Thanh tra xây dựng hết thời 'lấn sân'
> Bát nháo lực lượng tự quản đô thị
> Tuyển dụng 628 công chức năm 2013
Sau ngày 15/5, những người mang phù hiệu thanh tra xây dựng phải đủ chuẩn về trình độ và làm đúng chuyên môn, không còn “tung hoành” qua các lĩnh vực trật tự giao thông, đô thị, vệ sinh môi trường...
Theo nghị định 26 vừa được Chính phủ ban hành, thanh tra xây dựng chỉ có hai cấp: cấp bộ và cấp sở. Điều này đồng nghĩa với việc xóa thanh tra xây dựng cấp quận huyện và phường xã mà hai TP lớn là Hà Nội và TP.HCM đã thí điểm từ năm 2007 đến nay.
Đủ chuẩn mới là thanh tra
Ông Phạm Gia Yên, chánh thanh tra Bộ Xây dựng, cho biết hiện đang xây dựng dự thảo thông tư hướng dẫn thực hiện nghị định 26. Theo nghị định trên, riêng thanh tra của sở xây dựng tại Hà Nội và TP.HCM vẫn được tổ chức thành các đội thanh tra xây dựng đặt tại các quận huyện và có thể là các tổ nhóm thanh tra xây dựng đặt tại các phường xã. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự xây dựng của chủ tịch UBND cấp quận huyện và phường xã vẫn giữ nguyên theo các quy định hiện hành. Các thanh tra viên của sở xây dựng đóng trên địa bàn phường xã và quận huyện vẫn làm công tác quản lý trật tự xây dựng. Vụ việc vi phạm trật tự xây dựng thuộc thẩm quyền xử lý, xử phạt của cấp nào thì thanh tra sở xây dựng sẽ chuyển đến cấp đó.
Hoạt động của thanh tra xây dựng gồm: thanh tra việc thực hiện các quy định pháp luật về quy hoạch, kiến trúc; hoạt động đầu tư xây dựng; phát triển đô thị; quản lý, sử dụng các công trình hạ tầng kỹ thuật; phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở, kinh doanh bất động sản...
Lực lượng thanh tra xây dựng sau khi tổ chức lại theo nghị định 26 sẽ được tinh lọc, tức chỉ giữ lại những người có đủ điều kiện để bổ nhiệm thanh tra viên.
2.100 thanh tra xây dựng không đủ chuẩn đi đâu?
Ông Yên cho biết thêm trong hai TP đang thí điểm thanh tra xây dựng ở quận huyện và phường xã thì trình độ của các nhân viên thanh tra xây dựng ở TP Hà Nội tương đối đồng đều và đạt chuẩn, còn tại TP.HCM thì phải sắp xếp lại nhiều về số lượng.
Thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội cho biết hiện lực lượng thanh tra xây dựng của TP có khoảng 1.300 người được bố trí tại tất cả các phường xã thuộc 29 quận huyện, thị xã. Còn Sở Xây dựng TP.HCM cho biết toàn TP có hơn 2.900 nhân viên thanh tra xây dựng quận huyện và phường xã nhưng chỉ có chín người được bổ nhiệm thanh tra viên. Trong đó, 672 người có trình độ đại học các chuyên ngành, số còn lại có bằng cấp khác (cao đẳng, trung cấp...). Điều này đồng nghĩa với việc có hơn 2.100 nhân viên thanh tra xây dựng cấp quận huyện, phường xã không đủ chuẩn thanh tra viên. Nghị định 26 có quy định thêm về lực lượng cộng tác viên thanh tra xây dựng, trong đó yêu cầu những người này phải là công chức, viên chức, người am hiểu sâu về chuyên ngành được thanh tra Bộ Xây dựng, sở xây dựng trưng tập tham gia đoàn thanh tra.
Trong khi đó, ông Phan Đức Nhạn, phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, cho hay sở này đã góp ý và trình một số phương án sắp xếp lại lực lượng thanh tra xây dựng để Bộ Xây dựng dự thảo, ban hành thông tư hướng dẫn sát với tình hình thực tế. Ngoài lực lượng thanh tra viên còn có lực lượng cộng tác viên thanh tra xây dựng nên sẽ không có chuyện hàng loạt nhân viên thanh tra xây dựng chưa đạt chuẩn thanh tra cấp sở (tức phải có bằng đại học các chuyên ngành theo quy định) sẽ bị sa thải như tin đồn.
