Tăng tính đối thoại, tranh luận tại kỳ họp Quốc hội

TPO - Đổi mới chất vấn và trả lời chất vấn, tăng cường tính đối thoại, tranh luận với 15 phiên họp được phát thanh, tường thuật trực tiếp,… là những điểm mới được thực hiện tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 14.
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV sẽ khai mạc vào sáng ngày 21/5

Hỏi ngắn, đáp gọn  

Tại phiên họp báo ngày 19/5, Phó Tổng Thư ký Quốc hội Lê Bộ Lĩnh cho biết, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV sẽ khai mạc vào sáng ngày 21/5, làm việc trong 20 ngày và sẽ bế mạc vào chiều 15/6. Đây là một trong những kỳ họp ngắn nhất trong các kỳ họp gần đây.

Theo thông lệ, tại kỳ họp giữa năm, Quốc hội sẽ dành nhiều thời gian cho công tác xây dựng pháp luật (chiếm tỷ lệ 60% tổng thời gian của kỳ họp). Bên cạnh đó, Quốc hội cũng dành khá nhiều thời gian cho hoạt động giám sát tối cao và xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng khác.

Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành 12 ngày để xem xét, thông qua 8 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến về 8 dự án luật khác.

Đặc biệt, tại kỳ họp này, Quốc hội tiếp tục sẽ có những cải tiến, đổi mới về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Cụ thể, thời gian để mỗi đại biểu Quốc hội nêu câu hỏi chất vấn là 1 phút và sau khi 3 đại biểu Quốc hội nêu câu hỏi, người bị chất vấn phải trả lời ngay. Thời gian dành cho mỗi lần trả lời là 3 phút.

“Việc cải tiến, đổi mới này được thực hiện trên cơ sở kết quả thí điểm tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp lần thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhằm mục đích tăng cường tính đối thoại, tranh luận trong hoạt động của Quốc hội”, ông Lĩnh cho hay.

15 phiên truyền hình, phát thanh trực tiếp

Đáng lưu ý tại kỳ họp lần này, theo ông Lĩnh, dự kiến sẽ có 15 phiên họp thuộc nội dung của kỳ họp được tổ chức phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước trực tiếp theo dõi (chiếm khoảng 40% thời lượng của kỳ họp).

Ngoài những nội dung được tường thuật trực tiếp theo quy định của Nội quy kỳ họp, dự kiến phiên họp giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016 và phiên thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) cũng sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp.

Theo ông Lĩnh, dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) trình Quốc hội lần này về cơ bản đã tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4. Nhiều quy định của dự thảo Luật đã được sửa đổi nhằm bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tiễn, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành như quy định về công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Bên cạnh đó, một số vấn đề của dự thảo Luật còn nhiều ý kiến khác nhau cần được đánh giá, cân nhắc kỹ lưỡng như: quy định về các trường hợp xác minh tài sản, thu nhập; cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập; về xử lý tài sản, thu nhập thực tế lớn hơn tài sản, thu nhập kê khai hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm mà người kê khai không giải trình được một cách hợp lý nguồn gốc phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm...

Hay đối với Luật Công an nhân dân (sửa đổi), trước yêu cầu của tình hình, nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc phòng, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong giai đoạn mới đòi hòi phải tiếp tục hoàn thiện pháp luật về an ninh, trật tự, trong đó việc sửa đổi, bổ sung Luật Công an nhân dân năm 2014 là cần thiết. Dự thảo Luật trình Quốc hội cho ý kiến  lần này gồm 7 chương, 48 điều, bổ sung 4 điều, sửa đổi, bổ sung 31 điều, bỏ 1 điều so với Luật công an nhân dân năm 2014.