Tết ta - mất và được

TP - Dù muốn hay không, thích hay ngại, hằng năm người Việt vẫn đón Tết. Với những giá trị, phong tục không ngừng biến chuyển phản ánh sự thay đổi của con người, xã hội.
Lên chùa cầu may đầu năm, phong tục đẹp vào dịp Tết của người Việt Ảnh: Nguyễn Mạnh Hà

Một cuộc tọa đàm vừa được tổ chức tại Hà Nội sơ bộ điểm lại những được, mất và những gì cần giữ trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc. Điểm chung của các diễn giả là đều có bài tham gia ấn phẩm Tết đoàn viên vừa ra mắt.

Tết không còn (là) nhất

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn khơi dòng hoài niệm Tết từ nồi bánh chưng nhà mình: Khi bánh chín vào 4-5 giờ sáng, lũ trẻ háo hức được bố phát cho mỗi đứa một chiếc bánh con, dặn để đến sáng mai hẵng ăn “cho cả năm gia đình mình no ấm”. Mới đây, em trai nhà thơ bàn với các chị nổi lửa nấu bánh cho các cháu hưởng không khí Tết xưa. 

Nhưng: “Mấy chị em đều bảo thôi, bây giờ nấu bánh chưng chúng nó không thức được đâu. Có thức cũng không ra sân để chờ bánh chín, mà sẽ chơi Ipad, chơi game, đứa nào ngoan thì đọc truyện. Vì ngày nào cũng ăn bánh chưng, chúng nó cũng chán rồi”, chị thuật lại.

Họa sĩ Đỗ Phấn cho rằng, không hẳn do ngày xưa ăn bánh chưng nhiều, mà việc gói bánh chưng còn có tính chất tạo ra một không khí đầm ấm đoàn viên ngày Tết. “Tết của ta bây giờ thiếu là thiếu không khí chứ không phải quần áo hay đồ ăn thức uống. Thời bao cấp có những năm muốn có chút thịt lợn gói bánh phải nhịn cả mấy tháng để dành tem phiếu Tết mua. Cái ăn khi đó được đặt lên tầm rất cao, người ta lo lắng rất vất vả cho việc ăn Tết. Bây giờ chúng ta muốn ăn Tết bất kỳ ngày nào cũng có đầy đủ từng ấy món. Thậm chí Tết chả cần làm gì, đi một vòng chợ Hàng Bè có thể mua cả những món nấu nướng rất cầu kỳ của người Hà Nội mang về cho vào nồi đun lên là xong”, ông Phấn cho biết.

Theo Đỗ Phấn, chính đời sống sung túc góp phần làm mất đi không khí của ngày Tết, khi không còn cảnh toàn gia tụ tập làm mâm cơm cúng. Việc người trẻ đi chơi xa dịp Tết cũng khiến ông chạnh lòng. “Người lớn tuổi như chúng tôi cảm thấy mất mát khá nhiều. Không có không khí Tết nữa thì ở nhà rất chán. Không có trò gì chơi, không cây nêu, không pháo nổ, không (gói) bánh chưng...”, ông Phấn nói. 

Tết người Tày cũng chịu số phận mai một tương tự. Thay vì hái lộc như người Kinh, người Tày có tục lấy nước sáng mùng Một kèm theo bài hát Lấy nước và bài Tắm cho tổ tiên. Theo nhà văn Y Phương, người Tày trước đây còn có nhiều bài hát khác gắn với phong tục ngày Tết như bài hát dạy uống rượu, bài hát dạy tán gái, bài hát của người đi ăn xin (thực ra là bài hát để chúc tụng chứ người Tày nghèo đói đến mấy cũng không đi ăn xin)… nay đều đã mất.

Theo nhà thơ Lữ Mai, khi tỉnh lộ cắt qua đường làng chị ở ven sông Mã, mọi thứ thay đổi, kể cả Tết nhà thơ Lữ Mai kể. “Em trai tôi thế hệ 9X bắt đầu có những cái Tết đúng ca từ của Phan Mạnh Quỳnh: “Nhạc tung tóe thanh niên hòa ca”. Mùng Một nào nhà tôi cũng cháy amply vì thanh niên xóm sang nhảy nhót. Bố tôi là thương binh rất buồn, sau khi thắp hương tổ tiên, đi thăm một vài người bà con họ hàng, rồi về nhà đắp chăn”.