Lo không ai “quản” trật tự đô thị
Theo ông Phạm Gia Yên, lực lượng thanh tra xây dựng sắp tới sẽ không thực hiện những nhiệm vụ ngoài quy định của nghị định 26, tức không được xử phạt giao thông, trật tự lòng lề đường... như hiện nay.
Ông Thạch Như Sỹ - phó chánh thanh tra Bộ Giao thông vận tải - cho biết trong đợt thanh tra vấn đề quản lý lòng đường, vỉa hè tại TP.HCM năm 2012, lực lượng thanh tra đã phát hiện trong tổng số vụ việc thanh tra xây dựng cấp phường, quận TP.HCM xử phạt, có tới 99% vụ việc là xử phạt vi phạm về trật tự an toàn giao thông và trật tự vệ sinh môi trường.
Ông Sỹ cũng từng đề nghị trả lại đúng tên, đúng chức năng chuyên môn cho lực lượng này là việc phải làm. Tuy nhiên, cũng có ý kiến lo lắng công tác bảo đảm an ninh trật tự lòng lề đường, an toàn vệ sinh... sẽ không có người quản.
Ông Trần Hoàng Quân, phó chủ tịch UBND quận 4, cho rằng do đặc thù của TP.HCM và Hà Nội, chính quyền nên duy trì lực lượng trật tự đô thị giống như đội trật tự đô thị ở cấp quận huyện trước khi thành lập thanh tra xây dựng. Lực lượng này sẽ như đội cơ động của UBND các cấp, do chủ tịch UBND các cấp trực tiếp điều động, có thẩm quyền xử phạt những hành vi vi phạm về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường... Đây cũng sẽ là lực lượng thực hiện các quyết định hành chính của chủ tịch UBND các cấp.
Lãnh đạo nhiều quận huyện khác cũng đồng tình với ông Quân, vì theo họ, việc điều động lực lượng của những ngành khác phải qua nhiều tầng nấc thủ tục, không cơ động trong những trường hợp cấp bách, cần ngay người để bảo vệ hiện trường... Lãnh đạo một quận trung tâm đề xuất thành lập đội trật tự đô thị từ những nhân viên thanh tra xây dựng không đủ chuẩn nhưng có kinh nghiệm, công tác nhiều năm trong lĩnh vực trật tự xây dựng, có đạo đức tốt.
Khác với các ý kiến trên, một lãnh đạo UBND quận 5 lại cho rằng không cần thiết phải lập một đội trật tự đô thị riêng của UBND. Thật ra, chức năng giữ gìn an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường hiện đã được giao về cho các lực lượng như công an khu vực, cảnh sát giao thông, bảo vệ dân phố hoặc phòng tài nguyên - môi trường. Chỉ cần củng cố, tập huấn để các lực lượng hiện có phát huy chức năng, nhiệm vụ của mình là đủ, không nên thêm một lực lượng cho bộ máy cồng kềnh.
45 nhân viên nhưng chỉ 2 lo trật tự xây dựng
Hiện tại thanh tra xây dựng của các quận huyện, phường xã ngoài quản lý trật tự xây dựng còn phải thực hiện nhiều nhiệm vụ do UBND các cấp giao. Phổ biến là công tác xử lý lấn chiếm lòng lề đường, xử phạt giao thông, vệ sinh môi trường, tham gia cưỡng chế giải phóng mặt bằng cho các dự án, thu phí đậu xe... Ở một số quận huyện, số lượng nhân viên thanh tra xây dựng làm công tác quản lý trật tự xây dựng chỉ chiếm 1/10 số lượng nhân viên.
Thanh tra xây dựng quận 1 (TP.HCM) hiện đang quản lý quân số hơn 440 người (cả quận và phường) vừa là công chức, vừa là cộng tác viên làm việc theo hợp đồng. Riêng thanh tra xây dựng cấp quận có 182 nhân viên thì chỉ có một tổ kiểm tra xây dựng với 12 người, có đến sáu tổ quản lý trật tự lòng lề đường, một tổ quản lý thu phí đậu xe ở lòng đường và 84 người là nhân viên trực tiếp thu phí đậu xe. Một phường trung tâm của quận 1 có đến 45 nhân viên thanh tra xây dựng nhưng chỉ có hai người phụ trách lĩnh vực trật tự xây dựng. Trong năm 2011, Thanh tra xây dựng quận 1 xử phạt gần 14.000 trường hợp vi phạm an toàn giao thông, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, trong khi đó chỉ kiểm tra hơn 360 lượt công trình xây dựng. Trong năm 2012, xử lý hơn 9.600 vụ vi phạm trật tự đô thị và kiểm tra hơn 2.800 lượt công trình xây dựng.
Theo Tuổi Trẻ