THẾ GIỚI 24H: Nga giải cứu hai công dân bị Ukraine bắt giữ

TPO - Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 22/5 cho biết, Nga đang có những bước đi cần thiết nhằm giải cứu hai công dân nước này bị Ukraine bắt giữ.
Một trong hai binh sĩ bị Ukraine bắt giữ nằm trên giường bệnh viện của quân đội Ukraine. Ảnh: euronews.com

Hãng thông tấn RIA Novosti dẫn lời ông Peskov nói: "Họ là các công dân của Nga, những người đang bị cầm giữ, và phía Moscow đang có những bước đi cần thiết để giải cứu họ". Trước đó cùng ngày, hai công dân Nga khi trả lời phỏng vấn một tờ báo đã thừa nhận rằng họ tới Ukraine để thực hiện một sứ mệnh cho quân đội Nga, trái ngược với lập trường chính thức của Moscow cho rằng họ chỉ là thường dân. Nga vẫn luôn bác bỏ sự can thiệp về quân sự trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Ngày 22/5, Tổng thống Pháp Francois Hollande cho rằng, cần phải gia tăng sức ép đối với Nga và phe ly khai ở miền Đông Ukraine để họ tôn trọng thỏa thuận ngừng bắn Minsk mà ông làm trung gian hồi tháng 2 vừa qua. Phát biểu trước các phóng viên trong thời gian tham dự Hội nghị thượng đỉnh Đối tác phương Đông tại thủ đô Riga của Latvia, ông Hollande nêu rõ: "Rõ ràng là lệnh ngừng bắn không hoàn toàn được tôn trọng. Đó là lý do chúng ta phải hành động và tiếp tục gây sức ép, đặc biệt lên (phe ly khai ở) miền Đông Ukraine và Nga để họ tuân thủ đầy đủ thỏa thuận Minsk".

Liên minh châu  và Ukraine ngày 22/5 đã ký một thỏa thuận về khoản vay trị giá 1,8 tỷ euro (2 tỷ USD) nhằm vực dậy nền kinh tế vốn đang đang kiệt quệ của Kiev. Lễ ký diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Đối tác phương Đông tại thủ đô Riga, Latvia. Theo thỏa thuận trên, Ukraine sẽ phải thực hiện hàng loạt các cải cách, trong đó bao gồm các biện pháp chống tham nhũng nhằm khắc phục những bất cập trong cơ cấu của nền kinh tế nước này.

Hôm nay (23/5), tàu khu trục tên lửa hành trình USS Ross của Mỹ sẽ tiến vào Biển Đen để "thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực". IBTimes dẫn thông báo được đăng tải trên trang web chính thức của Hải quân Mỹ cho biết: "Tàu USS Ross xuất hiện tại Biển Đen sẽ tái khẳng định cam kết của Mỹ trong việc thúc đẩy sự hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau giữa Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và các đối tác trong khu vực".

Việc điều động chiến hạm nằm trong kế hoạch của Washington nhằm củng cố thế trận an ninh tập thể của các đồng minh NATO. Động thái trên cũng góp phần giúp các nước này tăng cường an ninh hàng hải, năng lực hải quân và khả năng sẵn sàng ứng phó.

Australia và Mỹ đang thương lượng về việc bên nào sẽ trả kinh phí để mở rộng đường băng tại căn cứ không quân Tindal ở lãnh thổ phía Bắc. Một trong những mục đích chính của việc mở rộng đường băng này, gần thị trấn Katherine, có thể là để sử dụng cho các máy bay ném bom B-1.

Về nguyên tắc, chính quyền Thủ tướng Tony Abbott không phản đối sự hiện diện của máy bay ném bom B-1. Khi được tờ The Australian hỏi liệu máy bay ném bom B-1 có luân chuyển tới Australia hay không, một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Australia cho biết: “Các chi tiết về tăng cường hợp tác không quân là nội dung chính của cuộc thảo luận đang diễn ra giữa Australia và Mỹ. Đến nay chưa có quyết định nào được đưa ra về tính chất, quy mô, địa điểm hoặc thời gian của các hoạt động hợp tác không quân”.

Giới chức y tế Saudi Arabia cho biết ngày 22/5, một kẻ đánh bom liều chết đã kích hoạt thuốc nổ mang theo người trong buổi lễ cầu nguyện thứ Sáu tại một đền thờ Hồi giáo dòng Shi'ite ở miền Đông nước này, làm 21 người thiệt mạng và 66 người bị thương.

