THẾ GIỚI 24H: Bầu cử tổng thống năm 2020 tốn kém nhất trong lịch sử Mỹ

TPO - Chi phí của các ứng cử viên và các đảng chính trị ở Mỹ cho cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020 đã nhiều hơn bất kỳ cuộc bầu cử nào khác trong lịch sử nước này. Trong khi đó, hàng tỷ USD sẽ tiếp tục được chi ra trong những tuần còn lại trước ngày tổng tuyển cử.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP

Phân tích dữ liệu từ Ủy ban bầu cử liên bang, chi phí cấp tiểu bang và các kế hoạch quảng cáo trên truyền hình cho thấy tổng chi phí cho cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 đã vượt quá số tiền 7 tỷ USD được chi cho sự kiện này năm 2016. Theo dự báo của một trung tâm nghiên cứu chính trị Mỹ, tổng số tiền chi cho các cuộc bầu cử liên bang vào cuối năm nay có thể lên tới gần 11 tỷ USD. Tuy nhiên, con số này sẽ còn cao hơn nữa do báo cáo tài chính của các chiến dịch tranh cử mới chỉ được công bố tới cuối tháng 9. Trung tâm này cho biết, Tổng thống Donald Trump, cựu Phó Tổng thống Joe Biden và nhiều đồng minh khác có thể chi tới hơn 5,1 tỷ USD cho cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, gấp đôi con số năm 2016.   

Ngày 15/10, các nhà lãnh đạo châu Âu đã yêu cầu Vương quốc Anh nhượng bộ hơn về các quy tắc thương mại để hai bên có thể khơi thông các cuộc đàm phán đang bế tắc. Đề nghị này đã làm Anh tức giận và có thể khiến “số phận” các cuộc đàm phán rơi vào tình thế nguy hiểm. Các nhà lãnh đạo của 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã bày tỏ lạc quan thận trọng khi đến dự Hội nghị thượng đỉnh ở BrusselsThế nhưng trong văn bản kết luận của hội nghị, họ đã thúc giục EU và các nước thành viên chuẩn bị cho kịch bản Anh ra đi mà không có thỏa thuận.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố nước này sẽ được tự do mua bán vũ khí bắt đầu từ ngày 18/10, vì lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hiệp Quốc (LHQ) sẽ chấm dứt theo thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015, bất chấp sự phản đối quyết liệt của Mỹ. Phát biểu trong cuộc họp nội các, ông Rouhani nêu rõ: “Lệnh cấm vận kéo dài 10 năm này sẽ được dỡ bỏ vào ngày 18-10 nhờ sự phản kháng của nhân dân và nỗ lực của các nhà ngoại giao Iran”. Tổng thống Rouhani khẳng định đây là một trong những thành quả của Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).

Ứng cử viên phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris thuộc đảng Dân chủ vừa thông báo hủy tất cả các kế hoạch đi lại cho tới cuối tuần này sau khi một thành viên trong nhóm tranh cử có kết quả xét nghiệm dương tính với virus Sars-CoV-2.Trong thông báo của mình, bà Kamala Harris cũng cho biết, bản thân bà trong ngày hôm qua đã được xét nghiệm với virus Sars-CoV-2 và có kết quả âm tính.

Sau vụ bê bối khi dính líu đến một cuộc điều tra mua bán quốc tịch thông qua chương trình “Hộ chiếu vàng”, Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Síp Syllouris hôm qua đã tuyên bố sẽ từ chứcNhà chính trị gia này là nhân vật quan trọng thứ 2 sau tổng thống Nicos Anastasiades. Trong bài phát biểu của mình, ông khẳng định mình vô tội và tuyên bố sẽ thu thập bằng chứng chống lại những cáo buộc ông vi phạm pháp luật. Trước đó, Christakis Giovanis, một nghị sĩ cũng là một trong những doanh nhân bất động sản lớn nhất của Cộng hòa Síp đã thông báo ông sẽ rời nhiệm sở của mình sau quyết định của chính phủ về việc ngưng chương trình “ Hộ chiếu vàng”.

Moscow đã bất ngờ đồng ý thực hiện các biện pháp để giảm leo thang xung đột bằng cách triển khai quân đến khu vực Nagorno-Karabakh. Các chuyên gia lo ngại rằng, với việc Nga quyết định đưa quân vào Karabakh, Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thể tham gia vào cuộc chiến ở đây, điều này có thể dẫn đến xung đột quân sự nghiêm trọng trong toàn khu vực.

Bộ Ngoại giao Armenia ngày 15/10 cho biết, quân đội Karabakh mới đây đã bao vây hàng nghìn phần tử thánh chiến được Thổ Nhĩ Kỳ điều từ Syria đến khu vực chiến tranh Nagorno-Karabakh, buộc những người này phải hạ vũ khí và chọn cách đầu hàng. “Quân đội Artsakh vừa đạt được thành công đáng kinh ngạc trong cuộc xung đột trên lãnh thổ Nagorno-Karabakh. Khoảng 1.000 phiến quân thánh chiến thân Thổ Nhĩ Kỳ đến Karabakh vài ngày trước để chiến đấu chống lại người Armenia đã hạ vũ khí và đầu hàng vô điều kiện”, đại diện của Bộ Ngoại giao Armenia viết trên trang Facebook chính thức hôm 15/10.

Hàng chục nghìn người biểu tình Thái Lan đổ xuống đường ở trung tâm Bangkok tối 15/10, hò reo và hô vang để thể hiện sự phản đối lệnh cấm biểu tình của chính phủ. Các cuộc biểu tình này nhắm vào Nhà vua Maha Vajiralongkorn cũng như Thủ tướng Prayuth Chan-ocha, trở thành thách thức lớn cho chính phủ và Hoàng gia Thái Lan, theo Reuters. Những người biểu tình phớt lờ lời kêu gọi giải tán của cảnh sát. Họ tràn ra đường phố với điện thoại bật đèn sáng lung linh trong đêm. Nhóm người biểu tình kêu gọi thả tự do cho khoảng 40 nhà hoạt động bị bắt trong tuần này.

Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) cho biết 10 thi thể người di cư đã trôi dạt vào bờ biển Djibouti trên vùng Sừng châu PhiVụ việc xảy ra tại thị trấn Obock, nơi thường xuyên có những chuyến thuyền chở người di cư đến Yemen hoặc cố gắng tìm đường trở về quê hương của họ. Những người này chủ yếu đến từ Ethiopia.