Cô Vũ Thị Hường, giáo viên một trường mầm non tư thục ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) ngậm ngùi chia sẻ, năm nay cả nhà sẽ ở lại Hà Nội, không dám về quê vì không có tiền. Trường học đóng cửa từ cuối tháng 4 đến nay gần một năm, cô thất nghiệp, không có một đồng thu nhập. Ban đầu, cứ nghĩ trường đóng cửa nghỉ học 1-2 tháng nên cứ ở nhà chờ việc.
Chờ mãi, cuối cùng cô đành xin đi giúp việc nhà vừa trông trẻ cho một gia đình với mức lương 5 triệu đồng/tháng. Chồng làm công nhân lao động cho các công trình xây dựng, công việc thất thường, thu nhập không đủ tiền ăn và xăng xe. Cả gia đình 4 người mỗi tháng không kiếm nổi chục triệu đồng trong khi phải trả tiền thuê trọ, điện nước, ăn uống chưa hết tháng là hết tiền. Con nhỏ muốn mua cho con thức ăn ngon hay bộ quần áo mới cũng không có. Có lúc, con ốm phải vay tiền mua thuốc cho con.
Khi dịch COVID-19 ở Hà Nội gia tăng, gia đình chủ nhà cũng cho con về quê sớm với ông bà, cô lại rơi vào cảnh mất việc. Tết đến nơi nhưng trong nhà không có tiền, cô Hường cũng không biết phải xin việc gì để kiếm cơm cho con. "Khi lựa chọn nghề cô giáo nuôi dạy trẻ gia đình đã cản nhưng vì yêu nghề, yêu trẻ mình vẫn quyết chọn. Khi ra trường đi dạy, mức lương thấp, công việc 10 tiếng/ngày nhưng mình không kêu ca. Mình chưa từng nghĩ có ngày lại rơi vào cảnh bi đát như hiện nay. Phía nhà trường vì không có nguồn thu nên cũng không hỗ trợ được gì cho giáo viên. Những năm trước, dịp Tết, ngoài lương, mỗi cô giáo cũng được thưởng 2-3 triệu đồng, năm nay thì “tay trắng” không có cả tiền để về quê”, cô Hường nói.
Cô Nguyễn Thị Thuỳ Dương, giáo viên Trường mầm non Vườn trẻ thơ (Hà Nội) cũng nói, dịch bệnh, mất việc, mất thu nhập nhưng vẫn phải nuôi 2 con đang tuổi ăn, tuổi học khiến cô lo lắng đến mất ăn, mất ngủ nghĩ phải làm gì để có thu nhập. Bán hàng online do không có vốn, không có kinh nghiệm nên khó cạnh tranh. Cũng may, cuối cùng có gia đình nhờ trông trẻ để họ đi làm, mẹ con có thêm nguồn thu nhập để sống qua ngày. “Năm nay, chẳng nghĩ gì đến Tết, chỉ mong dịch ổn định để trường học hoạt động, mình có việc làm, nuôi con”, cô Dương nói.
Đó là cũng là tình cảnh chung của nhiều người làm nghề giáo viên mầm non tư thục ở địa phương có dịch phức tạp năm nay. Khối tư thục, trường học đóng cửa đồng nghĩa với mất việc, mất nguồn thu. Không có việc làm, buộc họ phải về quê hoặc đi xin việc khác để nuôi sống gia đình. Tết này sẽ là một cái Tết buồn, tủi của những người yêu nghề, yêu trẻ.
Nhiều giáo viên bỏ việc
Bà Hoàng Thị Phương Thu, Hiệu trưởng Trường mầm non Trăng Sáng, quận Hoàng Mai (Hà Nội) nói rằng, từ khi nghỉ dịch đã có 5 giáo viên xin nghỉ hẳn việc để về quê làm việc khác. Số giáo viên còn lại đi làm thêm tạm thời như: bán hàng, giúp việc gia đình, nhận trông trẻ, đi đóng gói hàng thuê… để chờ ngày trường mở cửa trở lại. Tuy nhiên, đến thời điểm này đã gần một năm Hà Nội vẫn chưa có kế hoạch nào cho việc mở cửa trường mầm non.
Bà Thu cho biết, những năm trước, trường luôn có quỹ thưởng Tết, nghỉ hè cho giáo viên. Riêng Tết giáo viên mới vào được khoảng gần 2 triệu, giáo viên nhiều năm được hơn 3 triệu. Khoản tiền này cộng với tiền lương tháng mỗi người có hơn chục triệu đồng và quà của Công đoàn. Cả năm nay, trường không có nguồn thu, thương giáo viên lắm nhưng không biết lấy gì hỗ trợ.
Công đoàn trường vẫn hoạt động, thấy có đơn vị nào hỗ trợ cho giáo viên thì chủ động liên hệ để “xin” được chút gì hay chút đó. Mới đây, có 2 giáo viên được tặng 2 phần quà trị giá 500.000 đồng chỉ nhằm động viên tinh thần các cô tiếp tục bám nghề. “Dịch bệnh, trường học đóng cửa kéo dài khiến chủ cơ sở giáo dục mầm non xoay xở đủ đường nhưng khó tránh khỏi nguy cơ phá sản. Nhiều trường nợ tiền thuê nhà bị chủ nhà lấy lại cũng đành chịu”, bà Phương nói.
Chủ một cơ sở giáo dục mầm non tại quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, trong năm qua có gần 20 giáo viên viết đơn xin nghỉ việc để đi tìm công việc khác kiếm sống. “Dù rất thương giáo viên nhưng mình đành nuốt nước mắt không biết phải làm gì. Sau lưng họ còn có con nhỏ, cha mẹ già cần chăm sóc. Có người làm nghề gần chục năm, yêu nghề, yêu trẻ nhưng khi dịch đến họ bỗng mất việc, tay trắng. Cứ thế này, sau dịch, sẽ không có giáo viên để trường tư hoạt động”, hiệu trưởng này lo lắng.
Cô Đỗ Thị Yến, Hiệu trưởng Trường mầm non Thành Công, quận Tây Hồ (Hà Nội) cũng chia sẻ, năm qua là một năm buồn đối với giáo viên mầm non.
Trường đóng cửa, giáo viên “đứt” nguồn thu phải xoay xở để kiếm sống. Đến nay, đa số giáo viên đều đi nhận trông trẻ thuê cho các gia đình để kiếm sống và chờ ngày được quay lại làm việc. Những năm trước, dịp Tết đến xuân về, giáo viên được thưởng thêm 1 tháng lương khoảng 5-6 triệu đồng. Năm nay, trường không có nguồn thu nhưng cũng sẽ tổ chức gặp gỡ giáo viên để tặng mỗi người cân giò, chả để họ về quê sớm.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội trước đó cho biết, chưa có kế hoạch cho việc trẻ mầm non trở lại trường. Tình hình dịch kéo dài, nhiều giáo viên bỏ nghề như hiện nay ngành đối mặt với nỗi lo, khi dịch ổn định sẽ thiếu người trông trẻ ở cơ sở tư thục. Khi đó, áp lực sẽ dồn lên khối trường công lập.