Tấm lòng người Viettel với đồng bào vùng biên

Trao tặng bò giống, tặng xi măng cứng hóa nền nhà, tặng các suất học bổng hiếu học, tổ chức khám sàng lọc và phẫu thuật tim bẩm sinh miễn phí... là các chương trình an sinh xã hội hiệu quả của Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) triển khai tại nhiều xã nghèo, huyện nghèo tỉnh Hà Giang thời gian qua.
Con bò nhà Vừ Mí Sử vừa sinh thêm 1 con bê

Những hoạt động trên không chỉ mang đến cho người dân vùng giáp biên cơ hội cải thiện về chăm sóc sức khỏe, nâng cao dân trí mà quan trọng hơn là giúp người dân giảm nghèo bền vững theo chủ trương của Chính phủ.

Nuôi bò không khó đâu...

Sau mấy tiếng đồng hồ di chuyển bằng cả ô tô và đi bộ, nhiều đoạn trơn trượt tưởng chừng không đi nổi, chúng tôi cũng đến được nhà anh Vừ Mí Sử ở thôn Xín Chải, xã Xín Chải, huyện Mèo Vạc là một trong những hộ dân được Viettel trao tặng 1 con bò giống từ năm 2014.

Lúc này, Sử đang lúi húi chăm bò, lợn phía sau nhà. Bên con bò mẹ khỏe mạnh đã thấy một con bê nhỏ lông bóng mượt. Thấy khách đến, Vừ Mí Sử khoe ngay: “Được cho 1 con bò, giờ đã thành 2 con rồi. Vợ lại vừa sinh con trai được hai tuần, nên giờ chỉ tập trung làm ăn, nuôi vợ và con thôi“...

Sử có vốn tiếng Kinh kha khá. Anh bảo: “Nuôi bò không khó đâu. Chỉ cần chăm chỉ cắt cỏ cho bò ăn. Cỏ thì trồng nhiều ở đồi gần nhà rồi“. Ngoài bò của Viettel tặng, Vừ Mí Sử nuôi lợn, mới đây còn vay vốn mua thêm bò. Bán lợn, bán bò lớn đi mua bò bé về chăm sóc...

Cách nhà Vừ Mí Sử không xa, nhà anh Thào Mí Li (SN 1984) cũng mới được Viettel tặng 1 con bò. Vợ chồng Li không có ruộng nương, chỉ có 1 con bò và 1 con lợn. Nhà nghèo, đất chật, chưa có điều kiện làm chuồng trại nên vợ chồng Li phải gửi nhờ bò và lợn bên chuồng nhà hàng xóm. Mỗi lần nấu cám và cắt cỏ về, vợ Li lại mất công gùi lên đồi cho lợn, bò ăn.

Li không nói được tiếng Kinh, mồ côi bố từ nhỏ, mẹ đi lấy chồng khác nên vợ chồng côi cút bảo nhau chăm chỉ làm ăn, thế mà cứ nghèo mãi. Cũng may được Nhà nước cho tôn lợp mái, dựng nhà. Li bảo: “Bò vẫn chưa cày được, phải mượn hàng xóm. Nhưng chỉ năm nay thôi, sang năm mình cũng có bò cày rồi. Nếu nó đẻ thêm 1 con nữa thì càng tốt“.

Gia đình Vừ Mí Sử và Thào Mí Li chỉ là 2 trong số hàng chục ngàn hộ nghèo vùng giáp biên trên cả nước được tặng bò trong chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới” - chương trình hỗ trợ vật nuôi lớn nhất từ trước đến nay. Với họ, con bò là tài sản lớn nhất và giá trị nhất trong nhà và đang tạo cơ hội giúp họ phát triển kinh tế, vươn lên thoát khỏi cuộc sống nghèo đói.  

Tính đến hết tháng 10/2015, chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới” đã hoàn thành việc trao tặng 24.000 con bò cho đồng bào 11 tỉnh biên giới phía Bắc và Tây Bắc, trong đó tỉnh Hà Giang hoàn thành sớm nhất với 2.208 con. Nhờ được hướng dẫn chăm sóc hiệu quả, đàn bò sinh trưởng tốt, tính đến hết tháng 10/2015, đã có 20 bê con được sinh từ đàn bò của chương trình, trong đó Hà Giang đứng đầu với 8 con, tiếp đến là Lào Cai: 7 con, Điện Biên và Nghệ An: 2 con, Sơn La: 1 con. Qua theo dõi, báo cáo từ cơ sở hiện có gần 200 con đang mang thai, thời gian tới sẽ cho ra đời bê con mới, thực sự mang lại niềm vui và hiện thực hóa cơ hội phát triển kinh tế, giảm nghèo cho các hộ dân vùng biên.

