'Thay máu' hội đồng duyệt phim thế nào?

TP - Đó là điều giới làm phim và đông đảo công chúng mong muốn bấy lâu nay, nhất là bối cảnh mỗi năm số lượng phim gia tăng, gây áp lực tới hội đồng vỏn vẹn 11 người, dễ xảy ra sai sót như bỏ lọt “đường lưỡi bò phi pháp” như vừa rồi.

BỎ ĐỘC QUYỀN KIỂM DUYỆT

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa thu hút sự chú ý với đề xuất bỏ độc quyền kiểm duyệt phim. Trong bản góp ý Dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi, VCCI góp ý nhằm xóa bỏ một số thủ tục hành chính, giấy phép trong lĩnh vực điện ảnh. Vấn đề bất cập trong duyệt phim hiện nay chính là độc quyền về kiểm duyệt. Luật Điện ảnh trước quy định việc thẩm định và cấp phép phổ biến phim chỉ duy nhất do Bộ VHTTDL (Cục Điện ảnh, Hội đồng thẩm định quốc gia) tiến hành. Từ năm 2010, luật cho phép một số địa phương thẩm định, phổ biến phim nhưng mới là phân cấp quản lý. Người làm phim chưa được lựa chọn đơn vị kiểm duyệt.

So sánh với một số lĩnh vực khác cùng cơ chế kiểm duyệt trước khi phát hành, VCCI chỉ ra bất cập lớn của ngành điện ảnh khi người viết sách có thể lựa chọn mang tới 60 nhà xuất bản khác nhau. Đơn vị xuất bản làm việc với tác giả về những nội dung khiêu dâm, bạo lực, thù địch nếu không hài lòng tác giả có quyền chọn nhà xuất bản khác. Nhà nước giữ vai trò cấp phép, hướng dẫn và hậu kiểm đối với các nhà xuất bản. Như vậy, ngành điện ảnh hoàn toàn có thể nghĩ tới mô hình tương tự.

VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo Dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi mạnh dạn đổi mới cơ chế kiểm duyệt phim theo hướng: Luật Điện ảnh đặt ra các điều kiện để một đơn vị có thể thực hiện công tác kiểm duyệt phim. Tổ chức nào đủ điều kiện đều có thể đăng ký và được cấp phép hoạt động kiểm duyệt phim. Bộ VHTTDL tiến hành tập huấn cho người trực tiếp phụ trách công tác kiểm duyệt phim. Phim chỉ được phổ biến sau khi được một tổ chức được phép hoạt động kiểm duyệt phim chấp thuận. Cơ quan nhà nước tiến hành hậu kiểm nội dung phim được phổ biến và công tác kiểm duyệt của các tổ chức được cấp phép.

“Một cơ chế như vậy vừa bảo đảm quản lý tốt nội dung phim, vừa giúp tạo tính cạnh tranh trên thị trường và giúp cho nền điện ảnh phát triển không bị hạn chế. Việc chuyển từ cơ chế Nhà nước độc quyền kiểm định hàng hoá sang cơ chế uỷ quyền cho nhiều đơn vị tư nhân có quyền kiểm định và nhà nước giám sát chặt chẽ đã được thực hiện thành công ở rất nhiều lĩnh vực như dược phẩm, thuốc bảo vệ thực vật, an toàn thực phẩm”, VCCI đề xuất.

“THAY MÁU” HỘI ĐỒNG

Sau sự việc bỏ lọt phim tuyên truyền chủ quyền kệch cỡm Điệp vụ biển đỏ năm ngoái, Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch (VHTTDL) kiện toàn Hội đồng Trung ương thẩm định và phân loại phim truyện. Số thành viên tăng lên 11 người, nhưng như thế chưa đủ. Nhà thơ Nguyễn Phong Việt đồng thời là chuyên gia truyền thông phim ảnh nêu quan điểm rằng, ở thời điểm này khó khả thi bỏ độc quyền kiểm duyệt nhưng chắc chắn phải cải tổ hội đồng duyệt.

“Số lượng phim ra rạp mỗi năm rất lớn, chỉ một hội đồng duyệt với 11 thành viên khó chịu được khối lượng khủng khiếp. Tôi nghĩ rằng ít nhất nên có thêm hội đồng duyệt phía Nam. Thị trường phim ảnh sôi động nhất ở đây, tập trung phần lớn nhà sản xuất và phát hành, số lượng rạp chiếu phim. Nếu có hội đồng duyệt ở phía Nam có thể giảm chi phí tài chính, thời gian, nhất là trong trường hợp có yêu cầu thay đổi bản phim và yêu cầu chỉnh sửa”, Phong Việt phân tích.

Độ tuổi trung bình của hội đồng hiện nay rất cao, giới sản xuất phim mong muốn đa dạng thành phần và độ tuổi tham gia hội đồng để đảm bảo bộ phim được cân nhắc mọi góc cạnh, không chỉ từ chuyên môn mà còn ở góc độ có lợi cho khán giả. “Tuổi tác cũng là trở ngại. Nhiều khi phim dành cho giới trẻ, tuổi teen có ngôn ngữ riêng nhưng hội đồng lại cho không phù hợp, quyết định thể hiện khoảng cách lớn với khán giả”, Nguyễn Phong Việt nói.

Đạo diễn Lương Đình Dũng lại cho rằng, việc hội đồng gồm 5 người, 11 người hay 100 người cũng không khác nhau. “Quan trọng là luật cần có quy định, văn bản càng sát, càng rõ ràng càng chi tiết càng tốt. Đặc biệt là quy trình duyệt và sự trao đổi thấu đáo giữa nhà sản xuất và cơ quan quản lý để sản phẩm được duyệt đáp ứng được cả hai bên”, anh nói.

Luật Điện ảnh không quy định cụ thể yếu tố “thuần phong mỹ tục” nên làm khó đạo diễn, các nhà sản xuất. Một đạo diễn từng làm phim kinh dị chia sẻ, tốt hơn cả không làm những điều hội đồng không cho phép. Nhà sản xuất bây giờ buộc phải thay đổi để cố đưa phim ra rạp gỡ gạc kinh phí, hai là dẹp phim luôn. “Phim ảnh bây giờ không chỉ dừng lại ở phản ánh hiện thực, phải là sự dự báo, phản ánh mặt trái xã hội để người xem nhận biết và thay đổi. Hội đồng hiện nay hễ cái gì không giống hiện thực bắt cắt bỏ, cản trở tính sáng tạo của những người làm phim”, Phong Việt phân tích.

________

Một nỗi sợ hãi hay cũng có thể gọi đó là sự ức chế của giới làm phim hay khán giả khi xem thể loại phim kinh dị, trinh thám hoặc có nội dung về giới tính, bạo lực do các nhà sản xuất trong nước thực hiện. Phim chiếu ngoài rạp nhiều khi bị can thiệp khá thô bạo từ cắt xén tới yêu cầu chỉnh sửa. Thất Sơn tâm linh đang chiếu ra rạp sắp được phát hành quốc tế với tên Kumathong là ví dụ. Thế nhưng để phù hợp “thuần phong mỹ tục, văn hóa Việt Nam”, nhà sản xuất phải thay đổi hoàn toàn câu chuyện và thể loại từ kinh dị trở thành hồi hộp.

Một cảnh trong phim hoạt hình "Người tuyết bé nhỏ" để lọt "đường lưỡi bò" nhưng chưa thấy ai chịu trách nhiệm