Góp phần giúp dân nghèo
Tại phiên chợ sâm Ngọc Linh đặc biệt được UBND huyện Tu Mơ Rông tổ chức từ ngày 6-9/2, người dân và du khách thích thú nhất "Hội thi sâm". Tham dự hội thi tối 6/2 có 22 mẫu sản phẩm sâm Ngọc Linh được các đơn vị trồng và chăm sóc từ nhiều năm nay, tuổi đời từ 9 đến 30 năm.
Các sản phẩm dự thi hội tụ đủ 4 tiêu chí về số năm tuổi, hình dáng, trọng lượng và bảng thuyết trình nguồn gốc, ý tưởng, cảm nghĩ sản phẩm dự thi. Đây được xem là cuộc so tài gay cấn vì hầu hết các sản phẩm đều đạt chất lượng cao, sát với tiêu chí mà Ban tổ chức đưa ra.
Chưa đến giờ thi, hàng trăm quan khách đã ngồi chật kín hội trường. Kết quả, giải Nhất thuộc về mẫu 1 của Công ty Sâm Ngọc Linh Kon Tum (hơn 20 năm tuổi, nặng xấp xỉ 2,6 lạng, dài khoảng 32cm); 2 giải Nhì thuộc về mẫu 2 của Hợp tác xã Cộng đồng phụ nữ Đăk Viên, xã Tê Xăng (củ sâm 14 năm tuổi, nặng khoảng 2 lạng, dài 22cm) và mẫu 3 của hộ gia đình ông A Chung, thôn Đăk Dơn, xã Măng Ri (hơn 20 năm tuổi, nặng 1,8 lạng, dài 20cm).
Những củ sâm đạt giải sau đó được đấu giá tại lễ khai mạc Phiên chợ Sâm Ngọc Linh, thu hút đông đảo quan khách. Củ sâm đạt giải Nhất có giá khởi điểm 180 triệu đồng, sau một hồi đấu giá kịch tính, củ sâm này được một đại gia ở Quảng Nam mua với giá 250 triệu đồng.
Củ sâm của Hợp tác xã Cộng đồng phụ nữ Đăk Viên được một khách hàng mua với giá 65 triệu đồng (chênh lệch với giá khởi điểm 5 triệu đồng). Số tiền chênh lệch qua đấu giá được ủng hộ cho huyện Tu Mơ Rông giúp đỡ dân nghèo.
Sau phiên đấu giá, ông A Chung, người đã phát hiện, chăm sóc và bảo vệ củ sâm Ngọc Linh suốt 8 năm, đạt giải Nhì, vui vẻ tiết lộ: “Năm 2014 mình phát hiện 2 củ sâm trong khu rừng tự nhiên. Cả hai củ nằm trong hốc cây gần suối nước mát lạnh nên lớn rất nhanh.
Phiên chợ sâm Ngọc Linh được UBND huyện Tu Mơ Rông tổ chức từ ngày 6-9/2, không chỉ nhằm chào mừng Kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 110 năm Ngày thành lập tỉnh Kon Tum, mà còn là hoạt động thiết thực để bảo vệ thương hiệu “Quốc bảo” sâm Ngọc Linh.
Ngoài 50 gian hàng bày bán sâm Ngọc Linh và các sản vật địa phương, phiên chợ lần này có Chương trình chắp cánh ước mơ cho thanh thiếu niên Tu Mơ Rông, Hội thảo liên kết về phát triển du lịch huyện Tu Mơ Rông năm 2023, Hội thi Sâm Ngọc Linh lần thứ 1 và Lễ hội Khinh khí cầu Bay về đại ngàn.
Hồi đó cứ vài tuần mình lại vào thăm, bổ sung mùn đất. May cái cả 2 củ sâm đều nằm ở diện tích rừng của mình được giao khoán chăm sóc, trồng sâm Ngọc Linh nên rất tiện trông nom. Kỳ công lắm, sợ chuột ăn, sợ người lấy nên có đêm mình đang ngủ mơ nó mất lại phải chạy ra xem”.
Vườn sâm của ông A Chung rải rác trong diện tích khoảng 5 sào. Sâm đa phần trên 5 năm tuổi, còn loại như củ sâm đem đi đấu giá chỉ có 2 năm.
Để nuôi dưỡng được một cây sâm Ngọc Linh, người dân phải rào bằng thép gai, bẫy chông. Chuột và sóc cũng là kẻ thù số một của người trồng sâm, bởi loài vật này cũng rất thích sâm Ngọc Linh. Bởi thế, không chỉ túc trực hằng ngày, buổi đêm người dân phải đặt bẫy chuột, sóc. Những củ sâm tuổi đời càng cao càng giá trị.
Gắn với bảo vệ rừng
Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã tới núi Ngọc Linh để thăm vườn sâm Ngọc Linh tại xã Măng Ri (huyện Tu Mơ Rông). Sau khi thực địa, Bộ trưởng đề nghị các doanh nghiệp cần thắt chặt mối quan hệ với bà con để có những hợp tác lâu dài, bình đẳng trong việc phát triển cây sâm Ngọc Linh. Từ giá trị và tiềm năng của sâm Ngọc Linh sẽ tạo ra câu chuyện để thu hút khách du lịch.
Theo ông Hoan, làm du lịch không chỉ nhắm vào việc kiếm tiền mà phải cho du khách trải nghiệm được văn hóa của đồng bào dân tộc nơi đây, cũng như vẻ đẹp và giá trị của thiên nhiên vùng đất này mang lại. Muốn vậy, phải có những câu chuyện đặc sắc, như câu chuyện thú vị về những cây sâm Ngọc Linh nhiều năm tuổi.
Theo ông Hoan, điều đáng quý là phát triển sâm Ngọc Linh gắn với công tác bảo vệ rừng. Bởi thế, việc doanh nghiệp cùng người dân chia sẻ lợi ích hài hòa vừa nâng cao giá trị kinh tế vừa giữ được rừng và gắn với phát triển du lịch.
“Thế giới đã biết đến sâm Ngọc Linh là loại sâm rất tốt, có tác dụng cho sức khỏe thì những câu chuyện liên quan đến văn hóa, du lịch, đời sống của người dân bản địa xung quanh càng được quan tâm”, ông Hoan nói.