Thấp thỏm dưới “bom” nước

TP - Đập thủy điện Sông Tranh 2 (Quảng Nam) rò rỉ nước do nứt khe nhiệt, lại thêm động đất liên miên; thủy điện Đak Rông (Quảng Trị) vỡ đập… Hàng loạt hồ chứa thủy lợi ở miền Trung đang xuống cấp, hư hại.

> VN có 7.500 nhà máy thủy điện, hồ chứa trên sông

Nước rò rỉ từ thân đập Tuyền Trung (Quảng Ngãi). Ảnh: Nguyễn Huy.

Bất an dưới đỉnh Thọ An

Mỗi lần mưa lớn kéo dài, người dân làng Thọ An, xã Bình An, (Bình Sơn, Quảng Ngãi) lại lo lắng ngó lên phía đỉnh đèo Thọ An - nơi có hồ chứa thủy lợi Tuyền Trung.

Sau trận mưa tháng 9, hồ chứa bất ngờ xuất hiện nhiều điểm rò rỉ nước từ hai bên thân đập. Tại hiện trường, nước từ các khe rừng đổ về dâng cao, tràn đập, các vết nứt mạn đập xối xả tuôn nước.

Hồ Tuyền Trung được khởi công xây dựng năm 2003, rộng gần 21 ha, với mục tiêu tích trữ và đưa nước ngược núi về tưới tiêu cho 400 ha lúa ở các xã khu Tây huyện Bình Sơn.

Công trình được đưa vào sử dụng từ năm 2008, nhưng theo UBND xã Bình An, từ mùa mưa bão năm 2009, hai vai và thân đập đã xuất hiện nhiều vết nứt và điểm rò rỉ. Sau mỗi mùa mưa bão, các điểm nứt, thấm này gia tăng, chỉ cần nhìn mắt thường cũng có thể thấy những vết nứt toác chạy dài được ngành chức năng vá tạm.

Ông Lê Viết An, Phó chủ tịch xã Đại An, cho biết, xã đã báo cáo lên huyện, Sở NN&PTNT về các sự cố của đập để có biện pháp khắc phục kịp thời.

Hồ Tuyền Trung được đầu tư 13 tỷ đồng do Tổng Cty Cao su Việt Nam làm chủ đầu tư, nhưng từ lúc khánh thành, đưa vào hoạt động đến nay, không có đơn vị chủ quản nhận bảo quản, vận hành và quản lý, nên nhiều hạng mục đập có nguy cơ hư hỏng thêm, nếu không được gia cố.

Không riêng hồ Tuyền Trung, hàng triệu mét khối nước từ hồ Đá Bàn, Hoóc Sầm (xã Đức Tân, Mộ Đức, Quảng Ngãi) có nguy cơ tràn xuống hàng trăm hộ dân, do hồ xuống cấp, thấm nước qua thân đập, sình lầy trào dưới thân tràn xả lũ.

Ông Nguyễn Nhung, Giám đốc Cty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi, cho hay: Hai đập có tuổi thọ trên 30 năm, nhiều hạng mục bị hư hại. Đơn vị phối hợp Ban chỉ huy PCLB địa phương sẵn sàng phương án sơ tán dân trong tình huống khẩn cấp.

Mất an toàn hồ, đập

Theo thống kê từ Ban chỉ huy PCLB&TKCN Quảng Ngãi, tỉnh có 60 hồ chứa nước xuống cấp, trong đó có 30 hồ hư hỏng nặng, xói lở tràn xả lũ, sạt mái thượng hạ lưu đập đất, sụt lún bể tiêu năng... Để khắc phục, Quảng Ngãi cần nguồn kinh phí khoảng 300 tỉ đồng.

Chỉ trong tích tắc, 16 ngôi nhà của các hộ dân thôn Phước Thiện (Bình Hải, Bình Sơn, Quảng Ngãi) bị trận lũ dữ sáng 14-11-2010 quét sạch. Trở lại Phước Thiện hôm nay, xác những ngôi nhà vẫn còn trơ dấu vết. Dân đã vào khu tái định cư.

Ông Ung Văn Lâm (42 tuổi) kể: Mưa lớn từ tối đến sáng, rồi khối nước khổng lồ từ đỉnh núi Động Tranh tấp về làng. Nước thoát không kịp, bị chặn ở dãy nhà sát mé biển và cứ thế cuốn phăng từng mảng tường.

Trưởng thôn Lê Đắc Hòa cho hay: Lo nhất với người làng Phước Thiện bây giờ là tình trạng xâm thực ngày càng mạnh, biển đã kéo sát vào bờ. Hiện có gần 100 nhà bị sạt lở nghiêm trọng.

