Tầm nhìn, năng lực có vấn đề

TP - Ông Nguyễn Thịnh Thành, Chánh văn phòng UBND TP Hà Nội đã trao đổi với báo chí xung quanh việc TP Hà Nội tiến hành thu hồi giấy phép trông giữ trên 262 tuyến phố, cũng như các giải pháp nhằm giảm ùn tắc giao thông.
Ông Nguyễn Thịnh Thành

> Hà Nội cần đầu tư xây điểm đỗ xe theo quy hoạch

Ông Nguyễn Thịnh Thành.
 

Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng, trong khi chưa phê duyệt địa điểm trông giữ xe thay thế thì việc UBND TP Hà Nội tiến hành thu hồi giấy phép trông giữ trên 262 tuyến phố vừa qua là một quyết định vội vàng, gây khó khăn cho nhiều người dân?

Vừa qua, thành phố thu hồi giấy phép 262 điểm đỗ xe, nhưng thực ra nhiều điểm đỗ trong số này có tính tự phát, gây cản trở giao thông, vì vậy chúng tôi quyết liệt làm đợt này như vậy.

Cùng với đó TP Hà Nội chỉ đạo ngành giao thông, ngành xây dựng cũng như các quận trên địa bàn TP Hà Nội làm sao phối hợp tìm, chọn được những điểm đỗ phù hợp để đáp ứng được nhu cầu cho nhân dân nhưng vẫn đảm bảo được an toàn giao thông và sự thông thoáng cho đường phố. Đặc biệt là không sử dụng hè phố vào mục đích kinh doanh làm ùn tắc giao thông, còn các điểm đỗ hợp lý thì vẫn để lại.

Được biết, Sở GTVT đã trình UBND TP phương án sắp xếp, bố trí các điểm đỗ xe cho các tuyến phố vừa bị thu hồi. Vậy khi nào phương án trên sẽ triển khai được?

Các phương án, danh mục các tuyến phố được bố trí điểm đỗ xe do Sở GTVT trình TP thì Phó Chủ tịch UBND Nguyễn Văn Khôi sẽ trực tiếp xem xét và quyết định ngay trong cuối tháng này và đầu tháng tới. Việc này sẽ làm sau khi TP cho tập trung rà soát lại để có những quy định, quyết định chính thức.

Bộ GD&ĐT có đề xuất với TP về việc cấp các quỹ đất sạch để họ di chuyển các trường ĐH, CĐ ra khỏi nội đô. Vậy khi nào TP sẽ thực hiện việc này và các quỹ đất sau khi di dời TP sẽ sử dụng vào mục đích gì, thưa ông?

Trên cơ sở quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt thì TP Hà Nội cũng kiến nghị với các bộ ngành T.Ư, đặc biệt là Chính phủ cho phép thực hiện các cơ chế, bởi hiện nay quy hoạch đã có. Một là cơ chế về tài chính để đảm bảo có nguồn lực để di dời các trường ĐH, CĐ sang các quỹ đất sạch đã có quy hoạch.

Chúng ta tiếp quản lại các vị trí sau khi di dời chủ yếu vào mục đích công. Cụ thể, đối với các trường học chủ yếu sẽ dùng cho các Viện nghiên cứu, để giảm tải số lượng người phải làm việc trực tiếp tại các địa điểm này. Hai là đối với các cơ quan, trụ sở Bộ ngành T.Ư di dời thì phải chọn lọc làm sao để chúng ta có cơ chế là để không chất tải lên các vị trí này nữa.

Hiện nay, có một số đơn vị như trước đây là chúng ta xây dựng những khu chung cư rất lớn, cao tầng thì vô hình trung là chất tải thêm lượng người, phương tiện rất lớn, gây áp lực lớn cho giao thông Thủ đô.

Hà Nội có đề nghị tăng mức phí và lệ phí để hạn chế phương tiện cá nhân, trong khi Bộ Tài chính lại cho rằng, ở một số nước họ chỉ áp dụng một trong hai loại phí thôi. Và thực tế hiện nay Hà Nội đã tăng kịch trần các loại phí, ông nghĩ sao?

Trên cơ sở thực tiễn TP Hà Nội vừa mới đề xuất và được HĐND TP cho phép thì chúng tôi thấy rằng, trong những điều kiện cần thiết thành phố vẫn có thể có thêm những mức tăng tiếp. Nhưng sẽ tăng ở những khu vực hợp lý chứ không phải tăng tràn lan, thậm chí có loại phí phải hạ xuống.

Hà Nội đã quy hoạch để xây nhiều dự án bãi đỗ xe, nhưng thực tế các dự án này triển khai rất chậm, thậm chí một số dự án đang biến thành các trung tâm thương mại hoặc xây nhà cao ốc?

Thành phố sẽ tiếp tục khắc phục tình trạng này. Bởi vì, đúng là trước đây tầm nhìn, năng lực cũng có những vấn đề nhưng đến thời điểm này thì thành phố sẽ phải điều chỉnh ngay.

Nguyễn Tú (thực hiện)

Theo Báo giấy