và trong không gian mạng.

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 368.178 trường hợp mắc COVID-19 và 4.332 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu tăng lên trên 43,7 triệu người. Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 27/10 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu là 43.727.262 ca, trong đó có 1.163.458 người thiệt mạng. Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 32.116.129 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch giảm còn 78.676 ca và 10.447.675 ca đang điều trị tích cực.
Mạng lưới gây quỹ của Tổng thống Trump từng huy động được 1 tỷ USD kể từ khi ông làm chủ Nhà Trắng đầu năm 2017. Nhưng giờ đây, chiến dịch của ông đang cạn tiền do những khoản chi không hợp lý. Chiến dịch của ông Trump có những khoản chi mà không có lý do rõ ràng, thuyết phục. Chẳng hạn, ông Trump chi 10 triệu USD mua quảng cáo trận Super Bowl (chung kết bóng bầu dục Mỹ) dù khi đó ông chưa có đối thủ. Ông dùng tiền huy động được để trả phí luật sư đắt đỏ khi bị luận tội. Đồng thời, các hồ sơ cho thấy hơn 356 triệu USD được chi tiêu mà không được khai báo rõ ràng, và được che giấu thông qua một mạng lưới các công ty trách nhiệm hữu hạn.
Một tuần trước ngày bầu cử, hơn 61,3 triệu người Mỹ đã đi bỏ phiếu sớm, tương đương 45% lượng cử tri trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Việc người Mỹ đổ xô đi bỏ phiếu sớm khiến các chuyên gia dự đoán số lượng cử tri tham gia bầu cử năm nay sẽ lên tới 150 triệu người. “Thật đáng ngạc nhiên”, chuyên gia Michael McDonald chia sẻ với AP. “Tôi chắc chắn đây sẽ là cuộc bầu cử có tỷ lệ người đi bỏ phiếu cao nhất trong lịch sử nước Mỹ”.
Mỹ ngày 26/10 đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Iran, cụ thể là nhắm tới ngành công nghiệp dầu của nước này. Động thái này là một phần trong chiến dịch gây sức ép tối đa của Mỹ đối với Iran. Trong thông báo ngày 26/10, bộ Tài chính Mỹ tuyên bố áp đặt trừng phạt đối với các thực thể và cá nhân chủ chốt trong ngành công nghiệp dầu của Iran do đã ủng hộ lực lượng Quds, một tổ chức bán quân sự nước ngoài và cánh tay tình báo của Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran.
Ngày 26/10, Bộ trưởng Nội vụ Phần Lan Maria Ohisalo cho biết cuối tuần qua, cảnh sát nước này tiết lộ rằng hồ sơ bệnh án của hàng nghìn bệnh nhân, do công ty Vastaamo quản lý, đã bị tin tặc đánh cắp. Vastaamo là một công ty tư nhân, hiện điều hành 25 trung tâm trị liệu trên cả nước Phần Lan. Theo nguồn tin trên, đã có hàng nghìn người gửi đơn đến cảnh sát khiếu nại về vụ vi phạm này. Trước đó, nhiều bệnh nhân cho biết họ đã nhận được e-mail nặc danh với yêu cầu trả 200 euro (khoảng 236 USD) bằng tiền bitcoin, đổi lại nội dung các cuộc thảo luận của họ với bác sĩ trị liệu không bị công khai.
Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) mở cuộc điều tra "hành vi tấn công có chủ đích" sau khi hòm phiếu chứa hơn 120 phiếu bầu ở Boston bị phóng hỏa. Theo quan chức bang Massachusetts William Galvin, ngọn lửa đã bùng lên vào khoảng 4h sáng 25/10 tại một hòm phiếu bên ngoài Thư viện Công cộng Boston. Ông Galvin và Thị trưởng Boston Marty Walsh sau đó ra tuyên bố chung, gọi việc đốt hòm phiếu là "sự ô nhục đối với nền dân chủ, sự thiếu tôn trọng đối với những cử tri đang thực hiện nghĩa vụ công dân của họ và cũng là một tội ác"