Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Pakistan cho biết, các lực lượng của Ấn Độ đã liên tục “nhắm vào các khu vực đông dân cư” bằng hỏa lực pháo binh, súng cối hạng nặng và vũ khí tự động tại các khu vực dọc theo LoC và Ranh giới làm việc giữa hai bên, làm 4 dân thường bị thương, trong đó có 3 phụ nữ. Pakistan và Ấn Độ đã tuyên bố ngừng bắn dọc theo LoC vào năm 2003. Nhưng hai bên vẫn thường cáo buộc lẫn nhau về các vi phạm ngừng bắn. Căng thẳng giữa hai bên tiếp tục gia tăng sau khi Ấn Độ dỡ bỏ quy chế đặc biệt đối với Kashmir do Ấn Độ kiểm soát vào tháng 8/2019. Đáp lại, Pakistan đã hạ cấp quan hệ ngoại giao, đình chỉ quan hệ thương mại song phương.
Ngày 2/2, cảnh sát địa phương cho biết, có 5 trẻ em và một người lớn đã thiệt mạng trong một vụ xả súng xảy ra tại Muskogee, thuộc bang Oklahoma, Mỹ. Theo thông báo của cơ quan cảnh sát, họ nhận được cuộc gọi vào lúc 1h30' sáng 2/2 (theo giờ địa phương) về việc có nhiều người bị bắn tại một dinh thự ở khu vực phía Đông Nam Muskogee. Ngay lập tức, lực lượng cảnh sát đã được điều động đến hiện trường và phát hiện một nghi phạm đang cầm súng. Sau một cuộc rượt đuổi ngắn, đối tượng này sau đó đã bị bắt giữ. Nghi phạm được cho là một thành viên trong gia đình các nạn nhân.
Ngày 2/2, Bộ Ngoại giao Nga cho rằng sự hiện diện của các nhà ngoại giao nước ngoài trong phiên xét xử để xem liệu nhân vật chỉ trích Điện Kremlin Alexei Navalny sẽ đối mặt với án tù lâu hơn hay không là bằng chứng cho thấy phương Tây âm mưu can thiệp vào công việc nội bộ của Moscow. Ông Navalny bị cáo buộc liên tục vi phạm cam kết tù nhân sau khi được thả trong vụ việc làm bùng phát hoạt động biểu tình trên cả nước và khiến phương Tây thảo luận về các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga. Trên trang Facebook, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng sự hiện diện của các nhà ngoại giao là bằng chứng cho những gì bà gọi là nỗ lực của phương Tây nhằm kiềm chế Moscow.
Đại diện của Armenia tại Tòa án Nhân quyền châu Âu (ECHR) thông báo, Chính phủ Armenia đã đệ đơn kiện Azerbaijan lên tòa này, cáo buộc Baku vi phạm một số công ước trong quá trình leo thang xung đột ở Nagorno-Karabakh vào mùa Thu năm 2020. Đây là đơn khiếu nại giữa các tiểu bang đầu tiên mà Armenia đệ trình với ECHR". Đặc biệt, như đại diện nêu rõ, Chính phủ Armenia khẳng định, Azerbaijan đã vi phạm quyền của người dân Karabakh và Armenia được sống, bảo vệ khỏi tra tấn và đối xử vô nhân đạo, quyền bất khả xâm phạm, tài sản, cuộc sống riêng tư và gia đình, giáo dục và một số quyền khác. Ngoài ra, đơn khiếu nại còn nêu các vấn đề về bảo vệ quyền của tù nhân chiến tranh và dân thường, người dân tái định cư của Artsakh (cách gọi khác của Karabakh), các công dân bị thương và thân nhân của nạn nhân, những người bị mất tài sản, đại diện của các phương tiện truyền thông trong nước và quốc tế.