THẾ GIỚI 24H: Triều Tiên thay Bộ trưởng Quốc phòng

TPO - Triều Tiên đã thay thế Bộ trưởng Quốc phòng Pak Yong-sik bằng ông No Kwang-chol, một nhân vật ôn hòa hơn, trước cuộc gặp thượng đỉnh với Mỹ. 
Ông Pak Yong-sik. (Ảnh: Yonhap)

Ông No Kwang-chol, nguyên Trưởng ban Kinh tế thứ hai của đảng Lao động Triều Tiên, cũng từng đảm nhận chức vụ Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Triều Tiên (KPA). Triều Tiên đã thay thế Bộ trưởng Quốc phòng Pak Yong-sik bằng ông No Kwang-chol, một nhân vật ôn hòa hơn, trước cuộc gặp thượng đỉnh với Mỹ. Hãng tin Yonhap ngày 3-6 dẫn lời một quan chức Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Song Young-moo và người đồng cấp Mỹ Jim Mattis đã thống nhất kế hoạch duy trì các cuộc tập trận quân sự chung thường kỳ ở mức độ không quá ồn ào nhằm giữ bầu không khí hòa bình tại khu vực. Sự thống nhất này như một phần của kế hoạch “truyền thông chiến lược” nhằm cho thấy các điều kiện an ninh mới liên quan tới Triều Tiên.

Ông Alvaro Uribe, cựu Tổng thống Colombia (2002-2010) từng bị đồn đoán là có quan hệ với các tổ chức tội phạm ma túy. Hồ sơ của Bộ ngoại giao Mỹ vừa được giải mật đã chứng minh điều đó. Một số bức điện mật trong ngành Ngoại giao Mỹ được National Security Archive, một tổ chức phi Chính phủ thu thập và phát hành ngày 25-5 cho thấy, ông Alvaro Uribe cũng như các đời Tổng thống khác của Colombia đều dính đến những cáo buộc liên quan tới các băng đảng tội phạm buôn bán ma túy. Các bức điện giải mật mô tả nhiều cuộc họp từ năm 1992 đến 1995 giữa các quan chức Mỹ với ông Uribe cũng như các chính trị gia Colombia khác trong Đảng Tự do. ông Uribe đã bác bỏ những cáo buộc và cho rằng đó chỉ là những tin tức giả mạo hay tin thất thiệt ngay trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Colombia diễn ra vào ngày 27-5-2018.

Ngày 3/6, truyền thông khu vực Trung Đông dẫn thông báo của Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) cho biết họ đã nhận được thông tin về việc các chuyên gia quân sự Iran rút khỏi khu vực miền Nam Syria. Người đứng đầu SOHR, ông Rami Abdul-Rahman, nêu rõ các cố vấn quân sự Iran đã rút khỏi một số khu vực nằm ở phía Tây Nam của thủ đô Damascus cũng như vùng nông thôn thuộc các tỉnh Daraa và Quneitra ở miền Nam Syria. Các lực lượng thuộc Sư đoàn 4 của Syria được cho là đã được triển khai để “thế chỗ” cho các chuyên gia Iran.

Giới chức Nhà Trắng đang lên kế hoạch cho một cuộc gặp thượng đỉnh có thể diễn ra giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Tờ Wall Street Journal ngày 3/6 dẫn lời một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ cho biết Đại sứ Mỹ tại Nga Jon Huntsman đã có mặt ở Washington để giúp thu xếp cho cuộc gặp. Theo quan chức này, đây là một dự án đã được Đại sứ Huntsman khởi động từ nhiều tháng trước nhằm đi đến một cuộc gặp chính thức giữa hai ông Putin và Trump. Rất nhiều việc phải được thực hiện theo kế hoạch, bao gồm việc xác định thời gian và địa điểm gặp gỡ. Nếu diễn ra, đây sẽ là cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ 3 giữa hai nhà lãnh đạo Trump-Putin.

Ngày 3/6, hãng thông tấn nhà nước Iran IRNA đã công bố nội dung một bức thư của Ngoại trưởng nước này, ông Mohammad Javad Zarif gửi những người đồng cấp hồi tuần trước. Trong đó, ngoại trưởng Zarif đã kêu gọi thế giới cùng chống lại hành động của Mỹ trong bối cảnh các nhà ngoại giao cấp cao đang nỗ lực cứu vãn thỏa thuận hạt nhân sau khi Mỹ đã thoái lui.Trong bức thư này, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif đã yêu cầu các bên ký kết còn lại và các đối tác thương mại khác bù đắp cho những tổn thất của Iran do sự thoái lui của Mỹ gây ra, nếu các nước này mong muốn tiếp tục duy trì thỏa thuận. Ông Zarif cũng bày tỏ quan điểm rằng thỏa thuận hạt nhân là kết quả của "các cuộc đàm phán đa phương tỉ mỉ, nhạy cảm và cân bằng" vì thế nó sẽ không thể được đàm phán lại theo yêu cầu của Mỹ.