Vẫn còn hy vọng

Đỗ Phấn vẫn ao ước một lúc nào đấy lớp trẻ sẽ quan tâm đến không khí Tết: “Vì mục đích cuối cùng của việc kiếm tiền là để hưởng thụ. Không khí Tết cũng là một cách hưởng thụ rất hay”.  Theo Lữ Mai, Tết chỉ có không khí khi nào con người hướng tâm vào đó, và những phong tục mất ở thế hệ này hoàn toàn có thể khôi phục ở thế hệ sau. “Thế hệ em trai tôi có nhiều đứt gãy về văn hóa Tết. Nhưng đến con gái tôi giờ học lớp 2 lại rất hứng thú với Tết cổ truyền”. “Con tôi luôn được tham gia vào Tết bằng những cảm xúc và hành động cụ thể, nên cháu thấy vui, vì đã góp phần làm nên Tết cho chính mình”,  Mai nói. Cô cũng tìm thấy cái Tết ấm áp giữa lòng Hà Nội khi xuân về lại được các cụ hàng xóm dạy gọt thủy tiên… 

Mai vốn không thích Tết quê chồng ở Nam Định, sợ những cuộc nhậu nhẹt năm nào cũng phải làm quen nhau từ đầu. Cho đến khi phát hiện ra phong tục, gia đình nào trong năm có người qua đời sẽ tự làm một lồng đèn để đêm giao thừa thắp ở nghĩa trang, làm bừng sáng cả một vùng. Nhà nào đồng cảm, cũng làm một chiếc đèn mang sang nhà kia. Đâm ra nhìn vào lượng đèn có thể biết được tình cảm của người sống dành cho người đã khuất. 

Gói bánh chưng Tết

Nhà văn Uông Triều cho rằng người Việt đang mâu thuẫn: muốn đời sống khấm khá lên nhưng vẫn có xu hướng “ăn mày dĩ vãng”. Anh cho rằng, nên “khoan thư với Tết”.  “Xưa Tết mới về quê, giờ muốn cái phi về ngay. Thì thôi ông bà cha chú cũng giảm áp lực đi. Vừa vừa thôi, Tết cứ hỏi thăm bao giờ lấy chồng, mua ô tô chưa, khiến bọn trẻ mệt mỏi”, nhà  văn Uông Triều  cho hay.
Uông Triều cho rằng nên bổ sung biểu tượng, từ đó tạo ra không khí Tết. Theo anh việc bãi bỏ đốt pháo hoặc chương trình Gặp nhau cuối năm khiến người ta không còn gì để háo hức mong chờ khi Tết đến. “Sớm hay muộn để phát triển văn hóa, chúng ta phải tạo ra những biểu tượng mới về Tết. Phải có cái để chờ chứ”, anh nói. Năm nay có đến 3 nhà xuất bản cùng ra sách Tết, phục hồi một truyền thống cách đây hơn nửa thế kỷ, cũng có thể coi là góp thêm một biểu tượng về Tết.

Nhà văn Trung Sỹ cho rằng đời sống văn hóa cũng đang có những thay đổi phù hợp với sự phát triển của kinh tế: “Các bạn trẻ ra quảng trường đếm ngược, hay tung confetti lên đầu nhau theo kiểu phương Tây cũng hay”. Bên cạnh những thứ mai một (như cây nêu), ông cho rằng sẽ còn mãi thú chơi hoa cũng như phong tục thắp hương tưởng nhớ ông bà tổ tiên.

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn nhấn mạnh nên gìn giữ phong tục chạp mộ người thân trước Tết và vào lễ Thanh Minh. Ngoài ra bà cũng giới thiệu một phong tục riêng của nhà mình: trong buổi gặp gỡ tất niên toàn gia hơn 60 người, sẽ tiến hành tuyên dương và trao thưởng từ quỹ khuyến học của gia đình cho những thành viên đỗ đạt, học giỏi trong năm.

Nấu cỗ Tết là mối quan tâm của nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung, người lập “kỷ lục” một mình nấu 5 mâm cỗ Tết ở tuổi 11. Nhưng theo chị việc nấu nướng ngày Tết cũng như phong tục “hành quân” từ nhà này qua nhà khác ngày nay cũng nên giản tiện. 

“Tết xưa được quan tâm vì con người thấy mình đang được nhận, từ lương thực thực phẩm đến việc nghỉ ngơi, vui chơi. Còn giờ người ta thờ ơ, áp lực vì cảm giác chung là mình đang mất, mất thời gian, mất tiền bạc vào những thứ mình cho là thừa thãi. Nhưng mỗi người nếu ngẫm nghĩ và điều chỉnh để thấy là mình đang nhận những giá trị cụ thể thì sẽ đỡ mỏi mệt hơn”.

 Nhà thơ Lữ Mai