8h45', anh Phan Văn Mãi - Bí thư T.Ư Đoàn giới thiệu về Mạng chuyên gia khởi nghiệp
Anh Phan Văn Mãi cho biết, khởi nghiệp và lập nghiệp là việc lớn. Trong quá trình hội nhập hiện nay, việc khởi nghiệp của người trẻ vừa có nhiều thuận lợi vừa có nhiều khó khăn. Việc quan tâm đồng hành với thanh niên lập thân lập nghiệp là một trách nhiệm của Trung Ương đoàn. Vì vậy Mạng chuyên gia đã ra đời nhằm hỗ trợ miễn phí và chia sẻ kinh nghiệm về khởi nghiệp cho thanh niên.
Ngay sau buổi giới thiệu, các chuyên gia cao cấp của Mạng Chuyên gia khởi nghiệp sẽ giao lưu với đại diện sinh viên các trường Đại học tại Hà Nội với chủ đề: “Thanh niên khởi nghiệp trong thời kỳ suy giảm kinh tế: Cơ hội và Thách thức”.
Tại Chương trình Giao lưu hôm nay, các bạn thanh niên, sinh viên khởi nghiệp sẽ được nghe đồng chí Vũ Khoan, Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ nói chuyện về vai trò của thanh niên khởi nghiệp đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; PGS.TS Nguyễn Mạnh Quân, trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội tham luận về tình hình kinh tế của đất nước, những thách thức và cơ hội đối với thanh niên khởi nghiệp; GS. Hà Tôn Vinh, Chủ tịch, Tổng giám đốc Tổ hợp Giáo dục, Đào tạo và Tư vấn Stellar Management cung cấp những kỹ năng khởi nghiệp trong thời kỳ suy giảm kinh tế hiện nay.
Muốn lập nghiệp, trước tiên phải lập nhân cách
Đó là lời nhắn nhủ của nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đối với các bạn thanh niên trong buổi giao lưu. Nguyên Phó Thủ tướng cho biết các bạn hãy bắt đầu những hoài bão lớn lao từ những việc làm nhỏ nhất, như “Hãy nói chứ đừng chửi thề; Hãy nhặt rác chứ đừng xả rác; Hãy trồng cây chứ đừng chặt cành; Hãy đi chứ đừng chen”.
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan tán thành ý tưởng lập Mạng chuyên gia và cho rằng lập nghiệp luôn là khát vọng cháy bỏng nhất của thanh niên, sinh viên. Với Mạng chuyên gia, các bạn thanh niên có thể gặp được hàng triệu người có kinh nghiệm. “Thế hệ chúng tôi bảo vệ tổ quốc. Và hiện nay trong sự nghiệp phát triển đất nước, công nghiệp hóa, hiện đại hóa thuộc về thế hệ 8x, 9x. Tương lai của đất nước do thanh niên quyết định”.
Trong giai đoạn toàn cầu hóa, chúng ta có thể tận dụng các thành tựu của thế giới để phát triển, lập nghiệp. Với nền kinh tế nhiều thành phần hiện nay, các bạn trẻ cũng có rất nhiều cơ hội lựa chọn con đường lập nghiệp của mình. Tuy nhiên để có được con đường lập nghiệp đúng, các bạn trẻ nên chọn con đường khởi nghiệp theo nhu cầu của thị trường.
Không thể sử dụng tấm bản đồ cũ để tìm ra một miền đất mới
Trong tham luận của mình GS. TS Hà Tôn Vinh cho rằng các bạn trẻ cần có một bản đồ tư duy và bản đồ hành động cho mình. Tuy nhiên không thể sử dụng tấm bản đồ cũ để tìm ra một miền đất mới. Vì vậy bản đồ phải của chúng ta, phải do chúng ta tìm lấy, và phải xác định là hành động cho mình.
Phải luôn tìm được cái mới. Hiện nay internet khắp nơi, mạng chuyên gia có khắp nơi, các bạn có thể tham khảo rất nhiều từ những ý tưởng đã có.
GS.TS Hà Tôn Vinh cũng đưa ra nhiều ví dụ sinh động về ý tưởng lập nghiệp mới lạ và đã thành công rực rỡ như Walter Elias Disney đã sáng lập ra cả một thế giới hoạt hình, Tập đoàn FedEx của Mỹ, và gần hơn là FPT của Việt Nam.
“Thượng đế cho chúng ta giác quan, chúng ta phải vận dụng tất cả các giác quan đó để tìm kiếm, suy tư, tham khảo và kết nối lắp ráp các ý tưởng để lập nghiệp”.
Vấn đề đặt ra là khởi nghiệp nhưng có tồn tại được không?
