Theo báo này, gần đây trên mạng của Trung Quốc lan truyền tin chiếc tàu trinh sát đo đạc biển mang số hiệu 871 của Hạm đội Nam Hải “gần đây đã bị chìm tại vùng biển Tây Sa (Hoàng Sa).
Hạm đội Nam Hải đang tổ chức trục vớt, tạm thời chưa có tin về người thương vong. Vụ việc này chưa được chính thức xác nhận. Quân đội Trung Quốc và chính quyền đều chưa lên tiếng trả lời về những tin đồn trên.
Tin này được đưa trên các trang diễn đàn mạng lớn Kaiti, Baitu, QQ, đến tối 6-7 vẫn chưa bị gỡ bỏ. Tin cũng cho biết, chiếc tàu này vừa mới đại tu ở Quảng Châu tháng 4 vừa qua, sau đó được đưa xuống Biển Đông từ trung tuần tháng 4.
Tin không cho biết tàu 871 bị chìm vì nguyên nhân gì, cũng không nêu rõ toạ độ xảy ra vụ việc. Tàu 871 những năm trước đây đã nhiều lần xuất hiện ở vùng biển đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) tranh chấp giữa Trung Quốc với Nhật, năm ngoái được đưa về Quảng Châu đại tu.
Đây là tàu trinh sát đo đạc biển, lượng giãn nước 5.000 tấn, được đặt tên là “Lý Tứ Quang”, là tàu đo đạc tổng hợp biển tầm trung và xa do Trung Quốc tự thiết kế chế tạo, đã tiến hành đo đạc hàng triệu km vuông mặt biển.
Nó tiến hành đo đạc về độ sâu, địa hình đáy biển, mực triều, khí tượng, thuỷ văn…được coi là “Tiên phong mở đường cho tàu ngầm hải quân”.
Trong 13 năm kể từ khi đưa vào sử dụng, tàu 871 đã thực hiện hành trình 370.000 hải lý, đi khắp Thái Bình Dương và 3 vùng biển lớn của Trung Quốc.
Cho đến chiều ngày 7-7, vẫn chưa có thông tin xác nhận hay bác bỏ vụ việc này từ các cơ quan chính thống của Trung Quốc.
Thu Thủy
Theo báo Trung Quốc
Trung Quốc rút 4 tàu hải giám khỏi Biển Đông
Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin sáng 7-7, biên đội tàu hải giám gồm 4 chiếc số hiệu 83, 84, 66, 71 và trực thăng số B7112 đã rời khỏi Biển Đông và sẽ cập cảng Quảng Châu vào trưa 8-7.
Theo CCTV, biên đội tàu này xuất phát từ cảng Tam Á (Hải Nam) hôm 26-6, đoàn tàu này đã di chuyển 2.700 hải lý trên Biển Đông, tiến hành diễn tập 2 lần vào các ngày 2 và 6-7.
Theo CCTV, đoàn tàu này cũng đã vào gần một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa để tiến hành cái gọi là “quan sát ở cự ly gần” và “lấy chứng cứ chủ quyền”. Tuy mang theo trực thăng, nhưng trong suốt quá trình di chuyển trên biển, chiếc trực thăng này không cất cánh.