Thiếu ngân sách triển khai nên hầu hết các hồ vẫn trong diện xuống cấp. Tỉnh Quảng Nam có hơn 70 hồ với tổng dung tích trên 485 triệu m3, phần lớn có tuổi thọ trên 15 năm; do thiếu kinh phí bảo dưỡng, nhiều hồ mất an toàn.

Tại Bình Định, ngoài hai hồ chứa nước lớn hơn 260 triệu m3 là Định Bình và Vĩnh Sơn, còn có trên 130 hồ nhỏ.

Trước mùa mưa bão, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Lộc ra văn bản yêu cầu ngành chức năng tăng cường kiểm tra, rà soát các hồ chứa, tuyệt đối không để hồ thiếu an toàn tích nước trong mùa mưa bão, đồng thời lập các đội xung kích túc trực tại các hồ chứa nguy cơ cao xảy ra sự cố. Hiện Bình Định có đến 30 hồ lớn nhỏ đang xuống cấp.

Tỉnh Phú Yên có trên 100 hồ lớn nhỏ, phần lớn cũng đều xuống cấp, có nguy cơ mất an toàn cao trong mùa mưa bão.

Theo ông Biện Minh Tâm, Giám đốc Sở NN&PTNT Phú Yên, các hồ phân cấp quản lý chồng chéo, như hồ chứa thủy điện thuộc Bộ Công Thương, hồ thủy lợi thuộc Bộ NN&PTNT, các hồ nhỏ do địa phương quản lý.

Do đó, nảy sinh bấp cập trong điều tiết việc xả lũ, cắt lũ, ứng phó khẩn cấp cần sự vào cuộc nhanh của ngành chức năng.

Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT Phú Yên, tỉnh nhiều lần yêu cầu các nhà máy thủy điện xây dựng bản đồ ngập lụt để có phương án sơ tán, di dời dân, đánh giá tác động xả lũ, nhưng các nhà máy đều chưa làm xong.

Hiện, tỉnh chỉ có phương án di dời dân các vùng trũng khi lưu lượng lũ về hạ lưu Sông Ba từ 14.000m3/ giây trở xuống. Nhưng nếu các thủy điện vỡ đập, lưu lượng đổ về cao hơn, thì chưa có phương án cụ thể.

Phương án “cắt lũ” của nhà máy thủy điện đều mang tính tạm thời. Theo nhiều chuyên gia, 2m nước dự phòng đón lũ của nhà máy thủy điện sông Ba Hạ (xả đón lũ từ cao trình thiết kế 105m xuống 103m) là quá ít.

Đợt lũ sau cơn bão số 7 vừa qua, nước về sông Ba Hạ chỉ đạt lưu lượng 2.200m3/giây, nhưng hồ thủy điện sông Ba Hạ đã đầy sau 12 tiếng tích nước.

UBND tỉnh Quảng Nam vừa kiến nghị Chính phủ yêu cầu các hồ chứa thủy điện hạ thấp mực nước đón lũ, bổ sung quy trình vận hành liên hồ chứa nước.

Theo quy hoạch, tổng dung tích các hồ chứa, thủy điện bậc thang trên sông Vu Gia - Thu Bồn là hơn 2 tỷ m3 nhưng dung tích phòng lũ quá nhỏ, khoảng 10%.

“Thiếu nhạc trưởng điều tiết xả lũ giữa các hồ thủy điện nên mạnh ai người lấy xả, gây nguy hiểm cho vùng hạ du chống lũ”, ông Tâm nói.

Sống “treo” dưới ngọn núi sắp vỡ

Dãy núi qua xã Trà Quân (Tây Trà, Quảng Ngãi) có vết nứt kéo dài hơn 1km, rộng 0,5m và sâu 1,5m được đánh giá có khả năng đổ sập bất cứ lúc nào, đặc biệt trong mùa mưa bão.

Nhưng hơn 500 nhân khẩu xã Trà Quân và vùng lân cận Trà Lãnh, Trà Khê, Trà Thanh chưa thể di dời, phải sống “treo” dưới chân núi đứt gãy do dự án khu tái định cư (13,6 tỷ đồng) chưa hoàn thiện. Nhiều hộ dân chỉ cách chân núi vài chục mét.

Theo thống kê tại huyện Tây Trà, trước mùa mưa bão năm nay có 15 điểm nứt núi, sạt lở. Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Quảng Ngãi cho hay, toàn tỉnh có trên 4.800 hộ dân với 21.800 nhân khẩu đang sống trong vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng của thiên tai và biến đổi khí hậu.

Trong đó, có 1.100 hộ ở vùng sạt lở núi, nứt núi; hơn 2.000 hộ ở vùng sạt lở ven biển, còn lại thuộc vùng sạt lở ven sông, suối, vùng lũ ống, lũ quét, ngập lụt sâu.

Theo Báo giấy