Viettel tổ chức khám sàng lọc miễn phí tim bẩm sinh tại Hà Giang

Nỗ lực cải thiện điều kiện sống cho hộ nghèo

Ngoài trao tặng bò, Viettel còn tặng xi măng cho đồng bào vùng biên ở Hà Giang láng nền nhà, xây chuồng trại, cải thiện điều kiện sống. Nhà anh Lầu Mí Sình (SN 1989) ở thôn Sủng Trà, xã Sủng Trà, huyện Mèo Vạc là một trong những hộ đầu tiên được Viettel tặng xi măng.

Dù không nhớ đã được tặng bao nhiêu xi măng, nhưng Lầu Mí Sình lại nhớ rất rõ những công trình gia đình anh cải tạo được từ chỗ xi măng Viettel tặng: „Mình xây được bể nước, láng sân, nhà vệ sinh và nhà tắm. Giờ mình không mong gì hơn nữa đâu“, Sình cho biết.

Chị Hờ Thị Dí – Bí thư Chi bộ thôn Sủng Trà cho biết: 13 gia đình trong thôn được tặng xi măng từ Viettel đều đã cải thiện điều kiện sống rõ rệt, thay đổi thói quen sinh hoạt vệ sinh hơn. Bà con đã trữ được nước sạch để dùng; có nhà vệ sinh sạch sẽ; có nhà tắm thay vì quây bạt như trước kia; đường vào các nhà đã khang trang hơn, không còn lầy lội như trước... Thấy được những cái lợi đó, nhiều hộ lân cận cũng tự kiên cố hóa nhà mình.

Không chỉ giúp người dân vùng cao Hà Giang cải thiện điều kiện kinh tế, thông qua các chương trình như “Trái tim cho em“, “Vì em hiếu học“, Viettel đã tổ chức nhiều đợt khám sàng lọc miễn phí phát hiện sớm bệnh tim bẩm sinh; trao hàng nghìn suất phần quà là đồ dùng học tập, tiếp sức trẻ em nghèo, hiếu học tới trường.

Trong đợt khám sàng lọc miễn phí phát hiện tim bẩm sinh do Viettel tổ chức đầu tháng 11/2015, người mẹ trẻ Lù Thị Mến dân tộc Nùng (thôn Nà Mạ, thị trấn Yên Minh, huyện Yên Minh) đã bật khóc nức nở khi biết tin cả hai con chị là Nông Tiến Dũng (8 tuổi) và Nông Thị Duyến (15 tháng tuổi) đều bị tim bẩm sinh, cần phẫu thuật ngay, chi phí dự kiến khoảng 40 triệu đồng/cháu.

Ở vùng núi cao, nhà thuộc diện hộ nghèo, đến cái ăn còn chưa lo đủ, nay được biết hai con bị bệnh và số tiền chữa trị lên tới gần trăm triệu đồng khiến chị vô cùng hoang mang. Cũng may nhờ được gặp chương trình Trái tim cho em mà hai con chị có thể được phẫu thuật miễn phí, nỗi lo của chị được giải tỏa phần nào. Không chỉ hai con chị Mến, mà nhiều cậu bé, cô bé nghèo ở vùng cao Hà Giang đã có cơ hội được hồi sinh từ những đợt khám sàng lọc miễn phí này.

Trong chuyến đi, chúng tôi đã gặp lại Lý Chu Yên (SN 1995) ở thôn Thanh Long, xã Thanh Vân, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang – cậu bé được chương trình phẫu thuật miễn phí từ năm 2011. Từ một cậu bé ốm yếu, sau khi phẫu thuật, mặc dù có thêm biến cố đã đến với Yên như bố mất, mẹ đi lấy chồng khác, nhưng nhờ có sức khỏe, Yên vẫn cấy được lúa, trồng ngô, tự đi làm thuê để nuôi sống bản thân. “Em mong chương trình “Trái tim cho em“ tiếp tục mang nhiều cơ hội hơn nữa đến với những trẻ em nghèo trên khắp cả nước, để mọi người có được cơ hội được trở lại khỏe mạnh như em“, Yên tâm sự.