> Giới trẻ háo hức lên chùa học tu
> Những đứa trẻ bị 'nhốt' trong... 'lồng kính'
Báo Tiền Phong vừa phản ánh tình trạng mùa hè trẻ em thiếu sân chơi, bị nhốt trong lồng kính, anh nghĩ sao về điều này?
Cứ mỗi dịp hè về thì chúng ta lại nhắc nhiều đến vấn đề sân chơi cho thiếu nhi. Không chỉ ở thành thị mà ở nông thôn hiện nay cũng thiếu các khoảng không gian dành cho thiếu nhi vui chơi giải trí.
Tuổi thơ của tôi ngày xưa, mùa hè luôn gắn với không gian rộng mở của sân đình, sân kho hợp tác xã, với mùi rơm, mùi lúa và những trò chơi dân gian sôi động. Ngày nay, ở các khu đô thị chúng ta thấy nhiều cao ốc, siêu thị và trung tâm thương mại nhưng để tìm ra điểm vui chơi, sinh hoạt cho thiếu nhi thì dường như không nhiều.
Thật khó khăn nếu như tuổi thơ chỉ lớn lên trong không gian của các bức tường, vốn phù hợp hơn với các màn hình máy tính, các trò game online. Ở độ tuổi đang lớn, thiếu nhi rất cần không gian rộng mở của các hoạt động xã hội, ngoài trời, được vui chơi và giao lưu trực tiếp.
Để giúp các em có được không gian như vậy chúng ta cần đến nhiều giải pháp, nhưng theo tôi nên bắt đầu từ các giải pháp gắn với cộng đồng và địa bàn dân cư. Nếu như mỗi khu phố, mỗi thôn xóm đều có những anh chị đoàn viên, các cô bác cán bộ Hội Phụ nữ, Người Cao tuổi… năng nổ nhiệt tình đứng ra tổ chức hoạt động thì không gian vui chơi giải trí cho thiếu nhi chắc chắn sẽ được mở rộng hơn rất nhiều.
Giải pháp cụ thể của Đoàn, Đội trước thực trạng nói trên là gì, thưa anh?
T.Ư Đoàn, Hội đồng Đội T.Ư cũng bắt đầu bằng các giải pháp mở rộng không gian vui chơi giải trí cho thiếu nhi ở địa bàn dân cư. Ngay từ đầu hè, các cấp bộ Đoàn đã nhanh chóng đón nhận các em học sinh về sinh hoạt tại địa bàn, tổ chức cho các em tham gia các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao, các câu lạc bộ năng khiếu, sở thích.
Các cán bộ Đoàn xã, phường những ngày qua đã rất vui và vất vả tổ chức các hoạt động ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6. Đông đảo thanh niên, sinh viên tình nguyện sẵn sàng đến với các địa phương vùng sâu vùng xa, để khám chữa bệnh, dạy học và tổ chức các sân chơi cho thiếu nhi. Hệ thống các cung, nhà thiếu nhi, trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi hiện đang mở cửa để đón nhận các em thiếu nhi đến tham gia sinh hoạt, vui chơi.
Hè đến, trẻ bị đuối nước là vấn đề quan tâm của toàn xã hội. Dạy trẻ học bơi, rèn kỹ năng sống sót được Hội đồng Đội tổ chức như thế nào thưa anh?
Trong hoạt động tình nguyện hè năm nay, việc tạo sân chơi an toàn lành mạnh cho thiếu nhi được quan tâm hàng đầu. Chúng ta đang nói nhiều đến các tai nạn đuối nước và bất cập trong việc dạy bơi cho thiếu nhi.
Những năm qua đã xuất hiện nhiều mô hình sáng tạo như ở Cẩm Khê (Hà Tĩnh) hay Đô Lương (Nghệ An), các đoàn viên, giáo viên Tổng phụ trách đã vận dụng những bến sông, ao hồ an toàn để tổ chức dạy bơi cho thiếu nhi. Những hoạt động như vậy trong năm nay sẽ tiếp tục được triển khai.
Không chỉ tạo sân chơi an toàn, bổ ích cho thiếu nhi, trong suốt dịp hè, các anh chị ĐVTN cũng sẽ tập trung thực hiện các hoạt động thăm, tặng quà, chăm sóc thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn, thiếu nhi dân tộc thiểu số, hỗ trợ sách vở, trang thiết bị học tập, tổ chức ôn luyện, bổ sung kiến thức giúp các em thiếu nhi có nguy cơ bỏ học được trở lại trường vào dịp năm học mới.
Có ý kiến cho rằng, trẻ em ngày nay học quá nhiều mà thiếu môi trường trải nghiệm thực tế, anh nghĩ sao về điều này?
