> Công khai đối tượng sản xuất chè bẩn
“Trước nay vẫn phơi thế”
Đi dọc quốc lộ 37, một đoạn chỉ mới gần 20 km từ TP Yên Bái dẫn vào 2 huyện Trấn Yên và Văn Chấn của tỉnh Yên Bái, ai cũng có thể thấy chè (sau khi vò) được phơi dọc quốc lộ, lấn cả ra đường. Trên con đường hẹp chạy qua núi rừng Tây Bắc, từng lớp bụi bốc lên giữa cái nóng hè oi bức, ô tô tránh nhau còn phải khéo lựa lái để tránh những bãi chè bán thành phẩm phơi ngổn ngang.
Anh Vũ Văn Du (xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên) thật thà nói với PV rằng không chỉ làm chè ven quốc lộ mới mang chè ra đường phơi, cả những hộ nằm sâu trong đồi rừng cũng tràn ra đây, chọn lấy những khoảng trống để phơi…
Có lẽ, chỉ một lần mục kích cảnh phơi chè trên, nhiều người đã rùng mình, chứ chả phải đợi đến khi báo chí đưa tin phát hiện chè trộn lẫn những là phân lân, bùn, xi măng khi chế biến. Xưởng nhà anh Du được coi là có đầu tư mạnh tay hơn nhiều hộ khác trong xã với bom chè, cối vò, bàn sàng... nhưng các khâu chế biến vẫn hết sức giản đơn: Chè tươi hái về phơi tạm, không qua rửa, cho vào bom sấy, đưa lên cối vò, rồi… đổ ra ven đường hong.
Trên mặt sàn xưởng loang lổ những đất cát, bụi bẩn, người lớn trẻ con sẵn chân giày dép túm tụm cùng nhau làm chè, lại thêm đàn gà thoải mái bới bãi chè kiếm mồi...
Ghé thăm hàng chục nông hộ, lúc thì trong vai người đi mua măng rừng, khi là người thu mua chè, PV Tiền Phong chưa được chứng kiến việc người làm chè trộn phân lân, bùn đất, xi măng vào chè. Nhưng, họ đều thừa nhận khi vò chè thường cho lẫn bột gạo hoặc bột sắn, đó là loại “phụ gia” để tăng độ kết dính, khiến lá chè già có thể xoăn lại.
Cách làm chè thủ công phi truyền thống này được rỉ tai nhau, lan khắp nhiều vùng trồng chè. Và, do tin rằng việc trộn “phụ gia” này không gây hại cho người tiêu dùng lại dễ làm chè, nên người nông dân vẫn coi đó là một công thức hoàn hảo.
Tạt qua nhà anh Trần Văn V., anh Dương Văn Đ. (những hộ được coi là lớn trong xã Hưng Thịnh, Trấn Yên), bất kỳ ai cũng có thể ái ngại khi tận thấy sân bãi, máy vò bẩn, bao đựng chè bám bụi thâm đen, nhân công ra vào trên đống chè quên... tháo dép.
Một số nhân công cũng không ngần ngại “phím” cho PV cách phân biệt chè bẩn, bằng cách bốc một nắm chè hoà vào nước hoặc xoa trên tay, nếu chè “bẩn” có thể thấy bụi lắng trong nước hoặc bám lòa xòa trên tay. Thiếu sân phơi, lại quen với bụi rác, dùng "phụ gia" bột sắn, những nông hộ chế biến chè nhỏ ở Yên Bái hồn nhiên nói với nhà báo: “Trước nay em vẫn làm thế, phơi ra thế”.
Còn nhiều cơ sở chế biến nhỏ chưa đảm bảo ATVSTP
Chè bẩn là có thật
Cuộc làm việc sau 2 ngày đi thực tế giữa Đoàn kiểm tra đến từ Bộ NN&PTNT với Sở NN&PTNT tỉnh Yên Bái, đã kết luận thông tin về chè bẩn nêu trên Tiền Phong và một số báo là đúng. Những cơ sở chế biến nhỏ tại một số xã thuộc 2 huyện Trấn Yên và Văn Chấn đã dùng những phụ gia (bột gạo, sắn, ngô) đấu trộn với chè búp tại xưởng có công cụ sơ sài, tạm bợ, rồi mang chè ra phơi ven đường. Hệ lụy là chè có lẫn tạp chất như phân gà, rác, bụi đường... rất mất vệ sinh.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Phạm Văn Lái, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Yên Bái, nói ông chưa thừa nhận chữ “chè bẩn” mà chỉ gọi đó là “chè kém chất lượng và không đảm bảo VSATTP”. Ngay ngày đầu tiên cử 2 đoàn kiểm tra về một số địa bàn, ông Giám đốc Sở đã cho lấy một số mẫu chè đưa về Sở Y tế giám định, làm cơ sở xử lý.
