THẾ GIỚI 24H: Cảnh sát Philippines bắn hạ người tấn công nhân viên chống dịch

TPO - Cảnh sát Philippines đã bắn hạ một đối tượng có hành vi tấn công nhân viên y tế bằng lưỡi liềm.
Cảnh sát và quân đội được triển khai đến Manila vào rạng sáng 15/3 nhằm thực thi các lệnh giới hạn đi lại. Ảnh: AP.

Khi được cảnh cáo vì không đeo khẩu trang, người đàn ông 63 tuổi trong tình trạng say xỉn đã nổi giận, chửi bới bằng lời lẽ nặng nề rồi sử dụng lưỡi liềm để tấn công nhân viên y tế. Trong hoàn cảnh đó, cảnh sát đã buộc phải bắn hạ đối tượng. Vụ việc xảy ra tại chốt kiểm soát của thị trấn Nasipit, tỉnh Agusan del Norte, phía nam Philippines.  Đây là trường hợp đầu tiên cảnh sát Philippine nổ súng khi dân thường từ chối tuân thủ các biện pháp hạn chế đi lại và phòng ngừa lây nhiễm SARS-CoV-2.

Mỹ tiếp tục là quốc gia ghi nhận số trường hợp mắc COVID-19 cao nhất trên thế giới, với 307.721 ca, trong đó số ca tử vong là 8.377 tính tới 6h sáng 5/4. New York là bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất với 113.806 ca mắc bệnh và 3.565 ca tử vong. Ngày 4/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo sẽ triển khai thêm 1.000 nhân viên quân sự tới New York nhằm giúp thành phố này kiểm soát được dịch COVID-19. Các bang có số bệnh nhân COVID-19 trên 10.000 người là New Jersey, Michigan, California, Louisiana, Florida, Massachusetts và Pennsylvania.

Tây Ban Nha đã vượt Italy về số ca mắc COVID-19, đứng thứ hai chỉ sau Mỹ, với gần 126.168 ca và 11.947 ca tử vong. Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez ngày 4/4 đã phải gia hạn lệnh phong tỏa toàn quốc đến ngày 25/4 tới nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan. Thủ tướng Sanchez cũng cho biết, Madrid sẽ nới lỏng các quy định về hạn chế hoạt động kinh tế, vốn được áp đặt theo lệnh tình trạng khẩn cấp dự kiến có hiệu lực đến sau kỳ nghỉ Lễ Phục Sinh.

Italy là quốc gia có số ca tử vong cao nhất trên toàn cầu vì COVID-19, với 15.362 người trong gần 124.632 người nhiễm bệnh. Theo người đứng đầu Cơ quan Bảo vệ Dân sự Angelo Borrelli, tình trạng phong tỏa có thể sẽ kéo dài sau ngày 13/4, thậm chí người dân Italy cũng sẽ phải ở nhà vào Ngày Quốc tế Lao động 1/5. Bộ trưởng Y tế Italy Roberto Speranza khẳng định giãn cách xã hội là vũ khí duy nhất đẩy lùi dịch bệnh. Italy có thể bước vào giai đoạn 2, sống chung với dịch bệnh, vào thời điểm giữa tháng 5.

Ngày 4/4, ít nhất 2 người chết và 7 người bị thương trong vụ tấn công bằng dao xảy ra ở Romans-sur-Isere thuộc tỉnh Drome, Đông Nam nước Pháp. Theo truyền thông sở tại, đối tượng gây án không có giấy tờ tùy thân và đã bị bắt giữ. Trong số những người bị thương có 4 người đang trong tình trạng nguy kịch. Hiện nhà chức trách đang điều tra vụ việc.

Ngày 4/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ dự kiến diễn ra vào tháng 11 tới sẽ không bị trì hoãn do tác động của dịch COVID-19 và bác bỏ ý tưởng về việc bỏ phiếu qua thư điện tử. Ông Trump khẳng định không ủng hộ việc sử dụng phiếu bầu điện tử trong trường hợp dịch bệnh khiến cử tri Mỹ không thể đi bầu cử. Tổng thống Trump nhấn mạnh rằng rất nhiều người gian lận với việc bỏ phiếu qua thư điện tử, đồng thời yêu cầu cử tri Mỹ nên bỏ phiếu với căn cước công dân và thẻ cử tri.

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly xác nhận khoảng 600 quân nhân nước này mắc COVID-19. "Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ tình hình và đưa ra các điều chỉnh phù hợp. Tôi muốn nói rõ rằng, khả năng sẵn sàng chiến đấu của chúng tôi sẽ không bị ảnh hưởng", bà Parly nói trong buổi phỏng vấn với tờ Le Dauphiné Libéré.

Bộ Tư pháp Anh cho biết, khoảng 4.000 tù nhân ở vùng England và Wales sẽ được trả tự do tạm thời nhằm kiểm soát sự lây lan của virus SARS-CoV-2. AP dẫn tin từ Bộ Tư pháp Anh cho biết, những đối tượng phạm tội có nguy cơ thấp sẽ được thả nhưng phải mang thẻ điện tử. Với những tù nhân phạm tội bạo lực hay tội tình dục, khủng bố sẽ không được thả. Tù nhân đang mang thai hoặc có con nhỏ đều được thả tạm thời.

Theo Tổng hợp