Ừ, đúng rồi, chính là Gregor Samsa, anh chàng làm nghề chào hàng một buổi sáng thức dậy thấy mình bị biến thành con bọ khổng lồ xấu xí trong tác phẩm "Hóa thân" của F. Kafka. Vậy là cuộc kiếm tìm nhân dạng con người vẫn nối dài đau đớn suốt trăm năm từ Kafka sang Murakami, từ Tây sang Đông, cũng như biết bao con người vô danh khác. Tìm kiếm và giải thoát, khỏi tốc độ rạn nứt lan dài của nhân tính…
Gregor Samsa của Murakami không chết như Gregor Samsa của Kafka. Giữa thế giới đang gãy đổ răng rắc bên ngoài cửa sổ với cái lưng đang rời đi của Chúa và bóng xe tăng chồm tới, Samsa bắt đầu học làm người, từ những bước đi bằng hai chân, cách mặc quần áo. Và bản năng yêu. Điều đó được thức dậy bởi một cô gái lưng gù dị dạng bỗng dưng gõ cửa ngôi nhà trống rỗng chỉ một mình Samsa trong tình thế vừa "biến hình" trở lại làm người, để sửa ổ khóa căn phòng nào đó bị kẹt. Mà cả hai đều không biết ai đã gọi đến dịch vụ này, giữa lúc mọi thứ đang náo loạn ngoài kia.
“Lạ lắm phải không?” – cô buồn bã nói – “Mọi thứ quanh ta đang nháo nhào lên, nhưng có người quan tâm đến một cái ổ khóa bị hóc, rồi lại có người đến sửa nữa chứ… Nhưng có lẽ nên như thế. Có lẽ chăm chú vào những thứ nhỏ bé với bổn phận và sự thành thực hết mình là cách để chúng ta cảm thấy bình an trong lúc thế giới sụp đổ”.
Ừ, thế giới vẫn luôn vậy suốt triệu năm, hay chỉ thời hiện đại mới thành như vậy? Vẫn nhà cháy, người chết. Vẫn bắt cóc, giết người và tự sát. Vẫn tranh cãi về sách giáo khoa, về dạy thêm và lạm thu tiền đóng góp đầu năm. Vẫn bỏ núi tiền mua biển số đẹp. Vẫn bại hoại tham nhũng, tham ô…
Thế gian có lẽ luôn vậy, có chăng chỉ khác nhau về tên gọi những hiện tượng, nhưng vẫn tin rằng con người sẽ không bị ruồng bỏ. Gregor Samsa của Murakami như vậy. María dos Prazeres của G. Márquez cũng như vậy.
María dos Prazeres từ một cô bé bị bán khỏi rừng già Amazon hơn nửa thế kỷ trước, nay thành bà lão gần một đời mắc lại nơi thành Barcelona với nghề bán phấn buôn hương. Bà mua sẵn một nấm mộ cho mình, chăm chút trồng hoa tưới nước và đến thăm nom nơi ấy thường xuyên. Bà còn luyện cho con chó Noi của mình thuộc lòng đường đến nghĩa trang, cách đào huyệt mộ cho bà, và dạy nó khóc sau khi bà chết. Sắp đặt tất cả, và trên chuyến xe tưởng chừng cuối cùng, cứ ngỡ anh chàng lái xe cho bà quá giang có nét đẹp của “một tượng đồng La Mã” trong buổi tối mưa gió ấy là Thần chết sẽ mang mình đi như linh cảm từ lâu, nhưng không phải. Sau bao nhiêu năm bị ruồng bỏ và chờ đợi, sẽ là khoảnh khắc "thiên thu vĩnh cửu" của tình ái, tình người.
Truyện ngắn này của Marquez in trong tập “Những người hành hương kỳ lạ”. Mong mỏi và sứ điệp những cuộc hành hương của loài người, là gì?
Nhớ lại chính ngày này cách đây tròn 8 năm (24/9/2015), có tới 2.200 người đã thiệt mạng do bị chèn ép, giẫm đạp trong lễ hành hương Haji tại Thánh địa Mecca. Việc xô lấn để thực hiện nghi lễ “ném đá vào quỷ dữ” được cho là tác nhân chính gây ra thảm họa.
Quỷ dữ ở đâu, trong cuộc hành hương thăm thẳm kiếm tìm nhân dạng của mỗi chúng ta?