Song, ông Lái cũng khẳng định, bột gạo, sắn, ngô mà nông dân trộn đấu vào chè không được quy định là chất phụ gia khi chế biến, nên bước đầu lực lượng kiểm tra của Yên Bái đã tịch thu, nghiêm cấm chế biến, mua bán chè trộn bột.
Bên cạnh đó, lực lượng đi kiểm tra, xử lý chè bẩn không tránh khỏi lúng túng. Một cán bộ quản lý thị trường tỉnh Yên Bái nói, không biết nên áp dụng điều khoản nào, chế tài nào để xử lý chè kém chất lượng, nên nhiều lần chỉ biết... nhắc nhở nông dân.
Chính cán bộ thuộc Đoàn kiểm tra của Bộ NN&PTNT cũng cho biết, đến nay vẫn chưa có quy chuẩn về quy trình sản xuất chè đối với nông hộ nhỏ. Từ thực tế trên, tới đây Bộ mới chuẩn bị cho ra đời quy chuẩn này.
Xử lý lãnh đạo địa phương, nếu tái diễn chè bẩn
Điều ghi nhận là ngay sau khi có thông tin báo chí về chè bẩn, UBND các tỉnh Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ, Thái Nguyên (những vùng chè lớn của cả nước) đã họp các ban ngành liên quan, ra công điện chỉ đạo khẩn. Tại Yên Bái (vựa chè lớn thứ hai cả nước), chưa đợi Đoàn kiểm tra của Bộ NN&PTNT đến thị sát, tỉnh đã triển khai 2 đoàn công tác xuống các huyện để kiểm tra, xử lý chè bẩn.
Ngay buổi kiểm tra đầu tiên, tỉnh Yên Bái đã tịch thu gần 3 tạ chè kém chất lượng của 2 cơ sở chế biến nhỏ ở Văn Chấn vì không đảm bảo ATVSTP. Đến chiều 23-7, Yên Bái xác nhận không còn chè phơi ven đường. Tỉnh Tuyên Quang cũng tịch thu hàng tấn chè bẩn.
Liên ngành Công an, Quản lý thị trường, Y tế cũng được huy động rốt ráo. Một phó chủ tịch tỉnh trực tiếp đi cùng đoàn kiểm tra cho biết, đã “trói” trách nhiệm đến lãnh đạo huyện, xã nếu để địa phương tái diễn chè bẩn.
Trong một diễn biến khác, một nông dân ở Yên Bái cho biết, khoảng 2 tháng gần đây, loại chè vàng (còn gọi là chè tầm, chè kém chất lượng) chỉ với giá 14-15.000đ/kg sản xuất đến đâu thì tiêu thụ hết đến đó. Như vậy chuyện chè bẩn có sức sống mạnh đã được giải mã bởi nó được đầu nậu thu mua rốt ráo.
Theo một báo cáo của huyện Trấn Yên, 2 tháng qua, vùng này đã ngốn hơn 1.000 tấn nguyên liệu khi nông dân lạm dụng máy hái chè cắt sâu xuống cuống. Hệ lụy dẫn đến là vùng nguyên liệu này khan hiếm chè búp tươi nghiêm trọng, khiến nhiều cơ sở, nhà máy lớn rơi vào cảnh hoạt động cầm chừng; hàng vạn nông dân cũng lâm cảnh ngồi dài cổ đợi chè ra búp mới…
Có thông tin nghi ngờ rằng, chính việc đầu nậu tận thu chè “bẩn” nhằm phá hoại sản xuất (!?). Chẳng biết đúng sai thế nào, song Công an các tỉnh Yên Bái, Tuyên Quang cho biết, đã giao lực lượng cảnh sát và an ninh kinh tế vào cuộc làm rõ.