Trong Thế chiến II, khi các hệ thống dẫn đường cho vũ khí chưa phát triển như hiện nay, các cường quốc quân sự đã tốn rất nhiều công sức để tìm cách đưa tên lửa, bom đánh trúng mục tiêu từ khoảng cách xa, theo Military history.
Để chống lại lực lượng hải quân áp đảo của Mỹ, quân đội Thiên hoàng của Nhật Bản đã dùng các phi đội cảm tử "Thần phong" để lao vào tàu chiến địch. Tại chiến trường châu Âu, Đức Quốc xã đã dùng bom bay V-1 có độ chính xác cao để tấn công và gây thiệt hại đáng kể cho các thành phố công nghiệp của Anh.
Quân đội Mỹ lúc đó chưa sở hữu công nghệ tiên tiến như của Đức, đồng thời cũng không muốn hy sinh binh sĩ, nên đã nghĩ ra một phương pháp đặc biệt là sử dụng chim bồ câu để dẫn đường cho tên lửa.
Theo kế hoạch này, các kỹ sư quân sự Mỹ gắn một ống kính camera ở phía trước tên lửa. Camera này sẽ truyền hình ảnh mục tiêu mà tên lửa nhắm đến lên một màn hình lắp đặt bên trong khoang của nó. Nếu tên lửa bay chính xác, mục tiêu sẽ luôn nằm ổn định ở tâm màn hình.
Bước tiếp theo, các chuyên gia động vật của quân đội Mỹ sẽ huấn luyện các con chim bồ câu mổ chính xác vào các mục tiêu giả định nằm yên và di động trên một màn hình trắng giống như màn hình bên trong tên lửa.
Sau khi thành thục bài tập, chim bồ câu sẽ được thả vào bên trong khoang của tên lửa. Khi tên lửa khai hỏa, màn hình bật sáng, chim bồ câu sẽ theo thói quen mổ liên tục vào mục tiêu nằm ở trung tâm màn hình dẫn đường cho tên lửa bay thẳng đến mục tiêu.
Nếu bồ câu mổ lệch ra ngoài tâm màn hình, bộ phận cảm ứng sẽ báo về trung tâm chỉ huy rằng tên lửa đang bay chệch hướng và họ phải có biện pháp điều chỉnh. Các kỹ sư sẽ dựa trên góc mổ lệch tâm màn hình của bồ câu để điều chỉnh cần lái tên lửa.
Cha đẻ của kế hoạch vô cùng đặc biệt này là nhà nghiên cứu tập tính động vật người Mỹ B.F. Skinner. Theo Skinner, dù chim bồ câu là loài vật có trí nhớ rất đáng nể, nhưng để tăng độ chính xác, các kỹ sư nên thả vào khoang tên lửa ba con bồ câu. Theo nguyên tắc đa số, khi hai con mổ vào hình ảnh mục tiêu bị lệch tâm thì tên lửa mới chuyển hướng. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu lại, Bộ Quốc phòng Mỹ đã rút gọn và chỉ sử dụng một con bồ câu duy nhất để dẫn đường cho tên lửa.
Mặc dù tỏ ý nghi ngờ về tính khả thi của kế hoạch nhưng Ủy ban nghiên cứu công nghệ quốc phòng Mỹ lúc đó vẫn quyết định cấp 25.000 USD cho dự án.
Tuy nhiên, đến năm 1944, khi dự án bí mật về radar dẫn đường đạt được những bước tiến đột phá, kế hoạch sử dụng chim bồ câu bị hủy bỏ với lý do việc tiến hành phát triển dự án sẽ "ảnh hưởng đến tiến độ của những dự án khác có tính thực tiễn cao hơn".