Đó là câu hỏi mà Phó Giáo Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Quân (Đại học Kinh tế Quốc dân) đặt ra trong tham luận của mình.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam phát triển mạnh. Cho đến nay có khoảng 550.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ. Như vậy, trong 10 năm doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển 550%. Điều đó cho thấy, nền kinh tế phát triển mạnh trong đó thanh niên đóng vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, 20 % doanh nghiệp không thể hoạt động được, số khác thì hoạt động khó khăn hoặc không hoạt động được nữa. Vấn đề đặt ra là khởi nghiệp nhưng có tồn tại được hay không.
Trước khi lập nghiệp, các bạn nên đặt ra câu hỏi ta lập nghiệp với hoài bão, động cơ gì? “Theo tôi, nếu mục đích chỉ là làm giàu thì doanh nghiệp rất khó để phát triển. Bởi doanh nghiệp chỉ tồn tại được khi đóng góp cho xã hội, mang lại lợi ích cho đối tượng hướng tới để phục vụ.
10h buổi giao lưu giữa chuyên gia và các bạn sinh viên diễn ra sôi nổi với nhiều chủ đề khác nhau, từ việc làm thế nào để khởi nghiệp cho tới nữ giới có nên làm kinh doanh, hay có nên kinh doanh ngay khi bước chân vào cổng trường đại học, việc quản lý quỹ thời gian sao cho hiệu quả.
Trước câu hỏi làm cách nào để khởi nghiệp, các chuyên gia cho rằng, không nhất thiết cứ phải làm kinh doanh. Cái quan trọng nhất là phải tìm được hướng đi phù hợp với sử trường của mình, tùy theo khả năng của từng người mà phát triển. Có rất nhiều hướng phát triển cho các bạn trẻ lựa chọn.
Các chuyên gia cũng cho rằng, để tạo dựng được thương hiệu cho bản thân trong kinh doanh cũng như làm thế nào để có thể vay vốn sản xuất, trước hết, bản thân các bạn trẻ phải mang lại niềm tin cho người khác, trước hết là gia đình, người thân, bạn bè, và sau là hình thành sự tin tưởng nơi đối tác. Dựa vào hình ảnh, thương hiệu của mình, sẽ tạo được niềm tin và vay được vốn.
Trong cuộc giao lưu, Trần Thanh Nga sinh viên năm nhất, Học viện Ngân hàng thắc mắc, là liệu có nên kinh doanh ngay khi bước chân vào giảng đường đại học?
Trả lời câu hỏi này, PGS.TS Nguyễn Mạnh Quân (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) chia sẻ các hoạt động các bạn cho là kinh doanh như bán đĩa CD, sách... thực chất chỉ là các hoạt động kinh tế nhỏ lẻ, chưa thể gọi là kinh doanh. Và các hoạt động này cũng tốn rất nhiều thời gian của các bạn, vì vậy hãy tìm cách khởi nghiệp vững chắc hơn. Hiện nay có nhiều trường đang tiến hành liên kết với các doanh nghiệp. Đây sẽ là cơ hội rất lớn cho các sinh viên tham gia vào công việc kinh doanh để học hỏi kinh nghiệm trong 4 năm ngồi trên giảng đường.”
Về vấn đề sử dụng thời gian thế nào cho hợp lý, các chuyên gia chia sẻ “Sinh viên thường lãng phí thời gian. Khối lượng công việc làm hàng ngày quá ít, hình như sinh viên chưa đặt mình vào thử thách.”
Các chuyên gia cũng tổng kết, muốn có con đường khởi nghiệp vững chắc các bạn trẻ cần có "Ý tưởng đủ mức táo bạo, độc đáo, có ý chí kiên định, vượt qua khó khăn, phải sống thật".
11h buổi giao lưu kết thúc. Tuy nhiên các bạn trẻ đều có thể đặt câu hỏi và nhận sự tư vấn hỗ trợ của các chuyên gia khi tham gia Mạng Chuyên gia khởi nghiệp.
Mạng Chuyên gia khởi nghiệp nằm trong Dự án “Tư vấn, hỗ trợ thanh niên khởi sự doanh nghiệp và lập nghiệp” của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thực hiện Đề án “Hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm giai đoạn 2008 – 2015” theo Quyết định 103/2008/QĐ – TTg ngày 21-7-2008 của Thủ tướng Chính phủ, nhằm kết nối các chuyên gia hàng đầu, doanh nhân thành đạt – những người có tâm huyết tư vấn, hỗ trợ miễn phí và chia sẻ kinh nghiệm về khởi nghiệp cho thanh niên.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cao cấp của Mạng Chuyên gia khởi nghiệp sẽ trả lời các câu hỏi do bạn đọc gửi tới Mạng Chuyên gia khởi nghiệp và các câu hỏi của thanh niên, sinh viên khởi nghiệp trực tiếp tham gia Chương trình Giao lưu. Qua đó, sẽ cung cấp thêm những kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm khởi nghiệp, giúp các bạn trẻ nuôi dưỡng niềm đam mê kinh doanh, ước mơ lập thân, lập nghiệp làm giàu chính đáng.