“Người trèo cây không lo ngã, người dưới đất lại lo. Đề nghị Chính phủ cho TPHCM tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Nếu không quyết liệt, không giải quyết được ùn tắc giao thông. Đường không đủ, xe đỗ dứt khoát phải ùn tắc. Tôi đề nghị rà soát tổng nguồn thu từ cho thuê lòng đường, vỉa hè để đỗ xe, kinh doanh buôn bán. Nếu cần, cấm luôn. Cứ khoán, đường xá, vỉa hè thành nơi kinh doanh, đỗ xe hết, đường đâu để đi. Phải rà soát toàn bộ mặt bằng cho thuê, không hiệu quả thì thu hồi. Hiện quỹ đất TPHCM đang thiếu. Bên cạnh đó, UBND TPHCM cần sớm triển khai xây dựng các bãi đỗ xe thông minh kết cấu thép, rất hiệu quả để đáp ứng nhu cầu đỗ xe của người dân”, ông Thăng nói. Ông nhấn mạnh: Nếu “đầu tàu” không khỏe, làm sao kéo nổi nền kinh tế. Có cơ chế đặc thù, “đầu tàu” mới có sức kéo, chẳng hạn Trung ương cứ giao Chủ tịch UBND thành phố chịu trách nhiệm lựa chọn nhà thầu; sai thì Chủ tịch thành phố chịu trách nhiệm. Ông cho biết, trong 7 chương trình đột phá của TPHCM, quan trọng số một là giao thông. Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nói: “TPHCM cần cơ chế đặc thù, trước mắt cần Bộ GTVT hỗ trợ, không thể thấy khó là bó tay”. Theo ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TPHCM, để phát triển hạ tầng giao thông, từ nay đến năm 2030, thành phố cần ít nhất 44 tỷ USD.
Sáng cùng ngày, gặp gỡ các cháu thiếu nhi, ông Thăng ghi nhận nhiều ý kiến phàn nàn về giao thông, rằng nhiều vấn đề trong tầm tay, không tốn tiền nhưng không ai chịu làm. “Hệ thống biển báo, Tổng cục Đường bộ vào đi, xác định bao nhiêu biển báo không phù hợp, cứ nhổ vứt đi rồi gắn sau. Người dân lưu thông đã quá mệt mỏi rồi. Phân cấp, cần đẩy mạnh, đụng một tý là chạy ra, tốn bộn tiền và mất thời gian. TPHCM làm, nếu sai, các ông cứ thổi còi”, ông Thăng nói.