Tản mạn mùa cưới xin

TP - Xưa mùa cưới thường vào cuối năm, khi rơm lên đống, thóc vào bồ, đó là những ngày nông nhàn. Cưới mà không theo mùa hay vào mùa hè chỉ là do cô dâu tương lai đã trót mang bầu, phải cưới cho nhanh khi sự việc chưa vỡ lở.

> Tản mạn ngày 21/6
> Tản mạn một thời Hồ Đức Việt

Lệ thường ở thôn quê ngày cưới têm trầu để mời quan viên hai họ có khi phải tập trung ba bốn người thạo việc. Các bà vừa têm trầu vừa rỉ rả những câu chuyện mà họ quan tâm. Có khi việc têm trầu kéo đến quá nửa đêm. Trầu têm xong được sắp sẵn vào các khay để ngày mai khách đến là sẵn sàng đem mời.

Miếng trầu là đầu câu chuyện. Ngày cưới không có miếng trầu đám cưới đâm ra nhợt nhạt. Cái tinh thần chuyện trầu cau đó ai cũng biết trong các ngày cưới. Nó như tinh thần đi trước của đám cưới dù không phải miếng ăn no bụng. Nên dẫn cưới không thể thiếu cau trầu.

Miếng trầu trong ngày cưới đã thành như thứ triết học về tình yêu. Ăn miếng trầu là bồi bổ cho tình gia tộc, vợ chồng, tình làng xóm chắn vén cho nhau. Miếng trầu là tinh thần bất diệt của tình lứa đôi một thời. Nó có giá trị rất nhân bản.

Miếng trầu gồm mấy thứ là lá trầu không, vôi tôi, cau và không thể thiếu miếng vỏ đỏ. Thiếu nó miếng trầu không được hâm nóng sắc đỏ tươi.

Giống cây vỏ đỏ thì đã mất giống từ lâu. Nó là rễ của một loại cây dùng để ăn trầu mà tôi cũng chưa được nhìn thấy loài cây ấy.

Hết vỏ đỏ, người ta khai thác sang vỏ phách. Phách là loài đại thụ. Trong bài thơ Việt Bắc, Tố Hữu viết “Ve kêu rừng phách đổ vàng/ Nhớ cô em gái hái măng một mình” là nói về loài cây này đấy. Phách nằm trong nhóm gỗ tạp, rễ phách thay vỏ đỏ ăn trầu sắc tươi không bằng nhưng cũng hợp vị. Cây phách bây giờ cũng mất giống vì người ta chỉ khai thác thiên nhiên có sẵn chứ không ai trồng phách.

Sau vỏ rễ phách thì đến vỏ rễ chay. Giờ thì hầu như chỉ còn vỏ rễ chay. Cây chay cho quả, là loài cây nửa rừng nửa nhà nên nó mất ở rừng thì người ta vẫn trồng vườn nhà bằng hạt được.

Hằng năm, mùa cưới là mùa lo sợ của các loài cây nói trên. Mất rễ là tiêu luôn sự sống. May thay người ta chỉ bới rễ nhánh, để lại phần rễ trụ nên cây chỉ chột rồi lại tái sinh bộ rễ mới.

Miếng trầu ngày cưới mà không có vỏ rễ, ăn cùng nó giống như canh nhạt muối, như rượu không men, bã trầu không thắm, nhờn nhợt thiếu hẳn sức sống. Nên gì thì cũng phải tìm ra vỏ rễ. Bây giờ nhiều đám cưới không còn ai ăn trầu, trừ vài vùng nông thôn. Lễ cưới dẫn trầu cau chỉ còn như tục lệ. Còn cưới khách sạn thì giống như liên hoan tổng kết các mối tình, cho xong một việc. Hai thùng to diêm dúa hình trái tim để trước phòng tiệc cho khách bỏ phong bì mừng, trông phập phồng mà không thấy tình yêu. Còn trầu cau ư, ai còn nhớ.

Dần dần trầu ít người ăn, mất dần trên bàn nước ngày cưới thì tinh thần miếng trầu cũng phôi pha theo dòng chảy của xã hội. Xưa giàu nghèo gì không biết, nhưng làm nhà, cưới vợ, tậu trâu là ba việc lớn trong đời một con người, giờ nó xê dịch tận đâu đâu.

Chữ viết cải tiến đơn sơ đi, bớt nét đi mà vẫn nhận ra là được, còn cưới xin chỉ là bữa cỗ mời ăn chứng kiến cho phần kết của mối tình bằng tiền của chính khách được mời là xong. Thôn quê nghèo nhưng việc cưới xin xem ra còn được coi trọng về cốt lõi. Còn phố phường thì nặng phô trương, không thấy thực chất. Mà phô trương thì tốn kém vô cùng.

Mùa cưới năm nay, cô bạn tôi kể chuyện: Eo ơi, có tháng em nhận đến tám cái giấy mời, chả biết đi ai bỏ ai, không đi không được. Mà nhạt nhèo thì ba trăm, trung bình thì năm trăm. Đi hết có mà phải nhịn ăn chừng hai tháng lương. Cưới xin tưởng là ngày vui đến mừng cho bạn mà thành gánh nặng… Người ta bảo “Nợ tiền năng trả thì vơi/ Nợ tình năng trả ai ơi càng đầy” là cái nghĩa khác, nhưng nghĩa đen thì đúng là chỉ còn biết kêu “Ai ơi…” !

Theo Báo giấy