Tham gia lễ hội: Cần sự gương mẫu của lãnh đạo

TP - Đúng như dự đoán của nhiều người lễ Khai ấn đền Trần Nam Định năm nay vẫn lặp lại cảnh chen lấn, xô đẩy, nhảy rào, cướp lộc,… Những cảnh, những việc phản cảm như trên không biết từ lúc nào đã trở nên quen thuộc.
Lễ hội cướp phết (Tam Nông, Phú Thọ). ẢNH: như ý, công khanh

Phải chăng lễ hội là tấm gương phản chiếu xã hội với cảnh tượng hôi của, cướp giật, tham nhũng tới mức nhức nhối. Theo một số nhà văn hóa, khi tham gia lễ hội nói chung, các cán bộ, lãnh đạo phải gương mẫu để định hướng đám đông.

Sáng 14/2, từ 6 giờ sáng, Ban tổ chức Lễ Khai ấn đền Trần bắt đầu phát ấn cho người dân tại ba nhà Giải vũ - Nhà trưng bày hiện vật thời Trần (tại đền Trùng Hoa) do các cụ Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi phường Lộc Vượng, TP Nam Định thực hiện. Trước đó, nhiều người đã đợi từ nửa đêm, đứng đợi xếp hàng để có được lá ấn dù họ đã có một đêm mệt lử.

chen lấn cướp ấn ở đền Trần (Nam Định). ẢNH: như ý, công khanh

Mặc dù việc phát ấn năm nay đã ổn định hơn so với các năm, nhưng vào khoảng 6 tới 7 giờ sáng vẫn còn cảnh nhiều người cố đu bám, len lỏi, chen ngang, giẫm đạp lên nhau để tiếp cận với khu vực phát ấn. Chỉ sau khi có sự can thiệp của lực lượng cảnh sát cơ động, tình trạng này mới giảm.

Việc phát ấn được thực hiện theo quy trình đơn giản, người dân tới bỏ tiền vào hòm công đức và được các cụ thủ từ phát từ 1 đến 2 lá ấn. Cũng có người sẽ có nhiều lá ấn hơn tùy vào quan hệ và “độ nặng” của tiền công đức.

Dù phải chen lấn, xô đẩy, chịu sự giẫm đạp, phải chờ đợi nhưng trên khuôn mặt những người có lá ấn không ai có chút biểu hiện mệt mỏi. Thay vào đó là sự thăng hoa, hả hê vì có trong một thông điệp ngầm về quyền lực, sự may mắn về chức quyền.

Ban tổ chức liên tục phát đi thông tin về việc nghiêm cấm mua bán ấn, nhưng việc mua ấn cũng không khó khăn gì, nếu có nhu cầu du khách vẫn có thể mua một lá ấn với giá 50.000 đồng/bản. Trước đó, nhiều người dân tại Nam Định khẳng định với phóng viên nếu muốn có bao nhiêu ấn cũng được nhưng quan trọng là phải biết “cửa” và có tiền, không việc gì phải chen lấn.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Tiền Phong về tình trạng nhiều người dân có ấn đền Trần trước đêm Khai ấn, bà Cao Thị Tính - Trưởng Ban tổ chức Lễ hội Khai ấn đền Trần khẳng định: “100% không có ấn phát ra từ đền Trần (Lộc Vượng, Nam Định) trước đêm khai ấn. Nếu có thì đó không phải là ấn thật, hoặc có thể ấn từ nơi khác đưa về”.

Cướp lộc và hôi của

Đến lễ Khai ấn đền Trần, khác với những hội khác là du xuân, dường như mỗi người chuẩn bị tâm thế “sẵn sàng chiến đấu” để vượt qua biển người cướp ấn, cướp lộc. Bởi không phải ai chỉ qua một đêm nắm trong tay một phần may mắn, một cảm giác thăng hoa khi có trong tay ấn tín, được sở hữu quyền lực (dù là hư ảo) một cách nhanh nhất thông qua một lá ấn in trên tấm giấy màu vàng.

Sáng 14/2 người dân giẫm đạp, chen lấn để có lá ấn đền Trần

Không chỉ ở đền Trần Nam Định, chúng ta gặp ở đền Bà Chúa Kho cảnh người dân chen nhau vào xin xỏ vay mượn thánh thần, xỉa tiền vào tượng Phật tại chùa Bái Đính, chấp nhận đòn roi để giằng kiệu hoa tre tại hội Gióng...

Có nhiều cách lý giải khác nhau, có ý kiến cho rằng, đó là sự bật gốc, đứt đoạn về văn hóa. Khi người dân cứ thấy đền chùa lễ hội là lao vào cúng bái như thiêu thân, không cần hiểu nơi đây là nơi nào, có lịch sử ra sao, thờ ai.

Có mặt tại đền Trần những ngày qua, chúng tôi thấy nhiều người còn gọi đây là chùa, nhiều người tới đâu cũng phải sờ, phải cọ dù đó là chuông, lư, cho tới tượng đức vua, đức thánh… Theo họ thế mới là may. Nhưng rồi cũng chính những người luôn khấn bái lại sẵn sàng leo lên ban thờ cướp lộc, cướp ấn, giành giật về mình những phần hơn…

GS.TS Ngô Đức Thịnh - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hoá tín ngưỡng Việt Nam nhận định lễ hội đang phản chiếu nhân tâm xã hội. Mà theo ông đó là sự thực dụng thay cho chiêm tưởng, sự cầu xin, vay mượn thay cho lao động, sự xô bồ, kệch cỡm thay cho du ngoạn, thưởng thức.

Còn PGS - TS Nguyễn Quốc Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo nhận định cần sự gương mẫu của lãnh đạo trong các lễ hội. Ông Tuấn cho rằng, trong lễ khai ấn đền Trần nếu nửa đêm cán bộ, lãnh đạo vẫn tham gia chen lấn, tranh cướp ấn thì hà cớ gì người dân không làm theo và sự đông đúc lộn xộn vẫn xảy ra như cũ. Điều đó cũng có thể tạo ra dư luận xã hội theo hướng tiêu cực về lễ hội, về sự gương mẫu của những công bộc của dân.

Trong lễ khai ấn đền Trần nếu nửa đêm mà cán bộ, lãnh đạo vẫn tham gia chen lấn, tranh cướp ấn thì hà cớ gì người dân không làm theo, và sự đông đúc lộn xộn vẫn xảy ra như cũ.