Hỏi Tân Nhàn: “Có phải chị đang trên mây?”. Ca sỹ tươi cười đáp: “Tôi vui nhưng không đến mức lâng lâng. Thực ra, dòng nhạc chính thống nói chung, phong cách nhạc dân gian nói riêng lâu nay rất “lép vế” so với dòng nhạc trẻ. Giải thưởng phần nào phản ánh sự thay đổi về quan điểm, xu hướng nghe của giới trẻ. Đó là tín hiệu đáng mừng. Tôi nghĩ thế và mừng vì điều đó chứ không phải vì thắng lợi của bản thân”.
Vượt lên “Truyện ngắn” của Hà Anh Tuấn, chẳng phải chuyện vừa. “Người đàn ông và bông hoa trên ngực trái” được đánh giá có tư duy âm nhạc văn minh, một “nam thần” trong mắt fan trẻ, liveshow của anh cháy vé là chuyện thường. Thế mà, Tân Nhàn vẫn linh cảm Trở về sẽ “thắng”. Chìa khóa giúp nghệ sỹ vững tin nằm ở chất lượng chương trình: “Một chương trình hoành tráng, với sự nỗ lực của cả một ê kíp hùng hậu để đưa âm nhạc truyền thống lên sân khấu lớn như một chương trình nghệ thuật đương đại, khán giả đón nhận nồng nhiệt, được vinh danh không có gì bất ngờ”, chị nói.
Nhiều khán giả yêu tiếng hát Tân Nhàn nhận định, nghệ sỹ đã chọn đúng thời điểm để tổ chức liveshow, khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp. Thưởng thức Trở về có khán giả nhất định bình chọn, Tân Nhàn là nữ hoàng của dòng nhạc dân gian. Một số bạn trẻ khen: Chị ấy “live như phòng thu”. Tìm ca sỹ “live như phòng thu” bây giờ không dễ. Muốn biết “live như phòng thu” thật sự thế nào, xem Trở về đủ choáng. Dù thắng lợi trên nhiều phương diện, song Tân Nhàn thú nhận: Liveshow để đời lỗ đôi tỷ. May mắn, chị chỉ phải gánh chút đỉnh, còn lại các nhà tài trợ gánh thay.
Hành trình từ “trăng khuyết”
Không ít lời đồn, Tân Nhàn giàu ngầm. Chị cười, không thanh minh về sự giàu/nghèo, chỉ nói: “Tôi cảm thấy hài lòng với công việc của mình. Nó mang lại thu nhập, nuôi sống tôi, cũng như gia đình”.
Tân Nhàn của ngày hôm nay đã khác xưa ở vẻ ngoài, nếu nói như nhà thơ Nguyễn Bính thì “hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”. Nhưng vẫn còn đó một Tân Nhàn của thuở “Trăng khuyết” trong giọng nói đậm màu xứ sở, với nguyên âm “e” kéo dài, chỉ cần nghe qua đã biết không phải “người Tràng An”. Còn một điều nữa ở chị không bị bụi thời gian làm mờ, đó là tình yêu với dòng nhạc chính thống nói chung, với phong cách âm nhạc dân gian nói riêng.
Đã có thời điểm bolero tạo mưa gió trên thị trường ca nhạc, sức hút của nó mãnh liệt đến mức lôi cuốn cả những ca sỹ nổi tiếng thuộc những dòng nhạc khác. Trong cơn lốc ấy, Tân Nhàn vẫn đứng yên: “Bởi vì tôi quá đam mê với dòng nhạc chính thống và phong cách âm nhạc dân gian. Tôi sẽ chung thủy với con đường đã chọn. Đó là mảnh đất màu mỡ dẫu đi suốt cuộc đời, tôi cũng không thể khai thác hết”. Liveshow Trở về chuyển tải thông điệp: Trở về với mẹ, với quê hương, với cội nguồn văn hóa dân tộc. Có khán giả sau khi thưởng thức Trở về, đã thốt lên: Nhờ Tân Nhàn mới thấy âm nhạc chèo, xẩm, quan họ… dễ gần đến vậy.
