Tận mục cây sanh độc nhất vô nhị ở Việt Nam

Với những thế độc nhất vô nhị và tuổi đời hàng trăm năm, cây sanh đẹp nhất Việt Nam ở Nghệ An vừa được công nhận là cây di sản.  

Cây sanh cổ thụ nằm bên bờ suối ở khu rừng xã Giai Xuân, Tân Kỳ, Nghệ An, cách đường giao thông vài km. Các ngành chuyên môn đánh giá đây là cây sanh đẹp nhất Việt Nam có tuổi đời hàng nghìn năm.
Sáng 30/8, ông Phạm Văn Hóa, Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ (Nghệ An) cho biết, Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (TN&MT), vừa trao bằng vinh danh cây sanh cổ thụ nghìn năm tuổi tại xã Giai Xuân là cây di sản Việt Nam.
Đây là cây di sản Việt Nam thứ ba ở Nghệ An được công nhận, sau cây sa mu ở rừng quốc gia Pù Mát và cây lộc vừng ở đảo Ngư.
Cây cao 27 m, tán lá rộng 35 m, gốc và thân ôm trọn hai khối đá hoa cương có hình thù tượng trưng cho sự tích bánh chưng, bánh dày.
Theo các chuyên gia cây cảnh thì cây sanh cổ thụ hình "mâm xôi con gà", "phượng múa rồng bay" là một kiệt tác thiên nhiên tuyệt đẹp ở xóm Kẻ Mui, xã Giai Xuân, Tân Kỳ, Nghệ An; Nếu tính ra tiền thì nó có giá hàng trăm tỷ đồng.
Gốc cây sanh ngậm lấy hai khối đá to trông như một “mâm xôi con gà”, khối đá to phía bên dưới là mâm xôi, còn khối đá nhỏ nằm trên là con gà, rễ bám quanh khối đá như cái chân gà, khi thân chính của cây lại là phần đầu của con gà đang ngóc lên. Còn phía trên ngọn cây là hình hai con rồng uốn lượn, những cành cây tua tủa bện xoắn lại với nhau như “phượng múa rồng bay"..
Phần thân của cây sanh là những cành cây bên xoắn vào nhau tỏa ra một vùng rộng khoảng 50 mét. Thân cây sanh này có chiều cao khoảng hơn 40 mét.
Ngoài ra, xung quanh thân cây này có 4 rễ cây mọc từ trên cao cắm thẳng xuống đất trong như 4 cái chân đảm bảo sự vững chắc cho cây sanh trước mưa bão, gió mạnh
Người dân nơi đây cho hay, từ những lời đồn về vẻ đẹp, thế long phượng của cây sanh ở xóm Kẻ Mui, nhiều đại gia, chuyên gia cây cảnh tìm về tận nơi để được nhìn thấy và không ngại bày tỏ sẵn sàng bỏ triệu đô để được sở hữu cây sanh này. Có người còn đề nghị mua lại mảnh đất xung quanh đó để chiếm lấy cây sanh.
Tuy nhiên dân làng ở đây đều không ai đồng ý bán, mặc dù số tiền đó đối với họ là cực lớn. Tất cả đều thừa nhận cây sanh là tài sản vô giá, không bán với bất cứ giá nào.

Theo Theo Kiến Thức