> Quấn cờ Tổ quốc vào ngực, bám biển, giữ chủ quyền
> TQ ngang ngược “cấm biển”: Ngư dân Việt không chùn bước
Bình Định có hơn 7.300 tàu đánh cá, trong đó hơn 2.500 tàu đánh bắt vùng biển Trường Sa, với 100 tổ tàu cá xa khơi.
Mình hiên ngang, họ sẽ phải sợ mà lui
Đang vào mùa khai thác cá bò gù, ngừ sọc, mực xà trên vùng biển Hoàng Sa – Trường Sa, nên hầu hết ngư dân miền Trung đều bức xúc trước những hành động quấy nhiễu, xua đuổi của phía Trung Quốc.
Từ 14 tàu cá công suất lớn trên 350CV vốn trước đây hoạt động riêng lẻ, nay số tàu trên của “đại gia đình” ông Bùi Thanh Ninh (55 tuổi, ở Hoài Nhơn, Bình Định) đã đổi hướng, hợp nhất thành một “tập đoàn”.
“Gần đây, tàu cá Trung Quốc liên tục cản trở, gây khó cho việc khai thác, nên tôi quyết định chuyển hướng. Đoàn tàu của gia đình tôi không còn đi theo từng tốp nhỏ như trước, mà hợp nhất lại thành tập đoàn để cùng lúc ra khơi, vừa bảo vệ nhau khai thác, và góp phần đẩy đuổi tàu cá Trung Quốc”, ông Ninh khẳng định.
Theo lão ngư này, tàu lạ chỉ nhắm vào những tàu cá riêng lẻ để hù dọa. Còn khi chúng ta hợp nhất thành từng đội tàu hùng mạnh, thì họ không dám làm gì.
Chiếc tàu 900 sức ngựa của tôi và nhiều chiếc khác trong đội không ít lần khiến tàu cá Trung Quốc phải cuốn gói khỏi vùng biển chủ quyền của ta.
Lão ngư Nguyễn Văn Ái
Lão ngư Nguyễn Văn Ái (64 tuổi, ở thôn Xuân Bình, xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ, Bình Định) với thâm niên gần 50 năm bám biển, luôn tâm niệm “trên bờ đoàn kết 1 thì ra khơi phải đoàn kết 10 mới thành công”.
Tập đoàn tàu cá gồm 12 chiếc công suất từ 650 đến 950 CV của “đại gia đình” ông Ái luôn cùng lúc đạp sóng ra Trường Sa, Hoàng Sa. “Mình hiên ngang, họ sẽ phải sợ mà rút lui”, ông Ái đúc kết ngắn gọn.
Ngư dân Lý Văn Tài (32 tuổi) trên tàu BĐ 96948 vừa cập bến Tam Quan, kể: “Chúng tôi bị một số tàu cá Trung Quốc liên tục chặn, xua đuổi trong quá trình đánh bắt. Anh em chúng tôi lập tức liên lạc qua bộ đàm và hợp nhất thành tổ đội ngay tại vùng biển Trường Sa. Khi thấy chúng tôi tập hợp lại thành đoàn, tàu cá Trung Quốc đã phải rút lui”.
Kiên trì bám biển
Ngư dân Nguyễn Văn Thường (36 tuổi, ở Hoài Nhơn, Bình Định) trên tàu BĐ 96817 cho biết, từ đầu năm tới giờ, thuyền đã ra khơi thành công 4 chuyến. Gặp tàu cá Trung Quốc, chúng tôi mặc kệ họ khiêu khích. Đến khi họ cố tình nhắm vào mình thì anh em liên kết lại đuổi chúng đi”.
Ngư dân Nguyễn Thanh Hưng (Tư Nghĩa, Quảng Ngãi), chia sẻ: “Vùng biển Hoàng Sa chúng tôi thường khai thác và liên tục đụng độ với tàu cá Trung Quốc. Hình như họ cho tàu cá xuống biển không phải để đánh bắt mà là cố tình quấy nhiễu tàu cá Việt Nam. Cùng là ngư dân bám biển, chúng tôi thấy kiểu ấy là quá hèn nhát”.
Theo bà Mai Kim Thi – Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ nguồn lợi thủy sản Bình Định: “Việc thành lập các tổ đội khai thác thủy sản đã thực hiện từ mấy năm nay. Tuy nhiên, gần đây anh em ngư dân từ nhiều tổ đội đã hợp sức cùng nhau trên biển để đẩy đuổi tàu cá Trung Quốc xâm phạm vùng biển chủ quyền là một việc làm dũng cảm, rất đáng biểu dương”.
Ông Lê Văn Trung (40 tuổi, ở Hoài Hải, Hoài Nhơn, Bình Định), chủ tàu cá BĐ 95993TS vừa trở về từ Hoàng Sa, cho hay, trong hai chuyến ra khơi gần đây, đội tàu của ông 2 lần đụng độ với tàu Trung Quốc. Tàu cá Trung Quốc bằng sắt rất lớn, đi lại ngang nhiên. Khi cả 6 chiếc tàu cá thuộc đội tàu của ông Trung hợp lại nhằm phía tàu cá Trung Quốc mà tiến thì họ bỏ chạy mất hút. Bởi vậy, ngư dân không sợ tàu của họ, chỉ sợ không có cá để đánh bắt.
Thời điểm này, cảng Quy Nhơn tập trung rất nhiều thuyền câu cá ngừ đại dương của ngư dân. Sau tuần trăng tháng 4, ngư dân lại chất đá, lương thực chuẩn bị chuyến biển tiếp theo. Cảng cá Quy Nhơn vẫn nhộn nhịp đón những chuyến tàu vào ra.