“Trộn” chèo với jazz
Sau chiến thắng ngoạn mục của Trở về, khán giả mong ngóng Tân Nhàn tái xuất trong một liveshow hoành tráng khác. Liệu chị có thừa thắng xông lên? “Năm nay tôi dự định làm đĩa than kết hợp âm nhạc truyền thống với nhạc jazz và nhạc giao hưởng. Tôi ấp ủ dự án này đã hai năm nay, bởi muốn đưa đến cho khán giả cách tiếp cận âm nhạc truyền thống mới, tiệm cận với cách nghe của thế giới”.
Những ai theo dõi hành trình nghệ thuật của Tân Nhàn hẳn còn nhớ album “Yếm đào xuống phố” của chị (ra mắt năm 2013) đã kết hợp chèo với jazz. Những “món ăn” mới lạ không chinh phục được khán giả ngay lập tức. Song dần dần thượng đế đồng ý rồi tán thưởng khi Tân Nhàn khoác áo mới cho âm nhạc truyền thống. Khi trộn âm nhạc truyền thống cùng nhạc jazz, nhạc giao hưởng, Tân Nhàn xác định đích đến: Mở rộng đối tượng khán giả. Trước đây, fan “ruột” của Tân Nhàn là những người ở độ tuổi trung niên hoặc cao niên song bây giờ chị đã có nhiều fan trẻ.
Tôi hỏi nữ ca sỹ: “Có định hát ca khúc truyền thống bằng tiếng Anh không? Cách này cũng rất dễ chiếm cảm tình của người trẻ”. Chị đặt câu hỏi ngược lại: Tại sao người Việt vẫn nghe nhạc Tây, trong khi chưa chắc hiểu người ta hát gì? Tại sao người Tây không thể nghe nhạc ta? Rồi Tân Nhàn kết luận: “Người nghe thưởng thức giai điệu âm thanh là chính. Hát âm nhạc truyền thống của mình bằng tiếng của người ta, tôi từ chối cách làm này”. Lại hỏi Tân Nhàn có ý định chinh phục thị trường phía Nam hay không? Chị cười: “Tôi không nghĩ nhiều đến vậy. Cũng không phân biệt khán giả miền Nam hay miền Bắc, tôi không có khái niệm vùng miền trong âm nhạc. Ở đây, âm nhạc là âm nhạc của Việt Nam. Tôi sẽ làm một thứ âm nhạc để ai cũng có thể cảm nhận được vẻ đẹp của nó”.
Trở về để đi tiếp
Hơn 15 năm làm kiếp “con tằm nhả tơ”, ca sỹ sinh năm 1982 luôn thể hiện sự dồi dào năng lượng, mạnh mẽ, bứt phá trong tư duy âm nhạc. Tân Nhàn luôn bận rộn. Chị không đi diễn thì cũng vào phòng thu. Đến nay, Tân Nhàn đã cho ra mắt 11 album mà mỗi album lại đưa người thưởng thức tới một khám phá mới. Ngay mùa Cô Vy chị cũng không cho phép mình được rảnh. Tân Nhàn vẫn tập bài, tập đàn, nghiên cứu tài liệu âm nhạc.
Là một trong những nghệ sỹ giữ gìn hình ảnh, chị lựa chọn từng chương trình tham gia và từ chối trả lời những câu hỏi của báo chí đi sâu vào đời sống riêng. Ngoài biểu diễn, Tân Nhàn còn là một giảng viên. Hiện nay, chị giữ vị trí Phó trưởng Khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. “Một giảng viên, một nghệ sỹ biểu diễn, hai vai trò này hỗ trợ cho nhau. Nhờ biểu diễn thường xuyên tôi có kinh nghiệm, tư duy mới cho sinh viên. Ngược lại, việc giảng dạy hỗ trợ cho việc biểu diễn, giúp tôi giữ nghề được lâu hơn, không bị quên kiến thức đã được học”, chị chia sẻ. Năm 2019, ngoài việc tổ chức thành công 2 liveshow Trở về, Tứ ân, chị còn bảo vệ thành công luận án tiến sỹ chuyên ngành âm nhạc học. Tân Nhàn chính là một trong những tiến sỹ thanh nhạc trẻ nhất Việt Nam hiện nay.