THẾ GIỚI 24H: Philippines tự tin bước vào vụ kiện Trung Quốc

TPO - Philippines tuyên bố sẽ đập tan luận cứ mạnh nhất của Trung Quốc trong vụ kiện về Biển Đông, khi một tòa án do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn bắt đầu phiên điều trần bằng miệng vào hôm nay (7/7).
Ngoại trưởng Albert del Rosario tin tưởng Philippines sẽ thắng trong vụ kiện Trung Quốc

Trước đó, Trung Quốc đã tuyên bố rằng Tòa án Trọng tài Thường trực The Hague không có quyền xem xét đơn kiện của Philippines. Nói cách khác, Trung Quốc nghi vấn thẩm quyền của Tòa án Trọng tài Thường trực The Hague. 

Với một đội ngũ mạnh do luật sư nổi tiếng Paul Reichler dẫn đầu, Philippines sẵn sàng chứng minh luận điểm của Trung Quốc là sai trái. Trong một tuyên bố chính thức, Bộ Ngoại giao Philippines khẳng định: "Nếu Tòa án Trọng tài Thường trực The Hague phán quyết rằng tòa án này có thẩm quyền xem xét đơn kiện của Philippines, Manila sẽ yêu cầu một thời điểm cụ thể trong tương lai để trình bày bằng miệng luận cứ của mình”, theo Philstar.

Ngày 6/7, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde khẳng định thể chế tài chính này sẽ hỗ trợ Hy Lạp trong trường hợp được yêu cầu. 

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi kết quả cuộc trưng cầu ý dân một ngày trước đó cho thấy đa số người dân Hy Lạp nói "Không" với các biện pháp kinh tế khắc khổ do các chủ nợ quốc tế đưa ra. Bà Lagarde cho hay, IMF lưu tâm tới kết quả cuộc trưng cầu ý dân mà chính phủ của Thủ tướng Alexis Tsipras khởi xướng. Bà nhấn mạnh IMF theo dõi sát sao tình hình này và sẵn sàng hỗ trợ Hy Lạp nếu như nhận được yêu cầu làm như vậy. 

"Cánh cửa đã lại mở cho các cuộc thương lượng tiếp theo" là tuyên bố được Tổng thống Pháp François Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel đưa ra sau cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo vào chiều tối ngày 6/7 tại Paris.

Tuyên bố này cho thấy nỗ lực của lãnh đạo hai nước được coi là đầu tàu dẫn dắt toàn bộ châu Âu trong việc tìm kiếm một giải pháp nhằm giải quyết "cuộc khủng hoảng hậu trưng cầu ý dân Hy Lạp."

Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga ngày 6/7 cho biết, Tokyo đã bày tỏ sự phản đối việc Trung Quốc xây dựng các cơ sở thăm dò khí đốt mới ở Biển Hoa Đông từ hồi tháng 6/2013.

Ông Suga nói: "Chúng tôi đã nhiều lần phản đối việc Trung Quốc đơn phương thăm dò khí đốt và hối thúc Trung Quốc ngừng hoạt động này." Phát biểu của Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản ám chỉ việc Trung Quốc xây dựng các cơ sở thăm dò khí đốt gần giới tuyến trên biển mà Nhật Bản đề xuất nằm giữa Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của mỗi nước.

Ngày 6/7, đại diện Trung tâm hòa bình Kim Dae-jung của Hàn Quốc thông báo bà Lee Hee-ho, phu nhân của cố Tổng thống Kim Dae-jung, sẽ thăm Triều Tiên từ ngày 5 đến 8/8 tới. 

Tuyên bố với báo giới, ông Kim Sung-jae, một quan chức của trung tâm trên, bày tỏ hy vọng "chuyến thăm của bà Lee sẽ là một dịp tốt góp phần cải thiện mối quan hệ liên Triều và thúc đẩy hợp tác giữa hai miền Triều Tiên". Phát biểu trên được đưa ra ngay khi 5 đại diện của trung tâm trên trở về từ thành phố biên giới Kaesong ở miền bắc sau cuộc thảo luận với phía Triều Tiên về các chi tiết của chuyến thăm.

