Đánh giá sau 2 năm thực hiện Kết luận 05, anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Trung ương Đoàn cho biết, nhận thức của các cấp bộ Đoàn, cán bộ Đoàn về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác giáo dục lý tưởng cách mạng cho đoàn viên, thanh niên được nâng lên rõ rệt. Điều đó được thể hiện rõ nét thông qua việc hàm lượng các hoạt động giáo dục lý tưởng cách mạng trong chương trình công tác hằng năm và hàm lượng tiêu chí đánh giá thi đua hằng năm liên quan công tác chính trị tư tưởng chiếm tỷ trọng cao. Các cấp bộ đoàn đã có nhiều giải pháp đổi mới nội dung, phương thức giáo dục lý tưởng cách mạng cho đoàn viên, thanh niên. Tính nêu gương của cán bộ Đoàn và trách nhiệm của Bí thư Đoàn các cấp được nâng lên.
Qua gần 2 năm thực hiện Kết luận 05, đã có những mô hình hay, cách làm hiệu quả trong giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên. Những kết quả trong triển khai Kết luận 05 đã giúp nâng cao bản lĩnh chính trị, niềm tin với Đảng, với chế độ, khắc phục tình trạng “Nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị” của một bộ phận thanh niên, góp phần tích cực vào quá trình xây dựng lớp thanh niên thời kỳ mới có lý tưởng cách mạng, bản lĩnh chính trị vững vàng, giàu lòng yêu nước và tạo tiền đề quan trọng để Đoàn, Hội tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên thời gian tới.
Góp ý với việc xây dựng, thực hiên Kết luận 05, anh Nguyễn Ngọc Việt, Bí thư Thành Đoàn Hà Nội cho rằng: Trước tình hình dịch bệnh COVID-19, trong thời gian cách ly xã hội, tổ chức Đoàn thành phố đã phát huy tính sáng tạo trong nhiều hoạt động, đây là kinh nghiệm quý báu để tổng kết. Anh Nguyễn Ngọc Việt cũng băn khoăn: “Hiện nay việc triển khai học tập và làm theo phong cách, tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh nhiều nơi còn lúng túng trong việc chọn mô hình. Rất khó để có được cá nhân điển hình làm toát lên mô hình cụ thể. Do đó nên tập trung sau khi học tập phải có điển hình cụ thể”.
Anh Nguyễn Cao Cường, Bí thư Tỉnh Đoàn Đồng Nai nêu thực tế, hiện nay các thế lực thù địch đưa ra các thông tin trái chiều trên mạng xã hội. Do vậy, Tỉnh Đoàn đã đẩy mạnh các phương pháp giáo dục thanh niên thông qua trang tin chính thống của Đoàn để có sự định hướng, đấu tranh với luận điệu sai trái. Theo đó, Tỉnh Đoàn Đồng Nai đã thành lập các câu lạc bộ lý luận từ tỉnh đến huyện. Hàng quý Tỉnh Đoàn tổ chức hội nghị trực tuyến với việc tập trung cho các báo cáo viên là các giáo sư đầu ngành, tướng lĩnh quân đội về nói chuyện, chia sẻ. “Qua đó giúp anh em nhận thức và tiếp tục triển khai về các câu lạc bộ lý luận. Đây là lực lượng quan trọng bởi các bạn đã có nền tảng tốt, chỉ cần bồi dưỡng thêm để trở thành những tuyên truyền viên vững vàng, sắc bén”.
Chia sẻ kinh nghiệm và hiệu quả từ việc triển khai thực hiện Kết luận 05, chị Trần Thị Chúc Quỳnh, Bí thư Tỉnh Đoàn Lâm Đồng cho biết đã ứng dụng các phương pháp truyền thông khác nhau trong giáo dục đoàn viên, thanh niên. Đó là các mảng truyền thông rất trực quan, sinh động phù hơp với thực tế thông qua các hội thi sân khấu hóa, tuyên truyền các câu chuyện, hình ảnh thanh niên sống đẹp.
Tuy nhiên, chị Chúc Quỳnh cũng nêu lên những hạn chế trong công tác tập huấn nâng cao cán bộ Đoàn cơ sở, lúng túng tìm mô hình phù hợp để cuốn hút thành viên CLB Lý luận trẻ. Hiện truyền thông chỉ nêu gương tốt chủ yếu là cán bộ viên chức ở cơ sở mà chưa khai thác truyền tải về những cán bộ cấp cao hơn. Mặt khác, một số cơ quan báo chí hiện nay còn chưa đẩy mạnh tuyên truyền gương người tốt việc tốt, sa đà vào các thông tin vô bổ.
Chia sẻ quan điểm về câu chuyện giáo dục lý tưởng cho người trẻ, anh Ngụy Văn Tuyên, Bí thư Tỉnh Đoàn Bắc Giang nhấn mạnh đến vai trò của việc tăng cường hoạt động giáo dục qua trải nghiệm thực tiễn. Theo anh Tuyên, thực tế đó đã được thể hiện trong nửa nhiệm kỳ vừa qua. Các câu chuyện đẹp có thật đã góp phần lan tỏa rộng rãi đến cộng đồng xã hội, tác động đến tâm tư, tình cảm, lan tỏa giá trị sống tốt đẹp trong đông đảo đoàn viên thanh niên.