Cảnh sát Indonesia ngày 3/6 cho biết, đã phá vỡ một âm mưu đánh bom nhằm vào tòa nhà Văn phòng chính quyền tại Pekanbaru, tỉnh Riau. Theo cảnh sát địa phương, họ đã thu giữ và vô hiệu hóa 4 quả bom tự chế tại khuôn viên của một trường đại học ở Riau. Ngoài ra, cảnh sát còn thu giữ một lượng thuốc nổ cùng với các loại dây dẫn nổ…đồng thời bắt giữ 3 nghi phạm. Những người này đều là cựu sinh viên trường Đại học Riau. Trước đó, ngày 16/5 cũng tại Pekanbaru, cảnh sát Indonesia đã bắn hạ 3 kẻ tấn công nhằm vào các trụ sở cảnh sát tỉnh Riau. Trong số 3 nghi phạm bị bắn hạ, một đối tượng đã gài bom lên người và một tên đã dùng kiếm tấn công cảnh sát.

Reuters dẫn nguồn tin từ truyền thông Đức cho biết ngày 3/6, cảnh sát đã bắn một người đàn ông tại Thánh đường Berlin. Tuy nhiên, các nguồn tin chưa cập nhật được bối cảnh tình hình xảy ra vụ nổ súng này. Đoạn băng hình được đăng tải trên mạng xã hội cho thấy cảnh sát có vũ trang đã phong tỏa khu vực xung quanh thánh đường và 2 xe cứu thương xuất hiện tại lối vào thánh đường này. Đây là nơi thu hút nhiều du khách ở thủ đô của Đức. Một phát ngôn viên cảnh sát địa phương cho biết "một phát súng đã được bắn ra trong Thánh đường Berlin," song từ chối cho biết thêm chi tiết.

Ngoại trưởng Mỹ James Mattis ngày 3/6 cho biết Mỹ sẽ chỉ dỡ bỏ trừng phạt đối với Triều Tiên nếu nước này có các bước rõ ràng và không thể đảo ngược nhằm chấm dứt chương trình hạt nhân của mình. Ông James Mattis cũng cảnh báo con đường tới thượng đỉnh Mỹ-Triều sẽ không hề dễ dàng. Ngoại trưởng James Mattis cho biết, Mỹ dự kiến con đường tới các cuộc đàm phán với Triều Tiên sẽ không hề dễ dàng. Ông nhấn mạnh rằng Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện tất cả các nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đối với Triều Tiên. Ngoại trưởng Nhật Bản Itsunori Onodera cho rằng, trong khi cần 1 giải pháp ngoại giao cho khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên, hợp tác quốc phòng giữa Mỹ và các đồng minh ở châu Á là chìa khóa để đạt được điều này.

Hãng Reuters hôm qua (3-6) dẫn lời nguồn tin ngoại giao nói rằng Mỹ đang lên kế hoạch tăng cường các hoạt động tuần tra tự do hàng hải ở biển Đông nhằm thách thức hành động quân sự hóa của Trung Quốc tại các khu vực chiếm đóng trái phép. Thông tin này tiết lộ Bộ Quốc phòng Mỹ đang tính toán chương trình tuần tra tự do hàng hải mạnh mẽ hơn ở biển Đông, tập trung các khu vực Trung Quốc chiếm giữ, bồi lấp và xây dựng các cơ sở nhân tạo, trang bị vũ khí. Mỹ ngoài ra còn dự tính tăng số lượng tàu chiến tham gia các hoạt động giám sát các tiền đồn do Trung Quốc xây dựng. Một nhà ngoại giao phương Tây đã ám chỉ hoạt động của hai tàu tuần tra Mỹ tại Hoàng Sa vào tháng trước, nói rằng: “Những gì chúng ta chứng kiến trong vài tuần qua chỉ mới là sự khởi đầu, sẽ có rất nhiều thứ nữa trong kế hoạch”.

Ngày 3/6, khoảng 1,7 triệu cử tri Slovenia đủ điều kiện đã tham gia bỏ phiếu bầu quốc hội mới. Dự kiến, kết quả sơ bộ sẽ được công bố vào tối cùng ngày (giờ địa phương). Theo kết quả thăm dò dư luận của truyền thông Slovenia, đảng Dân chủ Slovenia (SDS) có tư tưởng chống nhập cư của nhà lãnh đạo cánh hữu Janez Jansa, 59 tuổi, sẽ dẫn đầu với tỷ lệ 25%, vượt xa đối thủ gần nhất là đảng Dân chủ-Xã hội. Tuy nhiên, có đến hơn 40% số người được hỏi cho biết họ chưa quyết định lựa chọn của mình. Cuộc bầu cử này đang thu hút sự chú ý của châu Âu do diễn ra sau khi Thủ tướng Miro Cerar tuyên bố từ chức vào tháng 3.

Ngày 3/6, một máy bay quân sự của Algeria bị chệch khỏi đường băng khiến ít nhất 8 người bị thương. Theo truyền thông địa phương, vụ tai nạn xảy ra khi máy bay vận tải quân sự Hercules C130 bị chệch khỏi đường băng tại sân bay Biskra ở tỉnh Biskra, cách Algiers khoảng 450 km về phía Nam. Chiếc máy bay đang trong giai đoạn hạ cánh khi xảy ra tai nạn. Hình ảnh của truyền thông địa phương cho thấy, chiếc máy bay đã bị vỡ ra thành ba phần.

Theo Tổng hợp