Hãng thông tấn SPA dẫn tuyên bố của người phát ngôn Bộ Nội vụ Saudi Arabia khẳng định Riyadh coi vụ tấn công là hành động khủng bố. Kẻ đánh bom đã kích nổ quả bom giấu trong y phục khi các tín đồ Hồi giáo đang có buổi cầu nguyện thứ Sáu tại đền thờ Ali Ibn Abi Taleb ở Kudeih, tỉnh Qatif. 

Hoạt động tìm kiếm thi thể các nạn nhân của vụ tai nạn máy bay Boeing MH17 ở Donbass đã hoàn tất, ông Gennady Zubko, Phó Thủ tướng Chính phủ Ukraine, người đứng đầu ủy ban chính phủ phụ trách điều tra nguyên nhân của vụ tai nạn máy bay thông báo hôm 22/5. “Các thành viên ủy ban đã được thông báo về việc hoàn thành một trong những giai đoạn của sứ mệnh — hoạt động tìm kiếm và hồi hương thi hài –  với kết quả  297 thi thể được tìm thấy, 295 người trong số đó đã được xác định. Tất cả thi thể đã được chuyển đến Hà Lan”, ông  Zubko nói.

Theo Phó thủ tướng Ukraine: “gần như tất cả những người thiệt mạng đã được tìm thấy, tuy nhiên không thể làm đến cùng việc nhận dạng tất cả”, và “kết quả xác định ADN sẽ được hoàn tất vào ngày 1/7, còn di hài của các nạn nhân sẽ được chuyển hết đến Hà Lan vào ngày 1/8/2015”, theo Sputnik.

Ngày 22/5, giới chức Myanmar thông báo hải quân nước này đã chuyển giao 208 người di cư Bangladesh, được cứu từ một thuyền trôi giạt trên vịnh Bengal, cho chính quyền bang Rakhine, miền Tây nước này.

Thông báo của Bộ Thông tin Myanmar cho biết thuyền di cư trên chở 219 người, trong đó có 208 người Bangladesh, 9 thủy thủ và 2 người phiên dịch. Con thuyền bị hải quân Myanmar phát hiện khi đang lênh đênh trên vùng biển cách thị trấn Maungdaw, bang Rakhine, 6 km về phía Tây. Toàn bộ những người di cư sau đó đã được bố trí ở tại khu lán trại trong thị trấn Maungdaw. Ngoài con thuyền trên, hải quân Myanmar còn tìm thấy một thuyền trống đang trôi giạt trên biển.

Ngày 22/5, Ireland đã tiến hành trưng cầu ý dân về hôn nhân đồng giới. Các cuộc thăm dò trước trưng cầu ý dân cho thấy tỉ lệ người ủng hộ hôn nhân đồng giới ở mức cao, từ 53% đến 73%. Tuy nhiên, các nhà quan sát nhận định kết quả cuộc trưng cầu này sẽ phụ thuộc vào số người thực sự đi bỏ phiếu. Vì giới sinh viên là đối tượng ủng hộ mạnh mẽ hôn nhân đồng giới, song cuộc trưng cầu ý dân lại diễn ra trùng với kỳ thi đại học.

Trong khi đó, nhóm cử tri lớn tuổi nhiều khả năng đi bỏ phiếu thì tỉ lệ ủng hộ hôn nhân đồng giới lại không cao. Nếu đa số cử tri Ireland bỏ phiếu ủng hộ các cặp đồng giới có quyền được kết hôn như những cặp đôi nam nữ khác, thì Ireland sẽ trở thành quốc gia đầu tiên cho phép hôn nhân đồng giới thông qua trưng cầu ý dân, thay vì thông qua văn bản luật hay qua phán quyết tòa án.

Cơ quan giám sát phương tiện truyền thông Nga (Roskomnadzor) gửi thư yêu cầu 3 công ty Mỹ gồm Facebook, Google và Twitter phải chấp hành pháp luật về internet tại Nga nếu không muốn bị cấm hoạt động. Phát ngôn viên Vadim Ampelonsky của Roskomnadzor cho biết: “Trong những bức thư trước đây, chúng tôi đã thường xuyên nhắc nhở về hậu quả của những hành vi vi phạm pháp luật".

Trước đó, Chính phủ Nga yêu cầu Facebook, Twitter và Google cung cấp thông tin của các blogger nổi tiếng hoặc chuyên viết các nội dung liên quan chính trị, vốn có hơn 3.000 độc giả mỗi ngày. Điện Kremlin cũng yêu cầu ba công ty Mỹ phải truy xuất các trang web, tài khoản được cho có chứa những nội dung gây bất ổn.