Tôi nghĩ rằng câu hỏi này đã được đặt ra từ khá lâu. Chúng ta từ lâu dường như đã quen với tư duy giáo dục trẻ em bằng con đường học hành khoa cử mà thiếu xem trọng thực hành và kỹ năng. Hiện nay tư duy này đang dần được thay đổi bằng tăng cường giáo dục kỹ năng và tạo môi trường trải nghiệm.
Thực tế cho thấy sự thành công của mô hình Học kỳ quân đội và nhiều mô hình khác đang được các cấp bộ Đoàn triển khai đã góp phần tạo ra những sân chơi mới giúp thiếu nhi được rèn luyện về nhận thức, ứng xử, kỹ năng một cách sinh động, hấp dẫn.
Ví dụ như khi giúp các em tiếp cận những kiến thức về nông nghiệp, nông thôn, thay bằng những bài giảng trên lớp chắc chắn sẽ thú vị hơn khi cho các em được ra đồng, gieo hạt, ươm mầm và chứng kiến sự sinh sôi của rau cỏ. Các bài giảng về lòng nhân ái sẽ chân thực và xúc động hơn nếu để các em thiếu nhi thành thị được tự mình đến thăm, vui chơi và chia sẻ với các bạn có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu vùng xa.
“Thật khó khăn nếu như tuổi thơ chỉ lớn lên trong không gian của các bức tường, vốn phù hợp hơn với các màn hình máy tính, các trò game online. Ở độ tuổi đang lớn, thiếu nhi rất cần đến không gian rộng mở của các hoạt động xã hội, ngoài trời, được vui chơi và giao lưu trực tiếp”
Nguyễn Phú Trường - Phó Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư
Những mô hình giáo dục kỹ năng và trải nghiệm như vậy cần tiếp tục được nhân rộng trên cơ sở tổng kết, đánh giá và bổ sung, làm mới. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần nghiên cứu để vận dụng triển khai một cách rộng khắp các nội dung giáo dục kỹ năng, tạo môi trường trải nghiệm vào các chương trình giáo dục, chương trình hoạt động của Đội trong nhà trường để tất cả các em đội viên, thiếu nhi đều có cơ hội được học tập và trưởng thành.
So sánh với các nước trong khu vực, tôi thấy rằng thời lượng cho các hoạt động ngoại khóa, hoạt động Đội trong nhà trường hiện nay tương đối thấp. Bên cạnh việc học tập, chúng ta cần dành nhiều thời gian hơn cho các em tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, phát triển năng khiếu...
Hội đồng Đội đã có dự án, chương trình cho nhà thiếu nhi cấp huyện, xã không thưa anh?
Hiện nay trên cả nước chúng ta có 254 cung, nhà thiếu nhi trong đó có 43 cung thiếu nhi, nhà thiếu nhi, 27 trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi cấp tỉnh và 184 nhà thiếu nhi cấp huyện. Các cung thiếu nhi, nhà thiếu nhi, trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi thường xuyên được quan tâm đầu tư về các điều kiện cơ sở vật chất, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ.
Nhiều đơn vị các tỉnh, thành Đoàn đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền dành quỹ đất, quy hoạch, xây dựng nhà thiếu nhi cấp huyện, điểm vui chơi giải trí cấp xã.
Ví dụ Tỉnh Đoàn Vĩnh Phúc tham mưu phối hợp để 90% các xã, phường xây dựng được điểm vui chơi cho thiếu nhi. Thành Đoàn thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2011 tham mưu cho thành phố tặng 10 sân chơi miễn phí cho thiếu nhi trị giá 100 tỷ đồng, năm 2012 xây dựng 24 rạp chiếu phim 3D miễn phí tại 24 quận, huyện...
T.Ư Đoàn, Hội đồng Đội T.Ư đang phối hợp với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xây dựng Đề án “Quy hoạch tổng thể và chính sách hỗ trợ phát triển cơ sở văn hóa, vui chơi giải trí trẻ em giai đoạn 2012 - 2015 và đến năm 2020” trình Chính phủ phê duyệt.
Một hoạt động hết sức có ý nghĩa với thiếu nhi cả nước là trong năm 2013 Thủ tướng Chính phủ, bằng tình cảm quan tâm đặc biệt đến các thế hệ măng non đất nước đã dành phần quà trị giá 15 tỷ đồng hỗ trợ trang thiết bị hoạt động cho 100 nhà thiếu nhi cấp huyện.
Đây chắc chắn là cú hích, tạo động lực lớn để các nhà thiếu nhi từng bước nâng cao chất lượng hoạt động, làm tốt hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng năng khiếu, tạo điều kiện vui chơi giải trí cho thiếu nhi.
Cảm ơn anh.
Linh An
thực hiện