Tạo thuốc bảo vệ thực vật từ cây thông, bạch đàn

TP - Việc sử dụng chế phẩm thuốc trừ sâu và bệnh sinh học thay thế thuốc bảo vệ thực vật hóa học mang lại hiệu quả cao, an toàn.

Với mong muốn nghiên cứu phát triển công nghệ tách chiết hoạt chất sinh học để sản xuất thuốc bảo vệ thực vật phục vụ nông nghiệp an toàn, các nhà khoa học của Viện Bảo vệ thực vật, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã nghiên cứu và làm chủ công nghệ i-on lỏng tách chiết hoạt chất sinh học từ cây tràm, bạch đàn, thông để sản xuất thuốc bảo vệ thực vật phục vụ nông nghiệp an toàn.

Kết quả nghiên cứu cũng xác định được vùng trồng tràm, bạch đàn và thông ở các tỉnh Bắc Trung bộ chứa hàm lượng hoạt chất cao làm nguồn nguyên liệu cho việc chiết xuất hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Từ kết quả đạt được, nhóm nghiên cứu đã phối hợp với Công ty Cropcare Việt Nam xây dựng mô hình sản xuất thử nghiệm thuốc bảo vệ thực vật sinh học với quy mô 400 lít/mẻ, 14,4 tấn/năm.

Việc sử dụng chế phẩm thuốc trừ sâu và bệnh sinh học thay thế thuốc bảo vệ thực vật hóa học mang lại hiệu quả phòng chống đạt 72,75 - 79,47%, góp phần duy trì năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu sản xuất nông sản sạch và an toàn, nâng cao hiệu quả kinh tế từ 16,00 - 18,64%. Việc này cũng giúp giảm độc hại đối với người sản xuất.

Kết quả nghiên cứu là căn cứ khoa học giúp các nhà lãnh đạo, nhà hoạch định chính sách có hướng phát triển nông nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn, giảm tác động đến môi trường và đáp ứng cam kết của nhà nước đối với quốc tế về bảo vệ môi trường.