THẾ GIỚI 24H: Giới trẻ Mỹ ủng hộ bà Clinton làm Tổng thống

TPO - Một cuộc thăm dò dư luận vừa được Trường đại học danh tiếng hàng đầu của Mỹ Harvard công bố ngày 26/10 cho biết ứng cử viên của đảng Dân chủ Hillary Clinton đang nhận được sự ủng hộ nhiều nhất từ các cử tri trẻ ở độ tuổi từ 18-29.
Ảnh: AP

Theo cuộc thăm dò được tiến hành từ ngày 7-17/10 này, cựu Ngoại trưởng Clinton đã nhận được sự ủng hộ của 49% cử tri trẻ trong khi ứng cử viên của đảng Cộng hòa Donald Trump chỉ được 28%. Sự chênh lệnh trong sự ủng hộ của giới trẻ đối với hai ứng cử viên trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2016 còn lớn hơn cả sự ủng hộ của họ giành cho Tổng thống Barack Obama và ứng cử viên đảng Cộng hòa, Thống đóc bang Massachusett, Mitt Romney tại cùng một thời điểm vào năm 2012.

Hội nghị cấp cao hợp tác Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam (CLMV) lần thứ 8 và Hội nghị Cấp cao Chiến lược Hợp tác Kinh tế Ayeyarwady - Chao Phraya - Mekong (ACMECS) lần thứ 7 diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Tại Hội nghị, lãnh đạo các nước nhất trí nhiều biện pháp nhằm duy trì động lực tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh của các quốc gia thành viên, như đẩy mạnh kết nối vận tải đa phương thức, đơn giản hóa thủ tục để thúc đẩy thương mại, đầu tư, sản phẩm du lịch chung… (XEM CHI TIẾT)

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tuyên bố Ankara sẽ tiếp tục chiến dịch tại Syria cho tới khi tổ chức Nhà nước hồi giáo (IS) tự xưng bị đánh bật ra khỏi thành phố al-Bab, bất chấp cảnh báo của các lực lượng đồng minh với Chính phủ Syria. Trong khi đó, Tư lệnh chiến trường của lực lượng đồng minh với Tổng thống Syria, gồm tổ chức Hezbollah, dân quân Iraq và lực lượng Vệ binh cách mạng Iran, cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ rằng bất kì sự tiến quân nào về phía vị trí của họ ở Bắc và Đông Aleppo sẽ bị đáp trả mạnh mẽ và kiên quyết.

Trong vòng 24 giờ sau khi Đặc phái viên Liên hợp quốc về vấn đề Yemen Ismail Ould Cheikh Ahmed đề xuất lộ trình chính trị nhằm chấm dứt xung đột tại quốc gia Trung Đông này, giao tranh và các cuộc không kích đã liên tiếp xảy ra trên khắp đất nước Yemen. Theo các nguồn tin quân sự, ít nhất 15 tay súng của Houthi và 5 binh sĩ thuộc lực lượng ủng hộ Tổng thống Hadi đã thiệt mạng.

Sáng 26/10 (giờ New York, tức tối 26/10 theo giờ Hà Nội), Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 71 đã họp phiên toàn thể thông qua Nghị quyết lên án lệnh cấm vận của Mỹ đối với Cuba, với tỷ lệ phiếu áp đảo 191/193 phiếu thuận. Mỹ và Israel lần đầu tiên bỏ phiếu trắng, và không có nước nào bỏ phiếu chống. Đây là lần thứ 25 liên tiếp đại đa số các nước thành viên Liên hợp quốc bày tỏ sự ủng hộ đối với Báo cáo "Sự cần thiết phải chấm dứt lệnh cấm vận kinh tế, thương mại và tài chính do Mỹ áp đặt chống Cuba" do chính phủ Cuba trình lên hàng năm.

Phiên họp toàn thể của diễn đàn “Những công nghệ mở Skolkovo” đã bị gián đoạn sau một vài tiếng nổ phát ra trên mái tòa nhà, nơi tổ chức diễn đàn. Phiên họp có sự tham dự của Thủ tướng Liên bang Nga Dmitry Medvedev, Phó Thủ tướng Arkady Dvorkovich, các quan chức chính phủ và giới doanh nhân nhiều quốc gia trên thế giới. Người dẫn chương trình đã đề nghị các thành viên và khách dự, trong đó có Thủ tướng Chính phủ, rời tòa nhà. (XEM CHI TIẾT)

Giới chính trị và quân sự phương Tây đã lên tiếng chỉ trích Tây Ban Nha sau khi Madrid cho phép chiến hạm Nga được cập cảng Ceuta, một vùng đất Tây Ban Nha ở Bắc Phi, để tiếp nhiên liệu. Trước đó, sáng ngày 26/10, một số chiến hạm Nga thuộc đội hình 8 tàu do tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov dẫn đầu, đã cập cảng Ceuta để tiếp nhiên liệu. Hành động của chiến hạm Nga được tiến hành sau khi vượt qua eo Gibraltar. (XEM CHI TIẾT)

Ba Lan bày tỏ quan ngại về thông tin nói rằng Nga đang nâng cấp mạnh mẽ hỏa lực cho Hạm đội Baltic tại Kaliningrad bằng việc bổ sung các tàu chiến trang bị tên lửa hành trình tầm xa. Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Antoni Macierewicz cho hay: "Đây là một lý do rõ ràng gây quan ngại. Di chuyển các tàu này trên Biển Baltic sẽ làm thay đổi cán cân sức mạnh". Thông tin trên được nhật báo Nga Izvestia đăng tải, song giới chức Nga chưa xác nhận động thái triển khai này.

Thiếu tướng Không quân Mỹ Nina Armagno cho rằng, đến năm 2025 Nga và Trung Quốc sẽ có khả năng gây họa cho mỗi vệ tinh nước Mỹ phóng lên quỹ đạo, và Washington phải sẵn sàng giáng trả nguy cơ này. Theo tướng Armagno, nguy cơ đe dọa tất cả các vệ tinh của Mỹ, không chỉ quỹ đạo thấp mà còn quỹ đạo địa tĩnh. Trong khi đó, các vệ tinh hiện đại gần như không có khả năng phòng chống tên lửa đánh chặn được phóng từ mặt đất. (XEM CHI TIẾT)

Hai trận động đất liên tiếp đã làm rung chuyển miền Trung Italy, khu vực từng hứng chịu trận động đất mạnh hồi tháng 8 vừa qua khiến gần 300 người thiệt mạng.

Trận động đất đầu tiên mạnh 5,5 độ Richter, xảy ra lúc 17h10 giờ GMT (00h10 ngày 27/10 theo giờ Hà Nội). Trận động đất thứ hai có cường độ 6,1 độ Richter xảy ra sau đó khoảng 2 giờ đồng hồ. Cả hai trận động đất đều có tâm chấn nằm gần làng Visso thuộc khu vực Marche ở miền Trung Italy. Rung chấn do các trận động đất gây ra có thể cảm nhận được cả ở thủ đô Rome, thành phố Venice và Naples, khiến nhiều người hoảng loạn lao khỏi nhà ra các đường phố.