Tấm gương Đại tướng mãi dẫn đường

TP - Khi nhiều bạn trẻ Quảng Bình đang kết nối thông tin cứu trợ, thì nhận được tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra đi. Ngơ ngác, nghẹn ngào… nhất là với những người từng vinh dự được gặp Đại tướng. Bao kỷ niệm cũ bỗng tràn về trong tâm trí.

> Võ Nguyên Giáp: Đại tướng của Hòa bình
> Nhớ Tướng Giáp, người lính già trèo đồi thăm chiến tích

Đại tướng luôn dành tình cảm đặc biệt cho thế hệ trẻ.

Có lẽ trong tất cả những dịp về thăm quê, Đại tướng luôn dành những tình cảm đặc biệt cho thế hệ trẻ. Vì thế nên khi nghe tin bác ra đi, trên những diễn đàn, trang mạng của tuổi trẻ Quảng Bình tràn ngập hình ảnh, thông tin về Đại tướng.

Phạm Xuân Thảo (1976) cựu học sinh chuyên toán Trường THPT Đào Duy Từ, người vinh dự được gặp Đại tướng, đưa lên trang cá nhân bài viết “Tướng Giáp” với lời kết “Lòng ngưỡng mộ, chắc chắn không chỉ của một thế hệ!”. Chỉ sau ít phút, bài viết tràn comment.

Trong một bức ảnh đã ố vàng là hình ảnh thân thương của Đại tướng đang tặng quà cho một cô bé nhỏ nhắn. Đó là Lê Thị Ngọc Diệp (1976), học sinh đầu tiên của tỉnh Quảng Bình đoạt giải Quốc gia môn Văn sau ngày Quảng Bình trở về địa giới cũ. Tiếp đó là ảnh Đại tướng chuyện trò với học sinh lớp chuyên toán. Bao gương mặt bạn bè được xướng lên giữa những dòng commet ngậm ngùi…

 Mỗi lần gặp Người, cũng như sau này lớn lên và tìm hiểu, chúng tôi đã cảm nhận được thật đúng như những gì chúng tôi hình dung từ thuở bé. Khi vừa nghe tin bác mất, hay mỗi lần đọc được tin tức, những bài thơ viết về bác, chỉ chực trào nước mắt. Cả cuộc đời bác đã sống trọn vẹn với non sông đất nước, với nhân dân....

PGS, TS
Trương NInh Thuận

Đã hơn hai mươi năm trôi qua kể từ ngày ấy, những học sinh được gặp Đại tướng hôm nào giờ đã trưởng thành. Đó là kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa với hàng chục giải thưởng quốc tế; Trung tá - Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm mô phỏng, Học viện Quốc phòng, từng đoạt giải Nhân tài đất Việt 2009 cùng rất nhiều tiến sĩ, giảng viên các trường đại học danh tiếng.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trương Ninh Thuận (1977), hiện công tác tại Đại học công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) vẫn cảm thấy mình may mắn hơn nhiều bạn bè khi được là người con của quê hương Đại tướng. Anh kể: “Kỷ niệm về Đại tướng trong tôi là những ngày ấu thơ, lũ trẻ con ùa ra đón đoàn xe Đại tướng về thăm quê. Cảm xúc chộn rộn, náo nức khi nghe tin bác về của đám trẻ chúng tôi ngày ấy không bao giờ có thể quên được. Thuở bé, qua lời kể của ông bà, cha mẹ, bà con lối xóm, đám trẻ chúng tôi đã hình dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một vị tướng tài ba, uy phong lừng lẫy địa cầu mà vẫn hiền từ, nhân hậu như một ông tiên.

Đang học tập tại Australia, Lê Vũ Hoàng (1988), người từng giành vòng nguyệt quế tại vòng chung kết cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” năm 2005 cũng chia sẻ: “Được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp là niềm vinh dự lớn nhất đối với tôi. Là một huyền thoại của nhân dân ta nhưng khi trò chuyện Đại tướng rất ân cần và gần gũi. Trong buổi trò chuyện, Đại tướng đã tặng tôi hai cuốn sách: “Điện Biên Phủ” và “Tổng hành dinh trong mùa xuân đại thắng”, một theo phương châm “đánh chậm thắng chắc”, một thì “đánh nhanh thắng nhanh”. Đó là hai ví dụ điển hình về sự tính toán và suy xét chu đáo của Đại tướng mà bác muốn căn dặn không chỉ cho tôi mà còn cho thế hệ trẻ hôm nay. Là một người con Quảng Bình, tôi càng tự hào khi quê hương còn nghèo khó của mình đã sinh ra Đại tướng - vị anh hùng dân tộc. Khi hay tin Đại tướng đã mất, tôi cảm thấy mất mát rất lớn. Những lời Đại tướng dặn đã, đang và sẽ là hành trang cho tôi mang theo suốt cuộc đời”.

Còn Trung tá Nguyễn Thanh Hải tâm sự: “Tôi đang đi công tác tại Hà Lan, nhận được tin từ quê nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, mấy ngày hôm nay tâm trạng của tôi vẫn chưa hết bồi hồi xúc động. Là một người con của quê hương Lệ Thủy, chỉ cách nhà của Đại tướng con sông, trong tâm trí tôi Đại tướng luôn là niềm tự hào và là tấm gương sáng để tôi có những nỗ lực phấn đấu trong công tác.

Năm tôi đang học lớp 11 chuyên toán trường THPT Đào Duy Từ, trường vinh dự được đón Đại tướng về thăm. Là học sinh tiêu biểu của trường, được bắt tay Đại tướng, trong tôi vẫn còn mãi cảm giác ấm áp từ bàn tay của bác. Theo con đường binh nghiệp, trở thành một sỹ quan của Quân đội nhân dân Việt Nam, với tôi và đồng đội, Đại tướng là người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, là ngôi sao sáng để hướng nhìn, học tập và nỗ lực trong công tác, là niềm tin, là động lực để phấn đấu nhiều hơn nữa để góp phần xây dựng Quân đội vững mạnh, góp phần bảo vệ vững chắc quê hương đất nước”.

Ở xã biển Đức Trạch (Bố Trạch), giữa những hoang tàn, đổ nát của cơn bão số 10, Nguyễn Đức Trung (1975), một “kình ngư” làng biển, nổi tiếng với những chuyến khai thác ở ngư trường Hoàng Sa, trầm tư: “Những thiệt hại về vật chất của quê tôi vừa qua là quá lớn. Nhưng sự ra đi của bác Giáp là nỗi đau khôn cùng, không gì sánh được. Tôi chưa may mắn được gặp bác, nhưng tôi vô cùng tự hào bởi quê hương mình có một con người vĩ đại như thế. Đánh bắt biển xa đối mặt với bao hiểm nguy, nhưng noi gương bác, tôi và bạn bè tôi vẫn tự nhủ “biển mình, mình đánh bắt, sợ chi!”.

Theo Báo giấy