Sáng 11/5, UBND TPHCM tổ chức hội nghị công bố kết quả đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở ban ngành, địa phương (DDCI) trên địa bàn thành phố năm 2022; triển khai các giải pháp cải thiện, nâng cao chỉ số PAR Index và hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) và chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của thành phố năm 2023.
Đây là năm đầu tiên TPHCM tổ chức triển khai đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban ngành và địa phương. Kết quả đánh giá giúp các cơ quan chính quyền thành phố nhận diện các nhóm vấn đề và nghiên cứu, đề xuất giải pháp tháo gỡ nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của thành phố.
Theo đó, kết quả chỉ số DDCI của TPHCM năm 2022 được công bố cụ thể như sau:
Về khối sở, ban ngành: Sở Khoa học và Công nghệ đứng thứ nhất với 84,20 điểm, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp xếp hạng nhì với 81,87 điểm. Sở Công Thương xếp hạng ba với 80,74 điểm. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội xếp cuối bảng với 51,75 điểm.
Đối với khối địa phương, quận Phú Nhuận xếp hạng nhất với 78,56 điểm. Các địa phương có thứ hạng cao tiếp theo là: quận 11, 10, Tân Phú. Trong khi đó, TP. Thủ Đức đứng cuối bảng với điểm số 49,69.
Trao đổi về kết quả DDCI 2022 của thành phố, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) Nguyễn Ngọc Hòa cho rằng các sở ngành, địa phương cũng không quá lo lắng với kết quả chưa khả quan.
Cũng theo ông Hòa, với kết quả khảo sát này, thông qua các phiếu khảo sát nên xem xét trở lại để bổ sung hoàn thiện các tiêu chí đánh giá. Đồng thời khảo sát này cũng nên trở thành một công việc định kỳ hằng năm của thành phố như việc khám sức khỏe định kỳ để có lưu ý, cảnh báo và làm tốt công việc được giao.
Chủ tịch HUBA cũng nhìn nhận bộ tiêu chí DDCI cần được liên tục cập nhật, bổ sung trong thời gian tới. Từ đây, mỗi đơn vị, sở ngành cũng nên nhìn lại để làm việc với đơn vị tư vấn nhằm cụ thể hóa thành các chương trình cụ thể.
DDCI là bộ chỉ số tổng hợp sử dụng để đánh giá các khía cạnh khác nhau về năng lực điều hành kinh tế và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của các sở, ban ngành, địa phương.
Bộ chỉ số DDCI được tỉnh Quảng Ninh, Lào Cai triển khai thử nghiệm lần đầu tiên năm 2015 và triển khai chính thức từ năm 2016 đến nay. Đến nay đã có 53/63 tỉnh, thành trên cả nước đã họp tập và triển khai áp dụng mô hình này.
DDCI được xây dựng dựa trên các nguyên tắc: Nguyên tắc tuân thủ, gắn kết trách nhiệm, khả thi, chính xác, khoa học và minh bạch, có ý nghĩa, bảo mật.
Bộ chỉ số gồm các chỉ số thành phần: tính minh bạch và tiếp cận thông tin; ứng dụng CNTT và chuyển đổi số (chỉ số riêng có ở TPHCM); chi phí không chính thức; chi phí thời gian; cánh tranh bình đẳng; hỗ trợ doanh nghiệp; thiết chế pháp lý; tính năng động, sáng tạo và hiệu lực của sở, ban ngành; vai trò người đứng đầu.