Tháng 4, miền Bắc đón nắng nóng diện rộng

TP - Từ tháng 3, tại Tây Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ xuất hiện đợt nắng nóng diện rộng đầu tiên. Sang tháng 4, nắng nóng diện rộng sẽ xuất hiện ở Đông Bắc Bộ, trong đó có Hà Nội.
Hà Nội và các tỉnh Đông Bắc Bộ có thể đón đợt nắng nóng diện rộng đầu tiên trong tháng 4. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, do ảnh hưởng của hiện tượng ENSO nghiêng về pha nóng nên nhiệt độ trung bình từ tháng 3-8/2020 trên phạm vi toàn quốc phổ biến ở mức cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,5-1 độ C. Đợt nắng nóng diện rộng đầu tiên đã xuất hiện ở Tây Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ từ 7-9/3, trong đó nhiều nơi ghi nhận nhiệt độ cao như Hòa Bình 37 độ, Bắc Mê (Hà Giang) 37,2 độ, Đông Hà (Quảng Trị) 38,9 độ, Nam Đông (Thừa Thiên - Huế) 38,1 độ. Dự báo nhiệt độ trung bình trên cả nước từ nay đến đầu tháng 4 sẽ cao hơn với trung bình nhiều năm từ 1-2 độ.

Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Khí hậu của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, tại các tỉnh phía Đông Bắc Bộ trong đó có Hà Nội sẽ có đợt nắng nóng diện rộng trong tháng 4. Tuy nhiên, nắng nóng dự báo không gay gắt và không kéo dài. Sang tháng 5, tháng 6 nắng nóng gia tăng về cả phạm vi, cường độ và thời gian ở khu vực này.

Cơ quan dự báo khí tượng nhận định, từ nay cho đến đầu tháng 4, các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ có khả năng chịu ảnh hưởng từ 4-5 đợt không khí lạnh. Tuy nhiên, do qua thời kỳ chính đông nên các đợt không khí lạnh có cường độ không quá mạnh, không gây rét sâu mà chủ yếu gây mưa dông. Đợt không khí lạnh gần nhất sẽ tràn xuống nước ta vào đêm 13/3 khiến các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ có mưa và mưa nhỏ rải rác, trời mát.

Đợt không khí lạnh tiếp theo vào ngày 17/3, kết hợp với hội tụ gió trên cao có khả năng gây mưa rào và dông diện rộng ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ. Trong cơn dông có thể có tố, lốc, mưa đá và gió giật mạnh.

Trong khi đó, từ nay đến đầu tháng 4, Nam Bộ có khả năng xuất hiện nhiều ngày nắng nóng, tập trung ở miền Đông Nam Bộ. Tình trạng ít mưa, nắng nhiều, độ ẩm thấp và bốc hơi mạnh khiến khô hạn và xâm nhập mặn vẫn diễn ra gay gắt tại các khu vực này trong thời gian tới. Tây Nguyên thời gian tới cũng nắng nhiều.

Việt Nam đón mùa thiên tai bất thường

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, Việt Nam đang và sẽ đón một năm nhiều thiên tai. Đợt không khí lạnh tràn xuống nước ta ngày 2-3/3 kết hợp với hội tụ gió trên cao đã gây ra một đợt mưa dông diện rộng khắp Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, trong đó nhiều tỉnh miền núi phía Bắc có mưa đá như Lai Châu, Lào Cai. Đặc biệt, mưa đá xuất hiện trên diện rộng, cường độ mạnh, gây thiệt hại lớn về nhà cửa, hoa màu. Riêng tại Hà Nội, dù không xảy ra mưa đá nhưng lượng mưa lên đến 140mm ngày 3/3 là chưa từng xảy ra kể từ năm 1971.

Trước đó, trong dịp tết Nguyên đán Canh Tý, ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ xuất hiện mưa rào và dông trên diện rộng, với tổng lượng mưa phổ biến từ 50-100mm, một số nơi có mưa lớn hơn như Đình Lập (Lạng Sơn) 129mm, Láng (Hà Nội) 141mm, Nam Định 133mm, Hà Nam 114mm, Thái Bình 109mm. Nhiều địa phương xuất hiện mưa đá như Bắc Kạn, Phú Thọ, Thái Nguyên. “Đây là hiện tượng chưa từng được ghi nhận trong chuỗi số liệu quan trắc của ngành khí tượng thủy văn”, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nói.

Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, mưa đá và mưa lớn liên tiếp xuất hiện hai lần vào cuối tháng 1 và đầu tháng 3 vừa qua là hiện tượng rất hiếm gặp, báo hiệu một năm có nhiều thiên tai. Ông Hưởng cũng lưu ý, từ nay đến tháng 5 là thời kỳ chuyển mùa, nguy cơ xuất hiện mưa đá, dông lốc ở các tỉnh Bắc Bộ rất cao, đặc biệt là với các tỉnh vùng núi phía Bắc.