Mỹ và Hàn Quốc ngày 6/7 đã tiến hành cuộc tập trận chung trên bờ biển Taean, phía Tây Hàn Quốc. Cuộc tập trận nhằm thể hiện sức mạnh liên minh Mỹ-Hàn và nâng cao khả năng phối hợp hoạt động quân sự giữa hai nước.

Tham gia cuộc tập trận có 1.700 binh sỹ thuộc các lực lượng Lính thủy đánh bộ, Hải quân và Lục quân của hai nước. Ngoài ra, còn có sự hiện diện của 20 tàu chiến của Hàn Quốc và 23 tàu chiến của Mỹ. Theo các quan chức quân sự hai nước, cuộc tập trận trên biển là nhằm tăng cường khả năng tác chiến của ngành dịch vụ hậu cần logistic, thông tin liên lạc và hợp đồng tác chiến giữa hai bên.

Ngày 6/7, hãng Kyodo dẫn một nguồn tin Chính phủ Nhật Bản cho biết, Lực lượng Phòng vệ Biển (JMSDF) và Lực lượng Bảo vệ Bờ biển (JCG) của nước này sẽ sớm tổ chức cuộc tập trận chung đầu tiên tại vùng biển gần thủ đô Tokyo để đối phó với các tình huống va chạm "vùng xám" - tức là chưa đến mức có thể xảy ra các cuộc tấn công quân sự nhằm vào Nhật Bản.

Theo nguồn tin trên, trong cuộc tập trận dự kiến tiến hành gần đảo Izu Oshima, cách Tokyo khoảng 120 km về phía Nam, JCG sẽ xác định các vị trí, tốc độ và số lượng tàu xâm nhập rồi chia sẻ thông tin với MSDF để lực lượng này đảm nhận đối phó với các tàu trên.

Một quả bom đã rơi từ máy bay chiến đấu Sukhoi của Iraq và phát nổ ở gần căn cứ không quân Rasheed, phía Đông thủ đô Baghdad, làm ít nhất bảy người thiệt mạng và 11 người khác bị thương. Trong một thông báo, Người phát ngôn lực lượng an ninh Iraq, Chuẩn tướng Saad Maan nêu rõ: “Do vấn đề kỹ thuật, một trong số các quả bom đã bị kẹt, và khi chiếc máy bay này quay trở về căn cứ, quả bom đã rơi xuống 3 ngôi nhà ở quận Baghdad Jadida".

Ngày 6/7 đã xảy ra vụ đánh bom kép ở thành phố Jos, miền Trung Nigeria, làm ít nhất 44 người thiệt mạng và khoảng 50 người bị thương. Vụ việc diễn ra sau một tuần bạo lực đẫm máu bị cho là do nhóm phiến quân Hồi giáo Boko Haram tiến hành.

Cảnh sát bang Plateau cho biết vụ đánh bom đầu tiên diễn ra tại một tổ hợp mua sắm gần một trạm xe buýt và Đại học Jos. Khoảng 4 phút sau đó, quả bom thứ 2 phát nổ gần một nhà thờ Hồi giáo nổi tiếng. Hiện chưa có cá nhân hoặc tổ chức nào nhận tiến hành các vụ tấn công trên. 

Ngày 6/7, Chính phủ Ukraine cho biết đã ra lệnh cho Tập đoàn năng lượng quốc doanh Naftogaz thành lập một quỹ trị giá 1 tỷ USD để hỗ trợ tài chính cho hoạt động nhập khẩu, vận chuyển và tích trữ khí đốt.

Chính phủ Ukraine khẳng định Naftogaz được trao nhiệm vụ thành lập quỹ nói trên trong khuôn khổ các thỏa thuận với các chủ nợ nước ngoài dưới sự bảo đảm của nhà nước. Năm 2014, Ukraine đã nhập khẩu khoảng 19,5 tỷ m3 khí đốt, trong đó một phần lớn được nhập từ Nga - nước đang có bất đồng với Kiev về giá khí đốt.